Nghệ sĩ Hồng Giang vai nàng Xê Ða trong trích đoạn “Nàng Xê Ða”.
Những ngày gần kề cuộc thi, hai nghệ sĩ của Nhà hát Tây Đô (TP Cần Thơ) là Võ Vũ Linh và Hồng Giang tích cực tập luyện, trau chuốt vai diễn, với sự hỗ trợ của đồng nghiệp. Nghệ sĩ Võ Vũ Linh tham gia với trích đoạn “Tổ quốc nơi cuối con đường” của tác giả Lê Thu Hạnh, soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương. Anh vào vai Nguyễn, tái hiện một đoạn trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Qua phần phụ diễn của nghệ sĩ Hồng Thủy và nghệ sĩ Châu Sang, Võ Vũ Linh hóa thân khá tốt vai diễn này: một tấm lòng cao đẹp, luôn hướng về đất nước, đồng bào, đau nỗi đau mất nước, hiên ngang, đanh thép...
Còn với nghệ sĩ Hồng Giang, vai nàng Xê Đa trong trích đoạn “Nàng Xê Đa” (tác giả: Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương: Thể Hà Vân) là vai diễn kinh điển, được nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện, nhưng chị đã dày công làm mới. Một nàng Xê Đa yêu kiều, diễm lệ, truân chuyên trong tình yêu với Vua Priêm, khi đoàn viên thì người mất, người còn, khiến người xem xúc động. Phần phụ diễn của nghệ sĩ Lê Duy trong vai Vua Priêm cũng khá ấn tượng.
Điểm mạnh của hai trích đoạn dự thi này là phần dàn dựng khá công phu, nhiều ngôn ngữ nghệ thuật. Đặc biệt, việc kết hợp nghệ thuật múa đã giúp tiết mục thêm sống động, màu sắc.
Cuộc thi năm nay có 24 đơn vị nghệ thuật, cả công lập và ngoài công lập, tham dự với 63 thí sinh. Mỗi thí sinh dự thi 1 tiểu phẩm, trích đoạn có thời lượng không quá 25 phút, trường hợp 2 diễn viên cùng dự thi 1 tiểu phẩm, trích đoạn thì thời lượng không quá 35 phút. Thí sinh dự thi phải thể hiện được các đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật cải lương. Ban Tổ chức khuyến khích vai diễn trong tiểu phẩm, trích đoạn sáng tác mới, có sự sáng tạo trong dàn dựng và phong cách biểu diễn.
Là đơn vị đăng cai, Bạc Liêu có đến 3 đơn vị tham gia cuộc thi gồm: Nhà hát Cao Văn Lầu, Hội Nghệ sĩ sân khấu tỉnh và Hội Văn nghệ dân gian tỉnh. Nhiều nghệ sĩ trẻ của Bạc Liêu thi tài như Hồng Thêm, Hồng Nhiên, Thúy Ái, Mỹ Lệ, Hoàng Dững, Chí Hòa, Minh Nghiêm, Hải Đăng, Trung Cương, Nguyễn Huỳnh Như, Lâm Chí Ngoán, Hoài Thương, Nguyễn Văn Hiền... Đa phần các nghệ sĩ đều chọn đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng để thi diễn.
Đơn vị Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP Hồ Chí Minh) cũng đặt nhiều mục tiêu tại cuộc thi này với 6 nghệ sĩ tham gia: NSƯT Lê Trung Thảo, Nguyễn Văn Khởi, Nhật Nguyên, Kim Tiến, Mỹ Linh và Võ Hoài Long. Trong đó, NSƯT Lê Trung Thảo là một trong những nghệ sĩ đa năng, có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp. Anh chọn vai Lý Huệ Tông trong trích đoạn “Dấu ấn giao thời” của tác giả NSND Triệu Trung Kiên để thi diễn. Các nghệ sĩ còn lại cũng đều trưởng thành từ các cuộc thi danh giá như Chuông vàng vọng cổ, Giải thưởng Trần Hữu Trang… nên hứa hẹn sẽ là những màn thi diễn hấp dẫn.
Ban Tổ chức cho biết: Cuộc thi nhằm phát hiện và tôn vinh tài năng nghệ thuật cải lương, kịp thời ghi nhận công sức tìm tòi, sáng tạo của các nghệ sĩ, diễn viên trong quá trình lao động nghệ thuật. Qua đó, giúp cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương làm cơ sở đánh giá đúng thực trạng hoạt động nghệ thuật cải lương và đưa ra những phương thức hoạt động mới, tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại, thúc đẩy nghệ thuật cải lương phát triển phù hợp với thực tế đời sống xã hội.
Theo DUY KHÔI (Báo Cần Thơ)