“Màu hoa súng tím”

14/02/2021 - 15:49

 - Không thơm, không to, không rực rỡ như sen, bông súng mang nét đẹp bình dị của quê mình, càng nhìn càng thích. Chúng mọc hoang dại trong ao, mương, kênh, rạch, láng nước, bàu trũng vào mùa nước nổi ở miền Tây, rỉ rả kể cho người nghe câu chuyện của đời mình.

A A

“Cảm ơn bông súng, củ co/

Nợ nần trả hết, anh lo cưới nàng”

Bông súng gắn bó với đời sống người miền Tây rất nhiều, nhưng chỉ xuất hiện lác đác trong thơ ca, chẳng như sen. Có xuất hiện, lại chịu cảnh bị đem so sánh với sen. Dường như sen thanh cao, xinh đẹp bao nhiêu, thì súng lại tủi phận hèn bấy nhiêu: “Tiếc bông sen nở chen bông súng/ Con chim phụng hoàng đậu trúng nhành tùng khô”. Trong chữ Hán, hoa súng được gọi là “thụy liên”, tức là hoa sen ngủ. Chế Lan Viên đã thốt lên trong bài thơ “Màu hoa súng tím”: “Màu hoa súng ấy như cơn đau không dám khóc/ Chỉ lặng yên sắc tím để mà đau/ Người đời chỉ biết màu sen anh đỏ rực/ Còn nỗi buồn hoa súng tím biết cho đâu”.

Ừ, thì bông súng chỉ làm nền cho sen, lặng lẽ cam chịu phần thiệt thòi. Chỉ ai yêu bông súng, mới nhận ra chúng có những nét thu hút riêng: xinh đẹp đủ sắc màu, cũng “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chúng vươn mình theo con nước lũ, nước càng dâng cao thì cuống lá, cọng càng dài. Lá trải rộng trên mặt nước, mặc sức cho hoa bung nở - khi thì cánh trắng tinh khôi, khi thì cánh tím đài các, lúc lại cánh hồng điệu đà. Bông súng không vươn cao kiêu hãnh như sen, mà chỉ nhởn nhơ đưa nụ hoa vượt lên khỏi mặt nước, bên cạnh vòng tay rộng của chiếc lá. Sau 4-5 ngày nở rộ, bông hoa tàn chìm xuống nước, kết thúc cuộc đời ngắn ngủi mà trọn vẹn. Muốn ngắm hay hái bông súng, phải cúi mặt xuống, nghe mùi quê hương ngai ngái xộc vào lòng.

Ảnh: HOÀNG VŨ

Nhưng ở đồng quê “một nắng hai sương”, người ta nào dành thời gian ngắm bông súng! Nhà có điều kiện thì làm gì có “nhã hứng” hái bông súng vào chưng trong bình, vì chúng đâu nở lâu như sen. Điều mang lại giá trị cho bông súng chính là cuống (hay là cọng), góp một chút vào kho tàng ẩm thực Nam Bộ. Cọng bông súng là món ăn phổ biến ở miền Tây. Nhờ có chúng mà hôm nào không đi chợ, người dân quê cứ bước ra đồng, kéo một ít bông súng lên, làm món nào cũng “bắt cơm”. Chính xác là “kéo”: nắm bông súng mọc là đà trên mặt nước, dùng lực kéo cả cọng lên (nhưng vẫn phải nương tay để không bị đứt). Cọng bông súng mập hơn ngón tay, nhiều khi dài hơn cả sải tay người, nằm ườn trên chiếc xuồng cây. Thành thử, người hái phải nhập 2-3 cọng lại, xoắn nhẹ vào nhau, cuộn tròn thành một bó. Chúng dùng để ăn sống, làm món ghém (gỏi), nấu canh, chấm mắm kho. Tụi trẻ con thích cảm giác tước vỏ cọng bông súng: kéo lớp vỏ tím ra thật dài, để lộ phần non mịn bên trong, bẻ ngang kêu cái “rốp”. Cứ bẻ cọng súng thành khúc nhỏ vừa tay, vừa miệng ăn, ăn tới đâu gắp chấm với món mặn tới đó. Nếu không, cứ bóp nhẹ, trộn cùng dấm đường; hoặc thảy vào nồi canh chua, chung với cá, rau muống, khóm… Cọng bông súng không có mùi vị gì đặc biệt. Chỉ xôm xốp, giòn giòn, mọng nước. Nhưng chính cái “mọng nước” ấy giúp chúng ôm trọn vào mình hương vị món ăn đi kèm.

Nhắc đến bông súng, người ta nghĩ ngay đến văn hóa ẩm thực miền Tây sông nước, nghĩ ngay đến những bữa ăn đạm bạc, đến những tháng ngày vất vả ở bưng biền: “Củ co, bông súng, rau tràng/ Chờ đôi năm nữa cho nàng lớn khôn”, “Cảm ơn bông súng, củ co/ Nợ nần trả hết, anh lo cưới nàng”, “Em muốn về Mỹ Hội mà bà nội không cho/ Bắt vào Đồng Tháp, ăn bông súng với củ co thấu trời”. Có ai ngờ, sau này, chúng chiễm chệ trên những bữa ăn đặc sản miền Tây. Vẫn dung dị, nhưng không còn là thứ rau dùng để ăn tạm bợ nữa, khi những cánh đồng bông súng mùa nước nổi vắng bóng dần…

Tìm về mộc mạc của ngày xưa

Hiện, đồng sen rất nhiều, vì người ta cố ý trồng để thu hoạch, làm kinh tế. Còn bông súng, xuất hiện nhiều vào mùa nước nổi, ung dung mọc “lén” trên những cánh đồng con nước nhảy bờ. Nhưng “nhiều” là nhiều hơn các tháng còn lại, chứ giờ muốn ngắm cảnh bông súng ngút ngàn tầm mắt không phải dễ. Hoài niệm về ngày xưa, biết đi đâu tìm lại bây giờ?

Tình cờ, chúng tôi tìm thấy một cánh đồng bông súng như mong đợi. Trời chưa tỏ mặt người, nhóm nhiếp ảnh gia, phóng viên từ nhiều nơi đã tụ về xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa (Long An). Anh Thái Mộc Hóa (lúc đầu chúng tôi cứ nghĩ anh họ Thái, tên Hóa, nhưng hóa ra anh tên Thái, quê ở xứ Mộc Hóa) dẫn đoàn đi bằng tắc ráng, xuyên qua con rạch… không tên, vào kênh Cả Gừa, kênh 79, đến cánh đồng đầy bông súng. Phía sau chiếc tắc ráng của chúng tôi, là sợi dây buộc 3 chiếc xuồng nhỏ chở bông súng, tình tang xuôi dòng. Đến nơi, chúng tôi vẫn ở yên trên tắc ráng, còn 3 chiếc xuồng được tháo dây. Đội quân áo bà ba bắt đầu vào vị trí “làm việc”.

Anh Thái Mộc Hóa làm cho một công ty du lịch. Dịp tình cờ, họ triển khai ý tưởng mở tour du lịch rất độc đáo. Đưa khách phương xa đi du lịch sông nước miệt vườn, ngắm cánh đồng mùa nước nổi… thì nhiều nơi đã làm. Nhưng anh lại đánh trúng vào tâm lý các chị em phụ nữ thích chụp ảnh lưu niệm ở miệt vườn. Bông sen chụp mãi cũng nhàm, giờ đến lượt bông súng. Thế là, mỗi chiếc tắc ráng (10 người trở lại) chở những cô gái mặc bà ba đủ màu, khăn rằn quấn cổ, nón lá chao nghiêng… Đến cánh đồng, họ thỏa sức tạo dáng bên các xuồng bông súng, hái bông súng, e ấp làm duyên. Góc ảnh đầy chuyên nghiệp, kinh nghiệm của anh Thái đủ làm vừa lòng “người mẫu ảnh”. Tổng chi phí cho cả đoàn hơn triệu bạc. Tính tới tính lui, mỗi chị tốn khoảng 100.000 -200.000 đồng, để nhận về mấy tấm ảnh đẹp lung linh, mặc sức lưu niệm, mặc sức “sống ảo” trên mạng xã hội.

Nhưng cách làm ấy mang lại cuộc sống thật cho nhiều người, như anh Thái, như đội quân chèo xuồng bông súng. Chị Lê Thị Minh Em (sinh năm 1989) là người địa phương. Nhà làm nông rặt mấy đời, đến lượt chị bám quê bằng nghề thợ may (dần… ế theo thời gian, vì người ta chuộng mặc quần áo may sẵn giá rẻ, bày bán ê hề ở chợ), sau này sống bằng nghề hái bông súng. Bông súng đỏ có quanh năm, chừng 7.000 - 8.000 đồng/kg. Bông súng trắng nở rộ mùa nước nổi, cũng vài ngàn đồng/kg. Chị hái mấy tiếng đồng hồ, bông súng chất đầy xuồng, bó lại đem ra chợ bán, tổng cộng chừng 150.000 đồng. Khoảng 3 năm trước, chị e dè nhận lời làm “mẫu ảnh” cho các nhiếp ảnh gia chụp hình bông súng mùa nước nổi. Năm nay, tour du lịch chụp ảnh dành cho khách được mở ra, chị trở thành người làm nền cho khung cảnh.

Cứ mỗi chiếc xuồng đầy bông súng, được trả 100.000 đồng, riêng chị được trả công 200.000 đồng, tổng cộng 300.000 đồng. “Lượng khách chưa được ổn định, nhưng cũng giúp tôi có thêm thu nhập. So với hái bông súng đem ra chợ bán thì nhẹ hơn nhiều. Có khách đặt tour, từ chiều hôm trước tôi hái sẵn bông súng, chất lên xuồng. Chụp ảnh một buổi là xong, buổi còn lại tôi làm thuê, mướn thêm: trồng tràm, hái bông thanh long… Khách ai nấy cũng khen đi kiểu này vừa dân dã, vừa đời thực hơn. Nếu tour du lịch này được duy trì lâu dài thì tốt quá!” – chị Minh Em bày tỏ. Cũng giống như chị Minh Em, chị Nguyễn Thị Minh (sinh năm 1980) về xứ này làm dâu, quanh năm gắn bó với ruộng đồng, nào có nghĩ rằng đến 40 tuổi tự dưng thành “người mẫu ảnh” chuyên nghiệp. “Hồi lúc mới tham gia, chèn ơi, tôi có biết tạo dáng làm sao đâu, gặp máy chụp hình, quay phim nhiều, khớp dữ lắm! Rồi dần dần được hướng dẫn chèo xuồng từ đâu tới đâu, tay chân đặt như thế nào, xếp bông súng kiểu gì… Giờ, cả đội khoảng 12 chị em, nếu cần có thể huy động thêm theo yêu cầu của khách. Cực nhất là phải ngâm mình dưới nước cả buổi, bùn sình dính chặt vào người. Nhưng ai nấy đều vui vẻ, nhiệt tình, cười nói rổn rảng suốt. Còn gì mừng bằng nhiều khách về thăm quê mình! Những người ở xa, không biết sông nước thế nào, ngồi trên xuồng thắc mắc, hỏi han đủ thứ, tôi biết gì giải đáp nấy” – chị cười thật tươi, nhớ lại cảm giác làm “hướng dẫn viên du lịch” bất đắc dĩ.

Trước khi chia tay, tôi nghe họ cảm thán trong niềm hạnh phúc:  “Đồng mình thiên nhiên ưu đãi bông súng nhiều. Mong sao khách đến tham quan ngày càng đông, để những người dân quê chúng tôi có thu nhập ổn định, không còn phải bỏ xứ đi làm ăn xa nữa… Có nơi nào sống vui bằng quê hương xứ sở đâu!”.  Tôi tin, mong muốn ấy sẽ trở thành hiện thực. Dẫu cuộc sống xoay vần thế nào, vẫn luôn làm cho người ta thương nhớ ký ức ngày xưa. Kết nối du lịch - ẩm thực gắn với ký ức, với hoài niệm như câu chuyện “thương nhớ thụy liên” này, cũng là một cách tạo điểm nhấn thu hút khách phương xa!

GIA KHÁNH