125 năm địa danh - địa giới tỉnh Trà Vinh (1900 - 2025)

04/04/2025 - 09:13

Vùng đất nay là tỉnh Trà Vinh được nhập vào “hoàng triều cương thổ” vào năm 1757, dù bàn chân khai phá của người Việt đã có mặt từ nhiều thập niên trước đó. Suốt giai đoạn phong kiến chúa Nguyễn và triều Nguyễn, địa bàn này được phân định và diên cách thành một phủ (Lạc Hóa), bao gồm hai huyện là Trà Vang (sau đổi thành Trà Vinh) và Tuân Ngãi.

Đền thờ Bác Hồ (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh). Ảnh: BÁ THI

Huyện Trà Vinh là phần đất bên bờ hữu ngạn sông Cổ Chiên (một cách gần đúng, gồm các huyện Càng Long, Châu Thành, Cầu Ngang, thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh ngày nay). Huyện Tuân Ngãi ở phía tả ngạn Sông Hậu (một cách gần đúng, gồm các huyện: Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú và Duyên Hải ngày nay). Sau khi xâm chiếm Nam kỳ, thực dân Pháp phân chia lục tỉnh cũ thành 24 hạt tham biện (trên địa bàn nay là tỉnh Trà Vinh khi đó có 02 hạt tham biện là Bắc Trang và Trà Vinh), rồi đổi thành tiểu khu hành chánh. Ngày 20/12/1899, Toàn quyền Doumer ra Nghị định đổi tiểu khu hành chính thành tỉnh và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/1900. Theo Nghị định này, Trà Vinh (bao gồm 02 tiểu khu hành chánh Bắc Trang và Trà Vinh nhập lại) là 01 trong 20 tỉnh ở Nam kỳ. Do vậy, năm 1900 được xem là cái mốc cho sự ra đời về mặt hành chính của tỉnh Trà Vinh và trong thế kỷ XX, tỉnh Trà Vinh nhiều lần thay đổi về địa danh cũng như địa giới.

Nhân kỷ niệm 125 năm ngày Thành lập tỉnh trà Vinh (1900 - 2025), qua nhiều tài liệu, sách vở, văn bản lưu trữ tìm tòi được, chúng tôi nghiên cứu, tổng hợp, thống kê những thay đổi về địa danh, địa giới tỉnh Trà Vinh, nhằm giúp các bạn trẻ có thêm một góc nhìn nhân văn về vùng đất mình đang sống.

Theo Nghị định ngày 20/12/1899, tỉnh Trà Vinh (Province de Travinh) có địa bàn gần trùng với phủ Lạc Hóa cũ. Tỉnh Trà Vinh thời điểm này (năm 1900) gồm 20 tổng, chia thành 180 làng.

Cấp hành chính quận chính thức xuất hiện ở Nam kỳ lúc nào, bằng văn bản nào, thú thực giới nghiên cứu chúng tôi vẫn chưa sưu tầm được, chỉ biết rằng đến năm 1917, sách Thời sự cẩm nang của Nguyễn Văn Của là tài liệu chính thức đề cập đến cấp hành chính quận sớm nhất. Theo đó (năm 1917), tỉnh Trà Vinh có 05 quận, được chia thành 20 tổng và 150 làng. 05 quận đó là Châu Thành (03 tổng: Bình Phước, Trà Phú, Trà Nhiêu Thượng); Bắc Trang (05 tổng: Ngãi Hòa Thượng, Ngãi Hòa Trung, Thành Hóa Thượng, Thành Hóa Trung, Ngãi Long Trung); Bàng Đa (04 tổng: Trà Bình, Trà Nhiêu Hạ, Vĩnh Trị Hạ, Vĩnh Lợi Thượng); Càn Long (ban đầu chữ Càn Long được viết như vậy, gồm 04 tổng: Bình Khánh Thượng, Bình Khánh Hạ, Ngãi Long Thượng, Bình Hóa); Ô Lắc (04 tổng: Bình Trị Thượng, Bình Trị Hạ, Vĩnh Lợi hạ, Vĩnh Trị Thượng).

Tháng 8/1928, Thống đốc Nam kỳ ra nghị định phân chia lại địa giới hành chính. Theo đó, tỉnh Trà Vinh bãi bỏ quận Bàng Đa (nhập vào quận Châu Thành) - lỵ sở đặt tại làng Minh Đức, đổi thành Long Đức); đổi tên quận Ô Lắc thành quận Cầu Ngan (ban đầu chữ Cầu Ngan viết như vậy) - lỵ sở dời từ Ô Lắc về làng Minh Thuận; lập quận Tiểu Cần (gồm tổng Ngãi Long Trung, một phần tổng Thành Hóa Trung của quận Bắc Trang và một phần Ngãi Long Thượng của quận Càng Long - lỵ sở đặt tại xã Tiểu Cần; dời lỵ sở quận Bắc Trang từ Bắc Trang về Thanh Xuyên; lỵ sở của quận Càng Long đặt tại An Trường (phần đất này nay thuộc thị trấn Càng Long). Lúc này một số tổng, xã được nhập lại - tỉnh Trà Vinh có 17 tổng và 62 xã.

Tháng 11/1940, Thống đốc Nam kỳ lại có Nghị định đổi tên quận Bắc Trang thành quận Trà Cú.

Sau Cách mạng tháng Tám, theo Hiến pháp năm 1946, trên lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có 5 cấp hành chính là trung ương, bộ (Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ), tỉnh, quận và xã (tuy trong thực tế chiến tranh vẫn tồn tại cấp khu và liên khu). Như vậy, trong lịch sử phân cấp hành chính của chính quyền nhân dân không tồn tại cấp tổng. Tiện đây cũng xin mở ngoặc để nói rõ hơn: thực ra, trong lịch sử tồn tại, tổng vẫn mang tính đại diện hình thức trung gian nhiều hơn cấp hành chính. Do vậy, phía chính quyền Sài Gòn, đến năm 1958, cấp tổng cũng được bãi bỏ.

Mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Trung ương và Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ đặt mật danh cho các tỉnh và quận. Những mật danh này chỉ được sử dụng hạn chế và tồn tại trong một thời gian ngắn.

Ngày 25/3/1948, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh 148-SL về việc thống nhất tên gọi cấp huyện cho cấp hành chính dưới cấp tỉnh trong cả nước. Theo đó, tỉnh Trà Vinh có 05 huyện. Các Quận ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh quận đổi thành Huyện ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh huyện.

Tháng 4/1948, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Trí ra Quyết định công nhận thành phần Ủy ban Kháng chiến Hành chánh thị xã Trà Vinh, do ông Dư Nhật Thăng làm Chủ tịch. Đây được xem là văn bản chính thức thành lập thị xã Trà Vinh với tư cách là một đơn vị hành chính - quân sự tương đương cấp huyện. Thị xã Trà Vinh giai đoạn này chỉ bao gồm địa bàn nội ô mà không có xã Long Đức. Tỉnh Trà Vinh lúc này có 05 huyện và 01 thị xã.

Ngày 27/6/1951, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ ban hành Nghị định số 147/NB-51 về việc thành lập tỉnh Vĩnh Trà trên cơ sở nhập hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Tiếp đó, ngày 17/7/1951, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ ban hành Nghị định số 197/NB-51 về việc điều chỉnh địa giới tỉnh Vĩnh Trà.

Theo đó, thành lập huyện Duyên Hải, trên cơ sở các xã Long Toàn, Long Hữu, Trường Long Hòa, Dân Thành (Dân Thành là xã mới do ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Trà Vinh thành lập trên phần đất tách ra từ xã Trường Long Hòa) của huyện Cầu Ngang và xã Long Vĩnh của huyện Trà Cú; giải thể huyện Tiểu Cần để nhập về huyện Càng Long; điều chỉnh địa giới một số huyện (Cầu Ngang nhận thêm xã Nhị Trường của huyện Trà Cú, xã Long Hòa, Phước Hảo, Hưng Mỹ của huyện Châu Thành. Huyện Châu Thành tách xã Song Lộc về huyện Càng Long và nhận các xã cánh B của huyện Càng Long là Đại Phước, Nhị Long, Đức Mỹ và Phương Thạnh). Gần 03 tháng sau đó, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ lại tiếp tục ban hành Nghị định số 254/NB-51, ngày 12/10/1951, quy định tỉnh Vĩnh Trà thuộc Phân liên khu miền Tây.

Thực ra việc thành lập tỉnh Vĩnh Trà, thành lập huyện Duyên Hải, giải thể huyện Tiểu Cần, điều chỉnh ra giới một số huyện… xuất phát từ yêu cầu tạo thuận lợi cho các hoạt động quân sự của quân dân ta trong kháng chiến. Do vậy, sau Hiệp định Genève, tỉnh Vĩnh Trà tự giải thể cũng như các quy định của Nghị định 147/NB-51, 197/NB-51 và 254/NB-51 tự hết hiệu lực mà không bởi một văn bản hành chính nào cả (hơn nữa, lúc này Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ - cơ quan quyết định việc điều chỉnh địa giới các tỉnh miền Nam - không còn tồn tại). Tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh được tái lập. Huyện Tiểu Cần được tái lập. Phần lớn huyện Duyên Hải nhập về Cầu Ngang, riêng xã Long Vĩnh nhập về Trà Cú. Ranh giới các huyện còn lại trở về như trước năm 1951.

Sau năm 1954, theo phân cấp hành chính của chế độ Sài Gòn, tỉnh Trà Vinh vẫn gồm 05 quận là Càng Long, Châu Thành, Cầu Ngang, Tiểu Cần và Trà Cú. Trong khi đó, bộ máy kháng chiến của ta ngoài 05 huyện này, lại có thêm thị xã Trà Vinh.

Ngày 09/02/1956, Chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh 16-NV thành lập tỉnh Tam Cần, trên cơ sở các quận Tam Bình, Trà Ôn, Cầu Kè của tỉnh Vĩnh Long (Trà Ôn, Cầu Kè được tách ra từ tỉnh Cần Thơ nhập về Vĩnh Long từ năm 1948) và quận Tiểu Cần của tỉnh Trà Vinh (địa danh Tam Cần được ghép từ chữ Tam của Tam Bình và chữ Cần của Tiểu Cần). Lỵ sở của tỉnh Tam Cần đặt tại Trà Ôn. Tháng 7/1956, Liên Tỉnh ủy miền Tây ban hành quyết định thành lập Tỉnh ủy Tam Cần, do ông Nguyễn Thành Thơ (Mười Khẩn) làm Bí thư. Đây có thể xem là văn bản chính thức của bộ máy kháng chiến về việc thành lập tỉnh Tam Cần.

Ngày 21/7/1956, Chính phủ Ngô Đình Diệm thành lập quận Long Toàn gồm các xã Long Hữu, Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa, Long Vĩnh và Long Toàn (trên bản đồ hành chính của chế độ Sài Gòn không có xã Dân Thành) - lỵ sở đặt tại xã Long Toàn, theo Nghị định số 39-BNV/HC. Như vậy, đến thời điểm này, theo sự phân cấp của chế độ Sài Gòn, tỉnh Trà Vinh có 05 quận (Châu Thành, Càng Long, Trà Cú, Cầu Ngang và Long Toàn), còn theo phân cấp của bộ máy kháng chiến thì có thị xã Trà Vinh và 05 huyện (Châu Thành, Càng Long, Trà Cú, Cầu Ngang và Vũng Liêm).

Ngày 22/10/1956, chính quyền Sài Gòn ra Sắc lệnh 143-NV về việc đổi tên tỉnh Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Bình; đổi tên xã Long Đức thành xã Phú Vinh và chọn làm lỵ sở của quận Châu Thành, của tỉnh Vĩnh Bình. Theo đó, Vĩnh Bình là một trong 43 tỉnh của “lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa” và là một trong 21 tỉnh của Nam phần Việt Nam (thêm tỉnh Côn Sơn). Tuy nhiên, tên tỉnh Vĩnh Bình chỉ tồn tại trên các giấy tờ hành chính của chế độ Sài Gòn, người dân và bộ máy kháng chiến vẫn sử dụng tên tỉnh Trà Vinh.

Ngày 03/01/1957, Chính phủ Ngô Đình Diệm ra Nghị định số 03-BNV/HC/NĐ về việc giải thể tỉnh Tam Cần. Theo đó, 03 quận của Tam Cần là Trà Ôn, Cầu Kè, Tiểu Cần nhập về tỉnh Trà Vinh (quận Tam Bình nhập về tỉnh Vĩnh Long). Nghị định này còn quy định lỵ sở của quận Càng Long dời về Bình Phú. Đến tháng 02/1957, Liên Tỉnh ủy miền Tây cũng điều chỉnh địa giới cùng với việc giải thể tỉnh Tam Cần, tạo điều kiện cho việc tập trung lãnh đạo cuộc kháng chiến trên địa bàn. Như vậy, về phía chính quyền Sài Gòn, giai đoạn này, tỉnh Vĩnh Bình (Trà Vinh) có 09 quận là: Trà Ôn, Vũng Liêm, Càng Long, Cầu Kè, Châu Thành, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang và Long Toàn, bao gồm 20 tổng và 75 xã, còn về phía kháng chiến, tỉnh Trà Vinh bao gồm thị xã Trà Vinh, 08 huyện (không có huyện Long Toàn).

Tháng 4/1957, xuất phát từ yêu cầu củng cố lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài, Tỉnh ủy Trà Vinh sáp nhập huyện Tiểu Cần vào huyện Cầu Kè.

Tháng 02/1961, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định thành lập Thị xã ủy Trà Vinh trên cơ sở Chi bộ nội ô tỉnh lỵ và Chi bộ xã Long Đức, do ông Trần Văn Tư (Tư Tranh) làm quyền Bí thư. Như vậy, xã Long Đức được tách khỏi huyện Châu Thành, nhập về thị xã Trà Vinh.

Tháng 02/1962, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định thành lập huyện Duyên Hải có địa giới trùng với quận Long Toàn của chế độ Sài Gòn nhưng sau đó lại tách xã Long Hữu nhập về huyện Cầu Ngang.

Ngày 14/01/1967, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (Sài Gòn) Nguyễn Cao Kỳ ký Sắc lệnh số 06-SL/ĐUHC về việc tách hai quận Trà Ôn và Vũng Liêm từ tỉnh Vĩnh Bình, nhập về tỉnh Vĩnh Long. Ngay sau đó, Liên Tỉnh ủy miền Tây cũng quyết định tách 02 huyện này từ tỉnh Trà Vinh nhập về tỉnh Vĩnh Long. Từ giai đoạn này, tỉnh Trà Vinh cơ bản có địa giới và diện tích trùng với hiện nay.

Cũng trong giai đoạn này, để chuẩn bị địa bàn đứng chân tiến công thị xã trong chiến dịch Xuân Mậu Thân, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định tách các xã vùng ven của huyện Châu Thành là Hòa Thuận, Lương Hòa, Nguyệt Hóa nhập về thị xã Trà Vinh. Đến đầu năm 1969, Tỉnh ủy lại tách các xã này ra, tái lập ranh giới thị xã Trà Vinh và huyện Châu Thành như cũ.

Ngày 27/7/1971, để tổ chức tỉnh lỵ Phú Vinh theo quy chế đô thị, Tỉnh trưởng Vĩnh Bình ký Quyết định số 0501-HCĐP phân chia địa bàn nội ô thành 04 ấp: I, II, III và IV (xã Phú Vinh bao gồm 19 ấp).

Tháng 4/1971, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định thành lập Huyện ủy Tiểu Cần, do ông Bùi Thành Hai (Hai Gió) làm Bí thư và Huyện ủy Duyên Hải, do ông Trương Văn Ngà (Hai Lá) làm Bí thư. Đây có thể xem là quyết định hành chính cho việc tái lập 02 huyện Tiểu Cần và Duyên Hải. Từ đó, tỉnh Trà Vinh gồm 08 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã Trà Vinh, huyện Cầu Kè, Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải.

Sau chiến thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra 02 Nghị quyết số 245-NQ/TW, ngày 20/9/1975 và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 20/12/1975 về việc bãi bỏ cấp khu và hợp tỉnh. Theo đó, tháng 02/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Nghị định sáp nhập các tỉnh ở miền Nam. Từ Nghị định này, tỉnh Vĩnh Trà lại được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Ngày 27/7/1976, theo Nghị quyết kỳ họp thứ I Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tỉnh Vĩnh Trà chính thức mang tên tỉnh Cửu Long.

Ngày 11/3/1977, Hội đồng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị quyết số 59-CP về việc điều chỉnh địa giới tỉnh Cửu Long. Theo đó, giải thể huyện Tiểu Cần (xã Hùng Hòa, Tân Hòa, Tập Ngãi nhập về Trà Cú; xã Tiểu Cần, Long Thới nhập về Cầu Kè, xã Hiếu Tử nhập về Càng Long) và huyện Châu Thành Đông (xã Long Đức nhập về thị xã Trà Vinh; xã Lương Hòa, Nguyệt Hóa, Song Lộc, Đa Lộc, Thanh Mỹ nhập về Càng Long; xã Hòa Thuận, Hưng Mỹ, Phước Hảo, Long Hòa nhập về Cầu Ngang). Huyện Duyên Hải cũng được nhập về huyện Cầu Ngang.

Ngày 29/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Quyết định số 98-HĐBT, tái lập 02 huyện Tiểu Cần và Châu Thành. Cũng ngày 29/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 99-HĐBT tái lập huyện Duyên Hải, trên cơ sở địa giới hành chính trước ngày 11/3/1977, cộng thêm xã Ngũ Lạc.

Ngày 26/12/1991, Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại Kỳ họp thứ 10 đã ra Nghị quyết chia tỉnh Cửu Long thành 02 tỉnh, lấy tên là tỉnh Vĩnh long và tỉnh Trà Vinh. Theo đó, tỉnh Trà Vinh có 08 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã Trà Vinh, huyện Châu Thành, Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải với 74 xã phường. Diện tích chung của tỉnh Trà Vinh là 2.363,03km, dân số là 961.638 người, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Trà Vinh. Tỉnh Trà Vinh chính thức đi vào hoạt động vào tháng 5/1992.

Sau đó, ngày 29/8/1994, Chính phủ ra Nghị định số 99-CP, rồi Nghị định 62-CP, ngày 07/10/1995, Nghị định số 57-CP, ngày 3/10/1996… chia tách một số xã và thành lập một số thị trấn. Đến thời điểm tháng 12/2000, tỉnh Trà Vinh có 01 thị xã, 07 huyện với 07 phường, 09 thị trấn, 78 xã và 724 ấp khóm.

Ngày 07/02/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2002/NĐ-CP, thành lập 02 phường là Phường 8 và Phường 9 thuộc thị xã Trà Vinh. Đến năm 2007, thị xã Trà Vinh (gồm 09 phường và 01 xã) được công nhận là đô thị loại III. Ngày 04/3/2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP thành lập thành phố Trà Vinh trực thuộc tỉnh Trà Vinh. Ngày 15/02/2016, Chính phủ ban hành Quyết định công nhận thành phố Trà Vinh là đô thị loại II.

Ngày 15/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 934/NQ-UBTVQH về việc thành lập thị xã Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh. Theo đó, thị xã Duyên Hải được thành lập trên cơ sở tách thị trấn Duyên Hải và 05 xã Dân Thành, Hiệp Thạnh, Long Hữu, Long Toàn, Trường Long Hòa thuộc huyện Duyên Hải; đồng thời, thành lập 02 phường là Phường 1 và Phường 2 thuộc thị xã Duyên Hải.

Cũng theo Nghị quyết số 934/NQ-UBTVQH, 02 xã Đôn Châu và Đôn Xuân được tách khỏi huyện Trà Cú để nhập về huyện Duyên Hải. Như vậy, huyện Duyên Hải có thị trấn Long Thành và 06 xã là Đông Hải, Đôn Châu, Đôn Xuân, Ngũ Lạc, Long Khánh và Long Vĩnh.

Hiện nay (tháng 4/2025), tỉnh Trà Vinh được phân chia thành 01 thành phố (thành phố Trà Vinh), 01 thị xã (thị xã Duyên Hải) và 07 huyện (Càng Long, Cầu Kè, Châu Thành, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải); với 106 đơn vị hành chính cấp xã gồm 11 phường, 10 thị trấn và 85 xã.

Như vậy, từ khi chính thức được thành lập với tư cách là một đơn vị hành chính cấp tỉnh đến cuối thế kỷ XX (01/01/1900 - 01/01/2025), tỉnh Trà Vinh đã trải qua 125 năm tồn tại và phát triển. Trong khoảng thời gian ấy, trong điều kiện chiến tranh liên tục kéo dài và nhiều lần chia tách, điều chỉnh địa giới.

Với truyền thống đoàn kết, dũng cảm kiên cường trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, cộng đồng các dân tộc ở Trà Vinh đã góp phần xứng đáng cùng cả nước chiến thắng kẻ thù, giành độc lập tự do và từng bước vươn lên, sánh vai cùng các tỉnh bạn trong khu vực và cả nước trong sự nghiệp xây dựng quê hương ấm no, giàu đẹp.

Song song đó, trên cơ sở kế thừa các giá trị văn hóa nguồn cội kết hợp với sự giao lưu, tiếp biến trong quá trình chung sống, người dân Trà Vinh cũng đã sáng tạo, gìn giữ, lưu truyền bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất, góp phần hình thành nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong sự đa dạng.

Bước vào kỷ nguyên cùng cả nước vươn mình, Trà Vinh - với tư cách một đơn vị hành chính cấp tỉnh - đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, cùng các tỉnh lân cận mở rộng địa giới, tạo không gian phát triển trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Tất nhiên, khi ấy, địa danh hành chính Trà Vinh sẽ không còn nhưng cái tên thân thương ấy vẫn mãi tồn tại trong trái tim, khối óc của cộng đồng các dân tộc trên vùng đất này, bởi lẽ “tên đất, tên quê là căn cứ tâm hồn của mỗi người Việt Nam chúng ta”.

Theo Báo Trà Vinh