“Lợi kép” với nghề trồng kiểng

26/12/2019 - 08:23

Trồng kiểng không đòi hỏi nhiều diện tích nhưng có thể đem lại thu nhập cao hơn những cây trồng khác gấp nhiều lần. Người trồng kiểng vừa được thỏa mãn thú vui tao nhã, trao đổi kinh nghiệm mỗi ngày, vừa “hái ra tiền”. Đó là “lợi kép” mà hầu hết người trong cuộc tâm đắc chỉ ra.

Xã Phú Xuân được xem là nơi khởi điểm phong trào trồng kiểng từ hàng chục năm trước, phổ biến là các loại bon-sai mi-ni. Ông Văng An Ninh (một trong những người chơi kiểng thâm niên) cho biết, do nhà không có diện tích đủ rộng, ông chỉ chăm sóc một số cây bon-sai nhỏ. Nhiều người thích thú hỏi mua khiến ông rất vui nên càng nỗ lực học hỏi kinh nghiệm để nâng cao tay nghề. Từ những ngày đầu tập tành tỉa cây, ông Ninh đã không đặt nặng cây gì, giá trị kinh tế ra sao. Đến nay vẫn vậy, trong mắt ông, cây nào cũng có thể làm kiểng: từ me chua, lộc vừng, dâu tằm, vú sữa… Ông Ninh thuê mặt tiền ở trung tâm xã làm điểm trưng bày các loại hoa kiểng, đồng thời là nơi sinh hoạt định kỳ cho 50 thành viên trong Chi hội sinh vật cảnh của xã Phú Xuân. Trong vườn kiểng của ông hiện có hơn 1.000 chậu mai vàng, mai chiếu thủy, linh sam, sứ, bông trang, giấy, lan, kiểng lá…

Các loại xương rồng của ông Mai Văn Đắng.

“Xét về giá trị kinh tế, trồng cây kiểng rất lý tưởng, chỉ 1 công đất là có thể đem lại thu nhập vượt trội, nhưng không phải ai làm cũng được. Ngoài niềm đam mê, đòi hỏi người trồng phải có nghệ thuật, biết kỹ thuật, hiểu cây, chăm từ cành, bộ rễ tới lúc thành dáng, định hình. Tạo hình bon-sai rất khó, cây nhỏ nhất phải mất 2 năm để thành hình, còn cây lớn mất từ 6 năm, tôi chủ yếu nghiên cứu tạo dáng từ gốc chứ không ghép. Để tiết kiệm thời gian chăm sóc, phần lớn người trồng hiện nay mua phôi về rồi chăm sóc định hình dần theo ý muốn”- ông Ninh chia sẻ.

Khoảng 10 năm trước, người chơi kiểng trong xã chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, hiện nay đã phát triển khá đông, riêng những người chơi kiểng chuyên nghiệp có đến vài chục người. Trong đó bon-sai mi-ni chiếm ưu thế, vì đáp ứng nhu cầu cho người đam mê nhưng không có không gian trưng bày. Những chậu cây nhỏ gọn có thể trưng số lượng nhiều lên kệ, ban công, phòng khách rất tiện lợi. Dù sống vùng nông thôn nhưng ông Ninh không lo về đầu ra của cây kiểng, ngoài khách hàng vãng lai thường ghé qua để tham quan, người dân địa phương cũng ưu ái chọn các loại kiểng này dùng để làm quà tặng hoặc trang trí trong gia đình. Thời điểm này, ông phải ra chăm vườn nhiều hơn, do thời tiết hanh khô, phải đảm bảo cung cấp nước cho cây liên tục và tỉa lá, sửa dáng đạt yêu cầu bán trong dịp Tết Nguyên đán; một trong những loại cây mà khách hàng chuộng nhất là mai vàng, mai chiếu thủy. Ngoài ra, ông Ninh còn đem cây kiểng trưng bày và bán tại các lễ hội, chợ Tết, tham gia thi hội hoa kiểng của huyện hàng năm.

Vườn kiểng của ông Văng An Ninh

Tận dụng diện tích sân nhà khiêm tốn, ông Mai Văn Đắng (ngụ thị trấn Phú Mỹ) đã sống bền với nghề trồng hoa kiểng trên 20 năm. Ông Đắng trần tình: “Muốn theo đuổi nghề này, trước hết phải có niềm đam mê, học hỏi và nghiên cứu, tìm hiểu kỹ từng loại cây. Có thể nói, cây nào cũng có giá trị của nó, càng đắt tiền, càng giá trị thì công chăm sóc càng khó”. Nhờ tay nghề đã được khẳng định qua năm thắng, khách hàng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng các loại kiểng tại vườn hoa kiểng hiệu Phú Tân. Nhiều cơ sở ngoài tỉnh đã trở thành “mối” làm ăn lâu năm với ông, thường đặt số lượng lớn mai chiếu thủy để bán lại. Cả cơ ngơi hội tụ trong không gian khiêm tốn, có gần 200 chậu mai chiếu thủy lớn và nhỏ, giá bán từ 600.000-1.500.000 đồng; các loại tiểu cảnh, bon-sai mi-ni; hàng trăm chậu xương rồng, lan, sứ, lan sò và các loại kiểng khác. Riêng đối với xương rồng, hiện vườn của ông Đắng có hơn 50 loại, phổ biến là các loại giá trung bình để đáp ứng nhu cầu chơi phổ thông của người dân. Khách hàng đến tham quan, mua sản phẩm được ông chỉ dẫn tận tình, từ cách bón phân, tưới nước, diệt côn trùng, đảm bảo môi trường, tránh mưa… cho đến kỹ thuật chăm sóc để cây trổ hoa. Trong đó, nhiều xương rồng được ông lai tạo cho hoa rất đẹp. Các loại kiểng vào độ đạt chuẩn để bán ở đây đều được ông chăm sóc từ 2-4 năm.

Theo lời tâm sự của ông Đắng, làm giàu từ nghề trồng hoa kiểng là cái duyên của mỗi người. Cốt lõi ở chỗ, nếu đam mê và có số vốn nhất định, nghề này sẽ phù hợp với những hộ không có nhiều diện tích đất mà vẫn đảm bảo sống khỏe.

MỸ HẠNH