Tiểu cảnh tái hiện bức tranh làng quê Nam bộ để khách đến trải nghiệm và chụp ảnh “check-in”.
Thông tin từ UBND TP Cà Mau (đơn vị chủ trì), Ngày hội Bánh dân gian Nam bộ năm nay thu hút 85 gian hàng đăng ký tham gia.
Cụ thể, có 32 gian hàng bánh dân gian; 15 gian hàng sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương; 14 gian hàng quà lưu niệm; 12 gian hàng ẩm thực; còn lại là các gian hàng quần áo, mỹ phẩm…
Đặc biệt, có sự góp mặt của nghệ nhân Cô Ba Giang làm bánh tét Trà Cuôn, trứ danh đặc sản Trà Vinh; nghệ nhân Mười Thiết làm bánh phồng Sơn Đốc, đặc sản Bến Tre; nghệ nhân làm đặc sản bánh tráng Long An, bánh cống Kiên Giang…
Các gian hàng được trang trí bằng nghệ thuật lá dừa đẹp mắt.
Nhiều khách đã đến tham quan, thưởng thức bánh trong ngày đầu tiên của Ngày hội, sáng 8/4.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL, cho biết, khác với năm đầu tiên tổ chức Ngày hội do Sở VH,TT&DL chủ trì, năm nay sự kiện này giao UBND TP Cà Mau chủ trì; Sở phối hợp thực hiện, theo dõi tham mưu nhằm giúp địa phương thực hiện tốt hơn.
Ngày hội Bánh dân gian Nam bộ năm nay sẽ khắc phục những hạn chế năm trước, với sự chuẩn bị, trang trí đẹp hơn, đầu tư nhiều hơn, công tác hậu cần phục vụ lễ hội cũng sẽ tốt hơn. Điểm nhấn của Ngày hội là hội thi Bánh dân gian Nam bộ; hội thi trình diễn áo bà ba; tiệc buffet bánh dân gian Nam bộ và dâng bánh lên Quốc Tổ nhân dịp lễ Giỗ Quốc Tổ tại Đền Hùng (xã Tân Phú, huyện Thới Bình).
Đa dạng các loại bánh sắc màu tham gia Ngày hội.
“Đặc biệt, ở lần thứ 2 tổ chức này, mời nghệ nhân, người làm bánh dân gian trên địa bàn tỉnh tham gia là chính, qua đó nhằm tạo dần thói quen, phong cách phục vụ lễ hội cho người dân Cà Mau những năm sau cũng như những sự kiện du lịch thời gian tới được tốt hơn; đồng thời, góp phần tạo dựng thương hiệu bánh dân gian của người Cà Mau, quảng bá về vùng đất, con người, bản sắc văn hoá, tiềm năng du lịch tỉnh nhà”, ông Nguyễn Chí Công cho biết thêm./.
Theo BĂNG THANH (Báo Cà Mau)