Lãnh đạo TP Cần Thơ tham quan vườn sầu riêng ở huyện Phong Ðiền.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), năm 2024, ước sản lượng các loại cây ăn trái chính (xoài, cam, quýt, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mãng cầu, mít…) toàn vùng ÐBSCL là 5,777 triệu tấn, so với năm 2023 sản lượng tăng 429.700 tấn; trong đó sản lượng 8 tháng đầu năm 2024 là 4,142 triệu tấn, ước sản lượng 4 tháng cuối năm 2024 là 1,633 triệu tấn. Nhiều địa phương vùng ÐBSCL mở rộng diện tích vườn cây ăn trái theo hướng chuyên canh, tập trung để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu…
Tại TP Cần Thơ hiện nay diện tích cây ăn trái trên 25.000ha, với nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao đang xuất khẩu vào các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhận định: “Với diện tích trên 25.000ha, sản lượng trái cây của thành phố hằng năm duy trì trên 200.000 tấn. Trong đó nhiều loại trái cây chủ lực như xoài, sầu riêng, nhãn, vú sữa đã xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Trái cây của Cần Thơ vào được các thị trường khó tính nhờ áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; liên kết sản xuất để tạo ra vùng chuyên canh nhằm đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm…”.
Những tháng đầu năm 2024, TP Cần Thơ đã xuất khẩu xoài và nhãn sang thị trường Hoa Kỳ và Australia bằng đường hàng không. Việc xuất khẩu lô hàng trên sang thị trường khó tính đã khẳng định được vị thế của ngành hàng trái cây Cần Thơ. Theo ông Trần Thái Nghiêm thì diện tích cây ăn trái của thành phố không ngừng được mở rộng, giá trị của ngành hàng tăng từng năm và đóng góp quan trọng cho ngành Nông nghiệp thành phố. Ngoài ra, diện tích cây ăn trái của TP Cần Thơ cũng góp phần quan trọng trong phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thời gian qua.
Nhằm phát triển ngành hàng trái cây, TP Cần Thơ sẽ quy hoạch lại vùng sản xuất tập trung theo thâm canh, chuyên canh để cấp mã vùng trồng, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong xuất khẩu, gắn với truy xuất nguồn gốc để phục vụ xuất khẩu, đồng thời sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vườn cây ăn trái theo định hướng quy hoạch của thành phố. Ông Trần Thái Nghiêm cho biết thêm: “Thời gian tới, diện tích cây ăn trái sẽ phát triển, mở rộng ở vùng ven thành phố cũng như huyện Phong Ðiền và một phần của huyện Thới Lai, huyện Cờ Ðỏ hình thành những vùng cây ăn trái tập trung. Ðồng thời trên địa bàn các quận, huyện phát triển cây ăn trái không chỉ là hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp mà còn là xây dựng hệ sinh thái để thúc đẩy phát triển đô thị, du lịch sinh thái…”.
Theo Cục Trồng trọt, diện tích cây ăn trái không những phát triển ở TP Cần Thơ mà ở cả vùng ÐBSCL diện tích cây ăn trái đã phát triển lên khoảng 370.000ha, với nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, xoài, bưởi, nhãn, vú sữa và nhiều loại cây ăn trái khác đã xuất sang các thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác. Trong những định hướng xuất khẩu cây ăn trái, nhiều địa phương vùng ÐBSCL sẽ mở rộng diện tích cây ăn trái, hình thành những vùng chuyên canh gắn kết người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để đáp ứng các tiêu chuẩn, kỹ thuật của các nước nhập khẩu, hướng đến phát triển bền vững ngành hàng cây ăn trái.
Tập trung phát triển
Theo Cục Trồng trọt, bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển vườn cây ăn trái ở ÐBSCL cũng còn gặp một số khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ cây ăn trái năm 2024. Ðó là việc liên kết sản xuất cây ăn trái mặc dù đã có tiến triển, tuy nhiên diện tích sản xuất được liên kết vẫn rất khiêm tốn, sản xuất nhỏ lẻ còn phổ biến, dẫn đến quản lý sản xuất, chất lượng gặp nhiều khó khăn; giá sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc các tháng đầu năm rất cao, dẫn đến giá thu mua trong nước có thời điểm đạt 120.000 đồng đến 150.000 đồng/kg (sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu), trước tình hình đó một số nông dân đã chuyển đổi cây trồng như lúa, một số vườn cây ăn trái sang trồng sầu riêng và trồng xen trong vườn cây ăn trái dẫn đến một số diện tích chuyển đổi không theo vùng quy hoạch của địa phương; yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc với các thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng cao, đặc biệt Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất trái cây của Việt Nam nhưng hiện thị trường này đòi hỏi yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc ngày càng cao, trong năm 2024 đã có một số lô hàng không đáp ứng yêu cầu của thị trường này; chi phí đầu vào của sản xuất còn ở mức cao, giá nhân công cao, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất cây ăn trái chưa cao…
Ðể góp phần tháo gỡ khó khăn, hạn chế trên, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương vùng ÐBSCL tập trung đẩy mạnh thực hiện các đề án phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đặc biệt là đề án phát triển cây ăn trái chủ lực, đề án cây công nghiệp có lưu ý đến cây dừa vùng ÐBSCL; quan tâm đến sức khỏe đất, sức khỏe cây trồng, an toàn thực phẩm; cần thực hiện đầy đủ các gói kỹ thuật trên cây ăn trái, rau màu, chú ý đẩy mạnh khuyến cáo việc áp dụng các quy trình kỹ thuật cho cây ăn trái trong mùa lũ và mùa khô tại ÐBSCL; theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra; xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và xâm nhập mặn, kịp thời ứng phó khi có hạn, mặn thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô; đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao hơn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc cây trồng...
Gần đây, tại Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất trồng trọt năm 2024 và triển khai kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2025, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, nhấn mạnh: “Trên cơ sở nhận diện các khó khăn, thách thức của ngành trồng trọt, Bộ NN&PTNT định hướng giải pháp trọng tâm để phát triển ngành trồng trọt tại ÐBSCL thời gian tới. Ðó là các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT cần đánh giá khách quan về công tác chỉ đạo điều hành sản xuất trồng trọt trong năm qua, tập trung vào những khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ. Ðặc biệt trong đó các giải pháp kỹ thuật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và các mô hình hiệu quả, cách làm hay cần nhân rộng. Cần lưu ý tuân thủ lịch thời vụ, chuyển đổi cây trồng phù hợp quy hoạch; tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý vật tư nông nghiệp, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương; đẩy mạnh liên doanh, liên kết, phát triển chuỗi ngành hàng, mở cửa thị trường; nâng cao các giải pháp, định hướng phát triển, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn...”.
Theo HÀ VĂN (Báo Cần Thơ)