“Giữ hồn” chữ đẹp

15/01/2024 - 16:15

Có 63 lần hiến máu tình nguyện, dù đã bước qua tuổi lục tuần nhưng ông Lưu Việt vẫn miệt mài làm cộng tác viên tích cực cho các chương trình hiến máu nhân đạo suốt 15 năm qua. Song song đó, nhiều người còn biết đến ông là một “thầy đồ” thời hiện đại, miệt mài với niềm đam mê chữ đẹp.

A A

Tại không gian Ngày hội Hiến máu tình nguyện của TP Cà Mau vừa qua, Ban Tổ chức dành hai góc nhỏ để các nghệ sĩ thư pháp tặng chữ miễn phí. Xuất hiện tại sự kiện và được nhiều người lần lượt xếp hàng xin chữ sau khi hiến máu là thư pháp gia Lưu Việt. Ông là cộng tác viên cơ hữu của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cũng là người đã gắn bó với nghệ thuật thư pháp suốt 30 năm.

Việc dùng thư pháp làm quà tặng sau hiến máu như một cách truyền cảm hứng đến các bạn trẻ về giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

Kế thừa niềm đam mê từ gia đình, ông Việt được gieo những “hạt giống” thư pháp từ khi còn là cậu bé lên 6. Nếu như trước đây chữ thư pháp của ông là món quà tặng thân thương dành cho người thân, bạn bè thì nhiều năm trở lại đây, niềm đam mê chữ đẹp ấy lại mang đến nhiều điều ý nghĩa cho cộng đồng.

Từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, năm 2006, phong trào hiến máu tình nguyện phát triển mạnh, đó cũng là lần đầu tiên ông đến hiến máu. Thấy được ý nghĩa của hoạt động hiến máu tình nguyện, ông quyết định tham gia hoạt động viết chữ thư pháp tặng người hiến máu. Từ năm 2008, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mời ông về làm cộng tác viên đồng hành trong các chương trình: “Chủ nhật đỏ”, “Hành trình đỏ”, để phát triển hoạt động cho chữ thư pháp sau hiến máu.

“Ông đồ” Lưu Việt tỉ mỉ viết chữ tặng người đến hiến máu.

Ông Việt cho biết: “Một mình tôi không thể đi hết các tỉnh, thành trong cả nước, nên tôi thành lập một nhóm cộng tác viên khoảng 10-15 em có cùng đam mê để tiếp tục hoạt động cho chữ thư pháp trong các chương trình hiến máu nhân đạo. Sau này, với những người có nhu cầu, tôi vẫn viết bán lẻ để dùng số tiền đó gây quỹ cho người nghèo”.

Với ông, điều quan trọng nhất của người viết thư pháp là phải thu nạp được kiến thức, trí tuệ. Khi có hai thứ đó mới có thể phát huy được tư duy nghệ thuật, chuyển giao ý tưởng để diễn giải nét chữ thư pháp, chia sẻ được ý nghĩa sâu xa, nội dung mà mình muốn thể hiện.

"Nghệ thuật thư pháp đã thay đổi tôi rất nhiều về quan niệm sống. Khi mình trao gửi đến người khác cách sống thì mình phải là người làm gương. Có thể ở một thời điểm nào đó mình chưa hoàn thiện nhưng khi đã chia sẻ, hướng dẫn cách sống thì phải nỗ lực tự hoàn thiện bản thân như những gì mình đã nói. Ðó là điều mà tôi tâm đắc”, ông chia sẻ.

Ðến với Cà Mau thông qua Chương trình "Hành trình đỏ" từ năm 2019, 5 năm qua, ông Việt không chỉ đến với mảnh đất cuối trời với tư cách cộng tác viên của Trung ương Hội, mà nhiều chuyến đi của ông còn với tư cách mạnh thường quân. Những lần trao nhà, trao xe lăn, tập vở cho những địa phương vùng sâu, vùng xa giúp ông thêm đồng cảm, yêu quý nơi này.

Ông Lưu Việt cùng các mạnh thường quân đến hỗ trợ xây nhà mới cho một hoàn cảnh khó khăn tại huyện Phú Tân. Ảnh: TUẤN KIỆT.

“Tôi may mắn được đồng hành nhiều chương trình thiện nguyện cho người nghèo. Những nơi đi qua, tôi cảm nhận được người Cà Mau sống mộc mạc, đơn giản và chân thành”, ông Việt bộc bạch.

Với bút lông, mực tàu, giấy đỏ, giờ đây, thú chơi tao nhã ấy lại trở thành món quà tặng đầy ý nghĩa, góp phần tri ân những trái tim ấm áp, những nghĩa cử cao đẹp vì “một cuộc đời ở lại”. Giữa tiết trời đang độ vào xuân, người trao đi những giá trị truyền thống ấy sẽ có thêm niềm vui khi những tác phẩm của mình được mọi người trang trọng treo trong gian nhà ấm cúng./.

Theo HỮU NGHĨA (Báo Cà Mau)