“Xóm đảo” không cô đơn

16/06/2021 - 14:28

“Xóm đảo” - cái tên mà người dân vẫn quen gọi dành cho khu vực ấp Kinh Chuối, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Ðầm Dơi (Cà Mau). Khác với những “xóm đảo” khác, nơi đây bị chia cắt với đất liền do con người tác động để phục vụ nông nghiệp, vì thế, so về khoảng cách thì không xa nhưng lại vô vàn khó khăn.

A A

Được hình thành khi nào không ai nhớ rõ, theo những người lớn tuổi, trước đây, nơi này là một dải đất liền, thuộc xã Quách Phẩm Bắc, bên kia giáp xã Quách Phẩm. Về sau, do mở đường nước khơi thông dòng chảy phục vụ nông nghiệp đã tạo 2 rãnh, chia cắt "xóm đảo" như hiện tại. Cũng từ đó vùng đất cô lập giữa 2 bờ được người dân gọi là “xóm đảo”.

Chông chênh xóm nghèo

Xóm đảo có diện tích hơn 1.000 m2, tuy không lớn nhưng từ lâu được xem là vùng đặc biệt của ấp Kinh Chuối nói riêng và xã Quách Phẩm Bắc nói chung. Tại đây có 15 hộ, mỗi hộ từ 4-6 khẩu, 1 hộ đồng bào dân tộc, kinh tế bấp bênh với đủ thứ nghề: nhặt ve chai, soi ba khía, bắt ốc, làm thuê... Trình độ dân trí thấp, lao động không qua đào tạo, không tư liệu sản xuất, đông con... là những khó khăn nhiều năm qua tại đây.

Bí thư Chi bộ ấp Kinh Chuối Nguyễn Thanh Nhớ cho biết: “Ấp có 30 hộ nghèo thì ở xóm đảo chiếm hết 14 hộ. Những đứa trẻ sống ở xóm đảo trước nay nếu muốn có được con chữ phải đi học ở Trường Tiểu học An Lạc, xã Quách Phẩm, hoặc Trường Tiểu học Quách Phẩm Bắc, thuộc ấp Xóm Rẫy, xã Quách Phẩm Bắc, mà do chưa có lộ, gia đình nghèo nên đi học tốn hao đủ thứ”.

Phần lớn những đứa trẻ trên xóm đảo thất học, một số đi học chỉ biết đến mặt chữ, biết tính toán sơ sài thì nghỉ học ở nhà kiếm sống hoặc do gia đình làm ăn xa, phải bỏ học giữa chừng, không có giấy khai sinh...

Anh Lê Văn Tý, 40 tuổi, đã có 8 mặt con, nhỏ nhất là 6 tuổi, lớn nhất đã 19 nhưng không đứa nào được đi học, do không có giấy khai sinh. Nguyên nhân sâu xa là do vợ anh không có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình, nhiều năm như vậy anh chị cũng "bỏ phế".

Ðể bươn chải, không được đến trường nên các con theo cha mẹ đi kiếm sống. Hừng sáng khi con nước còn me mé, mặt trời chưa lên cao thì lội rừng đến chừng nào “hết nổi” thì về. Anh Tý “khoe”: “Nhà thấy vậy chứ 4 người làm ra được đồng tiền rồi. Ai mướn gì mần đó, ai kêu đục hàu thì đục, không thì mò cá, bắt cua, ốc, nhặt ve chai. Biết con thiệt thòi nhưng phải chịu, cần nhất là đám con tôi được đi học để biết chữ nghĩa với người ta”.

Chiếc vỏ lãi chở đầy những chai, lon nhựa cập bến, bà Nguyễn Thị Mến năm nay đã 60 tuổi trở về sau ngày mưu sinh mệt mỏi. Hơn nửa đời người gắn liền với xóm đảo từ đời ông nội, cha và đến bà, nay là con. Cũng như phần đông mọi người, bà Mến sống qua ngày nhờ vào việc nhặt bán ve chai và soi ba khía.

Bà Mến tâm sự: “Biết là khó khăn nhưng không thể bỏ đi xứ khác được, vì mồ mả, tổ tiên ông bà mình ở đây”.

Bà Nguyễn Thị Mến đã gắn bó với “xóm đảo” hơn nửa đời người

Gam màu sáng cho “xóm đảo”

Nghèo, đông con, dân trí thấp, là điều mà ai cũng thấy khi “trông” về xóm đảo, nhưng nếu nhìn xa hơn, xóm đảo vẫn có nhiều mặt tích cực, cũng có những hộ điển hình sống khá, ăn nên làm ra.

Gia đình anh Dương Khánh Dương là hộ có cơ ngơi bề thế trên xóm đảo. Anh Dương vui vẻ: “Từ nghề may vá cùng với chiếc máy ảnh cũ, tôi đi chụp ảnh thuê, sau có vốn, tôi mở thêm dịch vụ cho thuê bàn ghế, rạp, chụp ảnh, quay phim các kiểu. Ðến nay cuộc sống cũng ổn định. Nhà có 2 đứa con, đứa lớn tôi gả rồi, xem như cũng yên tâm, từ giờ mần lo tích góp để hưởng tuổi già, sau là để lại cho con”.

Khó khăn là thế, nhưng cư dân trên xóm đảo vẫn có nhiều ưu điểm, dù không ngành nghề cố định, họ vẫn chịu khó làm ăn, chứ không lười nhác hay ỷ lại vào sự hỗ trợ của địa phương, Nhà nước.

Hộ đồng bào dân tộc duy nhất ở xóm đảo là gia đình em Thạch Trung Hiếu, cũng thuộc diện nghèo của ấp. Năm nay tròn 15 tuổi nhưng Hiếu đã nghỉ học 2 năm trước, do đường đi học xa, kinh tế cũng không cho phép. Cả năm nay cha mẹ đi làm ăn xa, buộc em phải vào đời sớm hơn dự định.

Trong muôn vàn thiếu thốn, thế nhưng không ít trẻ vẫn mong mỏi được đến trường. Em Lê Thị Như Ngọc, 13 tuổi, con anh Tý, cho biết: “Em muốn làm cô giáo, em thích đi học mà cha nói từ từ tính”.

Niềm vui đến khi nghe mấy chú cán bộ ấp thông báo, mai này xóm đảo sẽ có trụ điện cắm mốc trên phần đất xóm đảo, chấm dứt tình trạng điện chia hơi qua sông. Rồi lộ đất đen sẽ được thay bằng lộ bê-tông. Ngoài những chiếc xuồng, vỏ lãi, mai này cư dân trên xóm đảo sẽ có thêm xe đạp, xe gắn máy vi vu; những ngày nước lên, hay mưa sẽ bớt buồn hơn. Một viễn cảnh mới, tươi đẹp sẽ về với xóm đảo...

Phó chủ tịch UBND xã Quách Phẩm Bắc Mai Yến Chinh chia sẻ: “Ðời sống cư dân trên xóm đảo từng bước được cải thiện, nhất là vấn đề giấy khai sinh và nước sạch cho các hộ ở đây. Vừa qua, chính quyền địa phương đến khảo sát thực tế, ghi nhận một số vấn đề cần được quan tâm, trong đó tập trung giải quyết những khó khăn về kinh tế, nhà ở, chứng minh nhân dân, khai sinh, nhu cầu thực tế của bà con qua đào tạo nghề, hỗ trợ vốn... Qua đó, sẽ có hướng tháo gỡ cụ thể trong thời gian tới. Mặt khác, đối với vấn đề đông con, cán bộ cũng đến vận động kế hoạch hoá gia đình, quan tâm hỗ trợ về y tế, nguồn nước, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con trên xóm đảo”.

 

Theo YẾN NHI (Báo Cà Mau)