Nghệ sĩ biểu diễn bài “Gió mùa thu” của nhạc sĩ Phan Nhân.
“Mùa thu rồi, ngày hăm ba...”
“Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền”. Ca khúc “Nam Bộ kháng chiến” của cố nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn được rất nhiều người thuộc nằm lòng bằng niềm tự hào. Người con của mảnh đất Cần Thơ xưa (nay thuộc Trà Ôn, Vĩnh Long) đã để lại cho đời những giai điệu bất hủ.
Chỉ 3 tuần sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 23-9, được hậu thuẫn của Anh, Pháp đánh chiếm nước ta lần nữa, bắt đầu từ Sài Gòn. Ngày 23-9, quân và dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến cứu nước. Chỉ 2 ngày sau, ngày 25-9, từ chiến khu bưng biền Ðồng Tháp Mười, nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn khi ấy mới 24 tuổi, đã sáng tác “Nam Bộ kháng chiến”. Ca khúc đăng lần đầu trên báo Ðộc Lập, sau đó nhanh chóng lan rộng khắp Nam Bộ và cả nước vì giai điệu hào hùng mà vẫn dễ hát, lời ca ý nghĩa, dễ nhớ. Bài hát như một lời hiệu triệu, nhạc khúc như thúc giục lòng người: “Nóp với giáo mang ngang vai. Nhưng thân trai nào kém oai hùng…”.
Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn sinh trưởng trong một gia đình khá giả, có công-xi rượu ở quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay là huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Dù vậy, ông sớm giác ngộ theo cách mạng. Ông từng học trường College Cần Thơ, là bạn học với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Sau năm 1975, ông về sống tại Cần Thơ, công tác ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Năm 1980, ông về hưu, an hưởng tuổi xế chiều ở quê nhà Trà Ôn và qua đời vào năm 1986.
“Gió mùa thu”
Một ca khúc rất hay khác viết về mùa thu lịch sử cách đây 75 năm được nhiều thế hệ khán giả yêu thích, đó là “Gió mùa thu”. Ca khúc được nhạc sĩ Phan Nhân sáng tác, với giai điệu lạ tai và lời ca rất trữ tình, sâu sắc. Với thủ pháp đối sánh xưa - nay, biền ngẫu, nhạc sĩ Phan Nhân đã đưa người nghe về với những hồi ức thuở Nam Bộ kháng chiến: “Mùa thu năm xưa với tầm vông chiến đấu. Mà sang thu nay đã vượt bầu trời cao...”; và: “Trời thu trong xanh khiến lòng ta mong nhớ. Mùa thu phương Nam sáng bầu trời Việt Nam”.
Nhạc sĩ Phan Nhân (1930-2015), quê ở Long Xuyên, An Giang, là cán bộ Văn Công Nam Bộ tập kết ra Bắc. Ông là bạn đời của NSƯT - diễn viên Phi Ðiểu. Nhạc sĩ Phan Nhân để lại cho đời nhiều ca khúc rất nổi tiếng, như “Hà Nội, niềm tin và hy vọng”, “Tình ca đất nước”, “Cây đàn ghi-ta của Victor Hara”, “Trên quê hương Minh Hải”...
Thành công của ca khúc “Gió mùa thu” còn phải kể đến bài tân cổ cùng tên, được soạn giả Trần Nam Dân chuyển thể từ bài hát của nhạc sĩ Phan Nhân. Bài ca cổ “Gió mùa thu” do NSND Minh Vương và NSƯT Thanh Kim Huệ thể hiện đã đi vào lòng biết bao người. Trong bài tân cổ này, soạn giả Trần Nam Dân, cũng là một nghệ sĩ trưởng thành từ 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, có những cảm tác rất hay. Ông viết trong câu 2 bài tân cổ: “Nhớ cây đòn gánh tản cư còn dấu bầm trên vai mẹ, để cho ba yên lòng bồng súng làm Vệ quốc quân. Dựng cơ đồ trên hai lưỡi lê nội phản và ngoại xâm, mùa thu phương Nam lạ lùng hơn trước. Những ngôi sao tình yêu cũng hành quân đuổi giặc, làm sáng rực cõi bờ, trời đất Việt Nam”.
Kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến, nghe lại những giai điệu bất hủ thật ý nghĩa: “Ôi chói lọi sắc thu xưa để mình quý yêu mùa thu mới, cùng thức với người giữ biên cương và cùng hát với bầu trời” (tân cổ “Gió mùa thu”).
Theo DUY LỮ (Báo Cần Thơ)