Bộ sưu tập có 37 táng đá, niên đại từ thế kỷ XIX, do các di tích lịch sử văn hóa, các đình, chùa như: đình Thiện Mỹ, đình Hậu Thạnh, chùa Gò Xoài (Trà Ôn), đình Phú Hội (Mang Thít), đình Chánh Hòa (Tam Bình) và các cá nhân trong tỉnh Vĩnh Long hiến tặng cho bảo tàng lưu giữ, nhằm bảo tồn và giới thiệu đến du khách về một phần văn hóa truyền thống của người dân Vĩnh Long trong nghệ thuật kiến trúc dựng nhà thời xưa.
Trước đây, ĐBSCL nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng trong những công trình xây đình, dựng nhà người dân sử dụng nguyên vật liệu chủ yếu là cây lá, với các loại gỗ như: thao lao, gỗ lim, căm xe…
Bộ sưu tập táng đá trưng bày tại Bảo tàng Vĩnh Long.
Để cột gỗ được bền chắc, tồn tại lâu với thời gian, nhân dân ta đã biết lấy táng đá kê các chân cột nhằm chống mối mọt, chống mục cho các cột gỗ. Trong số 37 táng đá được trưng bày tại Bảo tàng Vĩnh Long, có 2 nhóm chính gồm: nhóm táng đá cổ bồng với 22 táng và nhóm táng đá vuông có 15 táng.
Tìm hiểu về táng đá cổ bồng, chúng ta thấy có 3 loại. Thứ nhất là táng đá cổ bồng hình tròn trơn được nghệ nhân tạo tác với kỹ thuật đơn giản, không có hoa văn, có chiều cao 50cm và đường kính mặt 35cm. Đối với các táng đá cổ bồng có hoa văn, được tạo tác mang dáng dấp nghệ thuật thẩm mỹ cao hơn.
Trong nhóm này, có 2 táng đá có kích thước khá lớn, với chiều cao lên đến 52cm, đường kính mặt rộng 40cm, được điêu khắc thành 2 tầng rõ rệt, xung quanh táng đá nghệ nhân chạm khắc nhiều hoa văn tinh xảo,
ấn tượng.
Những táng đá cổ bồng có kích thước nhỏ hơn, lại có hình dáng trông rất bắt mắt, các táng đá này được tạo tác thành 3 lớp khối. Lớp dưới cùng là khối đá hình vuông. Lớp giữa có 8 cạnh hình bát giác, trên cùng là vòng tròn có hình hoa sen gồm 16 cánh đang nở để lộ ra gương sen tròn chính giữa, cũng là phần để kê chân cột.
Bên cạnh đó, tuy được tạo tác khá giống với đá cổ bồng có hoa văn cánh sen, nhưng về hình dáng có khác hơn. Loại táng đá này không sử dụng hoa văn cánh sen mà thay vào đó là 2 vòng tròn phía dưới và phía trên táng đá, trông giống như miệng chậu đang úp xuống đất và ngược lại.
Mặc dù có các kích thước lớn nhỏ, cao thấp khác nhau, có hoa văn, hoặc không có hoa văn, nhưng điểm chung nhất của nhóm táng đá cổ bồng trưng bày tại bảo tàng đều có mặt hình tròn, được sử dụng để kê chân cột gỗ tròn, với mục đích đôn cao cột gỗ, tránh ẩm ướt, mối mọt, giúp cho ngôi nhà trở nên cao ráo, thoáng
mát hơn.
Đối với nhóm táng đá hình vuông, điểm chung của nhóm táng đá này là có chiều cao thấp hơn táng đá cổ bồng, chỉ cao từ khoảng 14-23cm, ngang từ 30-50cm, bề mặt có đường kính từ 29-46cm, có 4 cạnh bằng nhau và đặc biệt là không có khắc hoa văn trên đá. Táng đá hình vuông có 2 loại vòng mặt là mặt tròn và mặt vuông, đây là điểm khác biệt với nhóm táng đá cổ bồng và thường được dùng để kê chân cột của các đình như đình Hậu Thạnh, đình Phú Hội, chùa Gò Xoài…
Một trong những táng đá cổ bồng trong bộ sưu tập táng đá tại Bảo tàng Vĩnh Long.
Ngoài ra, còn có 2 táng đá do Ban Quản trị chùa Gò Xoài tặng cũng có hình dáng độc đáo. Tuy kích thước khiêm tốn hơn những táng đá hình vuông khác, nhưng 2 táng đá này có hình dáng đặc biệt hơn ở chỗ, 1 táng có 4 gốc được mài nhẵn vừa giống hình tròn, nhưng cũng có dáng dấp của hình lục giác.
Còn 1 táng có 1 cạnh ngang, 3 cạnh còn lại được nghệ nhân mài tròn gần giống với hình chữ U. Đây là 2 táng đá thuộc nhóm đá vuông nhưng có hình dáng khá đặc biệt, được đặt ngay hàng đầu trong bộ sưu tập táng đá kê chân cột nhà trưng bày tại Bảo tàng Vĩnh Long.
Vào những ngày nghỉ, ngày cuối tuần, các bạn hãy sắp xếp dành thời gian đến với Bảo tàng Vĩnh Long. Đến đây, chúng ta vừa tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử, vừa hòa mình vào không gian thiên nhiên thoáng mát, với nhiều cảnh đẹp sẽ giúp cho tâm trạng chúng ta thư thả hơn sau những ngày lao động, học tập mệt nhọc.
Bảo tàng Vĩnh Long thuộc Phường 1, TP Vĩnh Long, nằm giữa 2 con đường lớn, nơi đắc địa của trung tâm TP Vĩnh Long. Một mặt hướng về đường Hưng Đạo Vương, mặt chính của bảo tàng quay về đường Phan Bội Châu, phía trước là dòng sông Cổ Chiên hiền hòa, thơ mộng.
Hiện Bảo tàng Vĩnh Long đang lưu giữ, trưng bày gần 30.000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu ghi dấu quá trình khẩn hoang, lập làng, lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng đất và con người Vĩnh Long trong tiến trình lao động, sản xuất, đấu tranh chống giặc ngoại xâm góp phần bảo vệ cương thổ quốc gia nói chung và quê hương Vĩnh Long nói riêng. Bên cạnh đó là nhiều hiện vật quý, độc đáo, lạ mắt mà chỉ ở Vĩnh Long mới có.
Theo MINH TÂM (Báo Vĩnh Long)