“Nông dân Việt Nam xuất sắc” trên quê hương An Giang

09/02/2019 - 10:22

 - Cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đột phá trong thực tiễn, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư mở rộng sản xuất -kinh doanh, những “Nông dân Việt Nam xuất sắc” trên quê hương An Giang góp phần phát triển nông nghiệp tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập.

Sản xuất và xây dựng thương hiệu lúa giống

Vợ, chồng nông dân Nguyễn Quốc Hùng đang trồng thử nghiệm bưởi da xanh

Xuất thân từ một gia đình thuần nông, ông Nguyễn Quốc Hùng (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) đã vươn lên trở thành nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, với doanh thu hàng tỷ đồng/năm từ sản xuất lúa giống. Ông Hùng cho biết, ban đầu, gia đình ông làm lúa hàng hóa như nhiều nông dân trong vùng. Năm 2005, hưởng ứng chương trình xã hội hóa việc nhân giống lúa, ông mạnh dạn chuyển đổi 30ha đất sang sản xuất lúa giống. Bằng sự cần cù và tâm huyết với nghề nông, ông Hùng đã đăng ký thương hiệu và thành lập Công ty TNHH nghiên cứu, sản xuất lúa giống Hùng Hạnh để tiếp tục nâng cao sản lượng và chất lượng lúa giống. Hiện nay, thương hiệu lúa giống của ông Hùng đã được nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh biết đến. “Trang trại sản xuất lúa giống của tôi đã có dây chuyền khép kín từ gieo cấy, thu hoạch, bảo quản, mạng lưới phân phối, với hàng loạt các loại máy móc, thiết bị hiện đại... Bình quân mỗi năm, công ty Hùng Hạnh cung cấp 500 - 600 tấn lúa giống các loại cho nông dân trong, ngoài tỉnh và Campuchia” - ông Hùng chia sẻ.

Không những chăm lo phát triển kinh tế gia đình và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ông Hùng còn tham gia nhiều hoạt động xã hội ở địa phương. Ông Hùng được công nhận nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp nhiều năm liền. Ông là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2015 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Nghiên cứu, lắp ráp lò sấy nông sản

Vợ, chồng nông dân Nguyễn Quốc Hùng đang trồng thử nghiệm bưởi da xanh

Cũng xuất thân từ trồng lúa, ông Dương Xuân Quả (xã Phú Hưng, Phú Tân) tự nghiên cứu và sản xuất ra lò sấy lúa tiện lợi, hiệu quả, giúp giảm tổn thất sau thu hoạch, bảo đảm chất lượng hạt gạo. Ông Quả cho biết, hiểu được nỗi vất vả phải thu hoạch lúa trong mùa mưa, ông quyết tâm nghiên cứu, lắp ráp, hoàn thiện thiết bị sấy chuyên dụng để phục vụ bà con. Qua nhiều lần thử nghiệm, năm 2003, ông đã tìm được thông số kỹ thuật của 1 lò sấy lúa có thể tiết kiệm điện, giảm tỷ lệ hao hụt, hạt gạo không nứt gãy, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Chất lượng sản phẩm lò sấy của ông Quả được nhiều nơi biết đến. Năm 2007, ông Quả thành lập DNTN Năm Nhã (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) chuyên sản xuất, lắp ráp lò sấy có công suất từ 2 - 80 tấn để phục vụ nhu cầu của bà con nông dân. Năm 2012, ông Quả đã hoàn thiện hệ thống “Lò sấy lúa tĩnh vỉ ngang tự động” có cầu trục tự động không phải trở mẻ, giúp giảm 2/3 nhân công vận hành, năng suất cao lại tiết kiệm được thời gian và nhiên liệu. Lò sấy của ông Quả hiện nay không những sấy lúa và nếp, mà còn sấy được bắp, đậu, khoai mì, mè, cà phê, tiêu, khô... “Hiện nay, lò sấy của cơ sở bán cho các nông dân miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ĐBSCL, Campuchia và mới nhất là thị trường Myanmar” - ông Quả chia sẻ. Từ những thành tích đó, ông Quả đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết thư khen ngợi và là một trong những nông dân tiêu biểu nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2016.

Sáng tạo trong chế tạo máy móc nông nghiệp

Nông dân Nguyễn Văn Dũng và chiếc máy thu gom rác

Không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào về cơ khí, chế tạo máy, nhưng từ niềm đam mê sáng tạo, nông dân Nguyễn Văn Dũng (xã Bình Thủy, Châu Phú) đã chế tạo ra nhiều sản phẩm, thiết bị nông nghiệp hữu ích, giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ nhu cầu phục vụ sản xuất tại địa phương, năm 2007, ông Dũng đã sáng chế thành công thiết bị đánh rãnh thoát nước từ máy xới tay của gia đình. Chỉ cần một người điều khiển máy có thể đánh rãnh thoát nước khoảng 2ha/ngày, gấp 40 lần nhân công lao động thủ công, chi phí thấp. Trong lúc trồng mè, thấy hạt mè nhỏ, sạ khó và hao hụt lớn, ông Dũng mày mò chế tạo ra máy sạ hạt mè. Thấy làm rẫy, làm lúa phải đeo bình xịt thuốc bảo vệ thực vật nặng nề, dễ ngấm thuốc vào người, ông Dũng chế tạo xe phun thuốc bảo vệ thực vật. Không những vậy, ông Dũng còn tìm tòi nghiên cứu tung ra máy sạ phân, máy cắt đậu bắp, máy bắt rầy... Ấn tượng nhất là sáng chế máy thu hồi lúa thất thoát sau thu hoạch ở ngoài đồng ruộng và loại trừ được lúa cỏ, lúa lẫn tạp chất. Mới đây, ông Dũng còn chế tạo thành công máy hút rác, quét rác thích hợp thu gom rác ở sân trường, cụm dân cư hay các khu chợ nhỏ với khả năng chuyển, quét, hút các loại rác như: lá cây, bọc ny-lon, chai nhựa, giấy… “Tôi rất hiểu những cái khó của người làm nông, dù khó khăn tôi không bỏ cuộc. Nhìn thấy những chiếc máy có thể giúp ích cho nông dân tôi rất vui mừng. Đó là động lực để tôi tiếp tục sáng chế” - ông Dũng tâm huyết. Từ những sáng chế, ông Nguyễn Văn Dũng đã đạt nhiều giải thưởng tại các hội thi sáng tạo kỹ thuật, vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân các cấp và mới đây nhất là danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2018.

“Cùng với các nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp trên địa bàn tỉnh, những nông dân vinh dự nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là điển hình tiêu biểu về tinh thần yêu lao động, say mê nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật thúc đẩy nền nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng phát triển, góp phần xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp” - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Hùng Cường chia sẻ.


TRỌNG TÍN