Nhìn lại cách đây gần 10 năm, thời điểm xã Khánh Hưng bắt đầu thực Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM thì hiện tại hạ tầng kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường, đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương có những bước phát triển hơn. Song, đến thời điểm này xã chỉ đạt 9/19 tiêu chí NTM, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao, trong khi đích đến chuẩn NTM theo kế hoạch là vào năm 2020.
Còn lắm khó khăn
Là vùng đất thuần nông, nên nói đến Khánh Hưng người ta nghĩ ngay đến đồng lúa, hoa màu, cá đồng và thực tế thì Khánh Hưng từng được ví như “vương quốc” cá đồng, nhất là cá sặt bổi.
Hiện tại, hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn xã đã được đầu tư, phát triển theo hướng phục vụ đa mục tiêu. Thế nhưng, chậm quy hoạch phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, cũng như xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn… nên sản xuất của người dân vẫn còn nặng tính tự cung, tự cấp.
Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng Hồ Thiên Chúa cho biết, đến thời điểm này, giao thông nông thôn trên địa bàn xã tuy đã mở rộng, đấu nối liên ấp nhưng chủ yếu cũng chỉ phục vụ cho việc đi lại của người dân, trong khi tuyến đường ô tô về trung tâm xã tải trọng 8 tấn nhưng cây cầu nối vào xã thì tải trọng chỉ 2,5 tấn. Thế nên, vận chuyển hàng hoá chủ yếu vẫn là đường thuỷ, mất nhiều thời gian nên khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa phương.
Bên cạnh đó, nuôi cá hiện nay chi phí đầu tư cao, nhưng giá bán không thể cạnh tranh với các tỉnh bạn, còn hoa màu người dân cũng chỉ trồng nhỏ lẻ trên đất bờ chủ yếu là phục vụ gia đình. Nguồn kinh tế chủ yếu của người dân là cây lúa, sản xuất 2 vụ nhưng vụ lúa hè thu đạt hiệu quả không cao do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh… Đời sống người dân tuy được nâng lên so với trước đây nhưng một bộ phận còn gặp khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Nguồn cá đồng ở Khánh Hưng nay giảm nhiều so với trước.
Toàn xã có 405 hộ dân tộc Khmer, trong đó 128 hộ nghèo và 48 hộ cận nghèo. Trưởng ấp Kinh Đứng B Huỳnh Thanh Bình trải lòng: “Trong ấp có 239 hộ, trong đó 147 hộ người Khmer. Hầu hết các hộ người Khmer đều là hộ nghèo, hiện có 39 hộ đã bỏ đi xứ khác hoặc đi lao động ngoài tỉnh ít trở về địa phương vì không có đất đai sản xuất. Những năm qua, thực hiện các chính sách đối với người dân tộc, cũng như tranh thủ các nguồn hỗ trợ xã hội, xã đã quan tâm giúp họ vươn lên. Nhưng đã nghèo, không đất sản xuất lại đông con, con lớn lên lập gia đình nên lại phát sinh hộ nghèo… Cứ thế qua nhiều thế hệ.
Cần nguồn vốn tập trung
Thực tế xuất phát điểm trong quá trình xây dựng NTM ở xã Khánh Hưng rất thấp so với mặt bằng chung toàn huyện. Trên địa bàn xã chỉ có duy nhất tuyến lộ nông thôn bằng đá xô bồ, thiết chế xã hội yếu kém, sản xuất nông nghiệp bấp bênh theo thời vụ, thu nhập bình quân đầu người chỉ 10,5 triệu đồng, hộ nghèo 14,33%...
Sau gần 10 năm xây dựng NTM, tuy khó có thể đạt chuẩn theo kế hoạch đề ra, nhưng hiện tại trên địa bàn xã có trên 140 km lộ nông thôn được đầu tư xây dựng, Trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, 10.796/11.424 người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân đầu người 37,12 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 9,69%... Đây là kết đáng ghi nhận đối với xã nghèo.
Song, xây dựng NTM là phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư. Qua đó, huy động nội lực để phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài trong nông thôn. Tuy nhiên, kiến thức, kỹ năng, phương pháp của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tuyên truyền còn hạn chế, kinh phí thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu… nên công tác tuyên truyền ở một số ấp chưa sâu rộng, một bộ phận hộ nghèo còn tư tưởng trông chờ sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng...
“Những gì có thể tự vận động làm được thì địa phương đã nỗ lực hết mình, nhưng 10 tiêu chí chưa đạt đều là những tiêu chí khó, vượt khả năng nội lực mà cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các ngành chức năng của huyện, tỉnh… Thực tế việc hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đối với xã Khánh Hưng thời gian qua còn dàn trải, các hạng mục công trình còn mang tính ứng phó với nhu cầu hiện tại của người dân…”, ông Hồ Thiên Chúa cho biết.
Trước những khó khăn đặt ra, cách đây không lâu, tại buổi làm việc với xã Khánh Hưng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Bạch Đằng đã chỉ đạo: “Ngành nông nghiệp nên cân nhắc trên cơ sở khó khăn thực tế để thay đổi phương thức sản xuất sao cho phù hợp nhất, phát huy được tiềm năng của địa phương. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở sẽ được cân nhắc thay đổi, điều chỉnh, sinh hoạt chi bộ cần thay đổi để đạt yêu cầu thực tế và nhân rộng mô hình hay cho những đơn vị khác. Mặt khác, địa phương cần tập trung vào công tác xoá nghèo, đặc biệt hộ nghèo là gia đình chính sách và đảng viên".
Theo Báo Cà Mau