26 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Long An. Ảnh: Hoàng Nam.
Cầm trên tay chiếc khay có chứa những hộp gỗ, nữ chuyên viên Bảo tàng Long An cẩn thận đặt chúng xuống bàn. Cô tiếp tục dùng tấm vải nhung trải trên mặt bàn, rồi cầm cái nhiếp nhỏ cẩn thận gắp từng lá vàng, nhẫn trong các túi nylon được đánh số, sắp xếp chúng ngăn nắp. Những lá vàng, nhẫn, mỏng như chiếc lá, có kích thức 2-10 cm, được chạm khắc tinh xảo, lấp lánh dưới ánh đèn.
Có 26 hiện vật trong bộ này, gồm hình rắn, hoa sen, voi, người, rùa, lá.., có khắc chữ Phạn."32 năm trước, quá trình các nhà khảo cổ khai quật di chỉ Óc Eo ở huyện Đức Hòa, khi đào xuống độ sâu gần 2 m đã phát hiện ra số hiện vật vàng này", bà Nguyễn Thị Sáu, Phó giám đốc Bảo tàng Long An cho biết.
Theo bà Sáu, số vàng được phát hiện chôn trong một hố thờ cùng tro, được xác định là di tích đền của Phật giáo. Hiện vật này đã có từ thế kỷ 9, sau công nguyên, nay khoảng 1.200 tuổi.
Nhà nghiên cứu Vương Thu Hồng - nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Long An cũng nhận định, đây là bộ sưu tập gần như nguyên vẹn, được đánh giá có chất lượng nghệ thuật và giá trị khoa học đặc biệt, phản ánh trình độ chế tác và tín ngưỡng độc đáo của người xưa.
Nhẫn vàng nạm ngọc. Ảnh: Hoàng Nam.
Những hình vẽ được chạm khắc trên các lá vàng đều được khắc họa khá hiện thực, cân đối. Nếu hình hoa sen biểu tượng cho Phật giáo, thì hình tượng voi biểu trưng cho khôn ngoan, thận trọng.
"Voi cũng là một trong bốn con vật đại diện cho sức mạnh và sinh lực bên cạnh hổ, sư tử và báo. Chúng là một trong bảy báu vật của Phật giáo", ông Hồng nói.
Bảo tàng Long An hiện còn lưu giữ khoảng 20.000 hiện vật thuộc các giai đoạn văn hóa, lịch sử khác nhau, trong đó có khoảng 1.200 hiện vật thuộc nền văn hóa Óc Eo. Bộ sưu tập vàng đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013, từng được đưa đi triển lãm nhiều nơi trong nước và cả ở Mỹ.
Lãnh đạo Bảo tàng Long An cho biết, rất muốn thường xuyên trưng bày bộ sưu tập để phục vụ tham quan, nghiên cứu nhưng thời gian qua họ gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất hiện xuống cấp nặng, không đủ điều kiện an toàn để bảo vệ các cổ vật.
Hoa sen vàng được chạm khắc tinh xảo. Ảnh: Hoàng Nam.
"Trụ sở hiện tại của bảo tàng vốn là một căn nhà cũ đã có tuổi đời hàng trăm năm. Nhiều mảng tường hiện đã bị nứt, bong tróc, nền gạch ẩm thấp mỗi khi mùa mưa đến thường xuyên bị ngập", bà Nguyễn Thị Sáu, Phó giám đốc Bảo tàng Long An, nói
Theo HOÀNG NAM (VnExpress)