Ngôi đình và những hoài niệm
Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh ra tại ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Trên đường từ trung tâm hành chính huyện đến ấp Bình Phụng khoảng 5 cây số, chúng tôi đi qua một địa chỉ in dấu hoạt động cách mạng thời trai trẻ của Thủ tướng, đó là đình Bình Phụng, ngôi đình được sắc phong năm 1920. Nơi đây, giai đoạn tiền khởi nghĩa, các chiến sĩ cách mạng chọn là điểm hội họp, triển khai các phương án đánh địch. Ðặc biệt, trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, với vai trò Bí thư Chi bộ xã Trung Hiệp, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng các chiến sĩ cách mạng đã làm cho quân giặc bạt vía, kinh hồn.
Nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá, lịch sử, qua đó, giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ, đình Bình Phụng được tỉnh Vĩnh Long trùng tu, tôn tạo trên diện tích hơn 3.000 m3 và được công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Mỗi lần về thăm quê, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn đến đình thắp hương và nhắc nhở cấp uỷ, chính quyền địa phương, con cháu cố gắng bảo quản, chăm sóc cảnh quan ngôi đình. Ông Ðặng Hoàng Du, cháu gọi Thủ tướng Võ Văn Kiệt bằng ông chú, hiện đang trông coi đình Bình Phụng, nhớ lại: “Mỗi lần về quê, ông Chín (danh xưng giai đoạn sống, công tác tại địa phương của Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đều nhắc nhở con cháu: Tại ngôi đình này, nhiều cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân yêu nước đã anh dũng hy sinh, mấy đứa ráng gìn giữ, chăm sóc để hương hồn những người đó được an yên”.
Tại ấp Bình Phụng hiện còn gian nhà thờ phụng song thân; mộ, bia ghi danh, công đức song thân và nghĩa trang dòng tộc của cố Thủ tướng. Trong ngôi nhà thờ phụng, ông Phan Văn Ðặng, 77 tuổi, người thờ phụng gia tiên dòng tộc, hoài niệm: “Tuy xa quê hương mấy chục năm, nhưng mỗi lần về, ông Chín đều nhớ và hỏi thăm bà con trong xóm, thăm những đồng đội cũ, những gia đình nuôi giấu, chở che ông trong thời chiến tranh. Có lần, ông Chín lội bộ vô nhà người bạn thời niên thiếu thăm, tặng quà. Ông Chín ăn uống rất giản dị, ông thích nhất món cá trạch nấu canh chua bông so đũa và lươn kho mắm đồng. Ðối với con cháu, ông Chín gần gũi lắm, luôn động viên cố gắng học hành, cần cù lao động, đừng để nghèo khó”.
Dấu ấn đồng bằng
Ðồng chí Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hoà. Sinh thời, với quê hương, dòng tộc, ông luôn dành tình cảm thương yêu, trân quý cội nguồn, quan tâm, giúp đỡ con cháu trưởng thành. Với Tổ quốc, ông tắm mình trong các cuộc chiến tranh máu lửa, thấm đẫm muôn vàn hy sinh, mất mát của dân tộc và của riêng mình; trong giai đoạn hoà bình, bằng tầm nhìn chiến lược, quyết đoán, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương mở đường đột phá nhiều lĩnh vực. Thủ tướng để lại không ít công trình mang "dấu ấn Võ Văn Kiệt”. Trong đó, tại đồng bằng sông Cửu Long, chương trình khai thác Ðồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, dự án thoát lũ biển Tây... đã tạo lực và thế để vùng đất này cất cánh.
Người dân ấp Vĩnh Hoà, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, nhớ ơn bác Kiệt đã đánh thức tiềm năng, giúp cho vùng quê này ngày càng no ấm. (Trong ảnh: Ông Trần Việt Tiến, ấp Vĩnh Hoà, đang chăm sóc ruộng ớt).
Trước ngày sinh lần thứ 100 của Thủ tướng, trở lại một trong số địa phương đón nhận công trình thoát lũ, chúng tôi được nghe nhiều nông dân bày tỏ lòng biết ơn vị Thủ tướng. “Nếu ông Kiệt và Chính phủ không đào kênh thoát lũ, thì hàng ngàn héc-ta đất ở đây lũ về chìm sâu, mùa khô nứt nẻ, dân ở chòi hoài. Bây giờ, mỗi năm, dân ở đây trồng 3 vụ lúa, bờ đê có đường nhựa đi lại dễ dàng”, ông Huỳnh Ngọc Ân, ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, bộc bạch. Ông Ân còn nói thêm: “ Vùng này, ai cũng nhớ ơn bác Kiệt, bởi vậy, chúng tôi gọi kênh Tuần Thống - T5 (tên trước đây) là kênh ông Kiệt. Hôm Nhà nước xây dựng tượng đài và gắn bảng dòng kênh mang tên Thủ tướng, chúng tôi vui mừng rơi nước mắt”.
Công trình thoát lũ không chỉ giúp bà con vùng tứ giác Long Xuyên thoát cảnh đời cơ cực, mà còn ngày càng ăn nên làm ra. Theo ông Trần Văn Niên, Phó chủ tịch UBND xã Lạc Quới: Kênh T5 đi qua địa phận ấp Vĩnh Thuận, dài gần 3 cây số, có hơn 200 hộ sinh sống, trong đó, hơn 80% hộ đã xây nhà, mua sắm phương tiện đi lại và thiết bị sản xuất. Ông Niên cho rằng: Cuộc sống của bà con cải thiện gần như 100% so với thời điểm chưa khai mở các dòng kênh thoát lũ.
Hệ thống kênh thoát lũ tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã giúp bà con mỗi năm trồng 3 vụ lúa, tổng sản lượng cả năm đạt gần 20 tấn/ha. Nhờ hệ thống thuỷ lợi thoát lũ, rửa phèn, những năm gần đây, bà con chuyển đổi sản xuất, lên liếp trồng rau màu, trồng cây ăn trái. Càng vui hơn, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chọn vùng Tứ giác Long Xuyên để đầu tư phát triển. Ðiển hình như Tập đoàn TH đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng tại huyện Tri Tôn nuôi 1.000 con bò sữa và trồng hàng trăm héc-ta cỏ, bắp làm thức ăn cho gia súc.
Tứ giác Long Xuyên là vùng đất trũng, phèn, gồm 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ. Diện tích vùng này trên 200.000 ha. Sau khi hoàn thành hệ thống kênh T (T4, T5, T6), nông nghiêp vùng Tứ giác Long Xuyên phát triển vượt bậc. Nắm bắt vận hội phát triển của đất nước, giờ đây, nông dân trong vùng đang từng bước chuyển đổi sản xuất, tạo ra các loại hàng hoá nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ðưa chúng tôi đi tham quan mô hình trồng củ kiệu và ớt của nông dân ấp Vĩnh Hoà, xã Lạc Quới, ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, bộc bạch: “Hổm rày có nhiều nhà báo, nhà khoa học về đây thăm, tìm hiểu lợi ích của hệ thống thuỷ lợi vùng Tứ giác Long Xuyên. Thấy cảnh vật đổi thay, cuộc sống của bà con no ấm, ai cũng cảm nhận: Bác Kiệt đánh thức vùng đất này, đồng bằng mãi nhớ ơn bác Kiệt”./.
Theo Báo Cà Mau