Ấm lòng “Bữa ăn sáng 0 đồng”

16/12/2020 - 13:49

 - Cố định vào buổi sáng các ngày thứ 2, 4, 6 trong tuần, Văn phòng Ban Nhân dân ấp Tây Hạ, xã Mỹ Hiệp, Chợ Mới (An Giang) bắt đầu ngày mới nhộn nhịp với cảnh bà con địa phương đến nhận những suất bún, bánh mì, cháo dinh dưỡng “0 đồng”. Đây là mô hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mỹ Hiệp triển khai thực hiện hơn nửa năm qua. Những suất ăn sáng được trao tận tay bà con đều là tấm lòng với cộng đồng, vừa ngon, đủ dinh dưỡng lại miễn phí, giúp bà con có thêm sức khỏe, làm việc hiệu quả hơn.

A A

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Hiệp Nguyễn Thị Hồng Ngân, ý tưởng của mô hình được đưa ra từ cuộc họp Ban Chấp hành Hội LHPN xã. Ý tưởng đã có, hội phối hợp Trạm Y tế xã ra mắt mô hình Phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em bằng các suất cháo dinh dưỡng. Vậy là mô hình “Cháo dinh dưỡng 0 đồng" được triển khai vào các ngày thứ 2, 4, 6 hàng tuần, ai có nhu cầu đều có thể đến nhận. Công việc nấu cháo dinh dưỡng do chị Nguyễn Mai Thi, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Tây Hạ đảm nhận. Chị Thi cho biết, trước đây chị ở TP. Hồ Chí Minh thường hay theo học các khóa dinh dưỡng của Bệnh viện Nhi Đồng, để nấu cháo cho con mình nên công việc không quá khó khăn. Theo lịch phát cháo, chị Thi sẽ chuẩn bị nguyên liệu từ hôm trước, đảm bảo đủ các nhóm dinh dưỡng cơ bản đến từ rau, củ, thịt, cá... Đúng 3 giờ sáng, chị Thi thức dậy nấu cháo, đến khoảng 5 giờ là chở lại Văn phòng Ban Nhân dân ấp Tây Hạ để chuẩn bị phát cháo dinh dưỡng.

Mô hình “Bữa ăn sáng 0 đồng” ở ấp Tây Hạ (xã Mỹ Hiệp, Chợ Mới)

Chị Thi dùng cả tấm lòng để nấu nướng nên từ khâu lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, nấu nướng đều rất sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. “Bởi vậy, nhiều chị nhận cháo đều nói là sao mua cháo ngoài chợ đem về thì con không chịu ăn, lại đây nhận thì ăn rất ngon lành. Có gia đình có người già bị bệnh nên rất kén ăn, cũng đến đây nhận cháo dinh dưỡng về ăn thấy ngon miệng, nên cũng phát luôn. Chỉ cần nghe nhiêu thôi là mình thấy vui rồi, cực khổ một chút mà có bữa ăn ngon, an toàn cho các cháu cũng thấy hạnh phúc”- chị Thi tâm sự. Khi đến nhận cháo dinh dưỡng, bà con được khuyến cáo sử dụng đồ đựng an toàn, tránh các vật dụng như: ca nhựa, ly nhựa sử dụng 1 lần, vừa độc hại, vừa ô nhiễm môi trường. Sau 1 tháng triển khai, mô hình “Cháo dinh dưỡng 0 đồng” được bà con địa phương hết lòng ủng hộ vì mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, Hội LHPN xã Mỹ Hiệp phối hợp Ban Nhân dân ấp Tây Hạ tiếp tục triển khai điểm phát bún, bánh mì "0 đồng" cho bà con trong thời gian dịch bệnh COVID-19 và được duy trì đến nay. Bún và bánh mì được phát là thực phẩm chay cho bà con dễ sử dụng, trong đó bánh mì được phát vào sáng thứ 2, từ 350 - 420 ổ. Riêng bún được phát vào thứ 6, dao động khoảng 300 phần. Công việc chế biến, chuẩn bị và phát đều do các thành viên trong tổ thực hiện. Đây là những chị em phụ nữ ở địa phương, thấy được công việc ý nghĩa nên tự nguyện đăng ký tham gia.

Để có thức ăn phát sáng hôm sau thì phải chuẩn bị từ chiều ngày trước. Từ chiên tàu hũ, làm bì... đều được các thành viên tự tay thực hiện, hoàn toàn không mua đồ làm sẵn ngoài chợ. Đến 4 giờ 30 phút sáng hôm sau, mọi người tập hợp lại vô sẵn từng phần bún, bánh mì để đến 6 giờ là sẵn sàng phát cho bà con. “Ban đầu, có nhiều người nói là không duy trì mô hình được lâu. Cũng may nhờ sự chung tay của các nhà hảo tâm, bà con ở địa phương, đặc biệt là tấm lòng, sự nhiệt tình của các thành viên trong tổ mà mô hình được duy trì trong nhiều tháng qua”- chị Ngân giải thích. Kinh phí hoàn toàn do các nhà hảo tâm gần xa đóng góp và tổ nhận hết sự đóng góp bằng tiền, hiện vật, như: bún, nước tương, dầu ăn... và cũng có người hỗ trợ cố định từ 1 - 2 triệu đồng mỗi tháng. Người ở quê, nên tấm lòng cũng thiệt thà y vậy, có sức góp sức, nhà có gì thì đem lại cho nấy.

“Hôm trước, có cô dúi vô tay mình 50.000 đồng, nói cô không có tiền nhiều nhưng thấy việc làm ý nghĩa quá, cho cô giúp một ít... Mỗi lần nhận được sự chung tay của bà con, thấy mọi người nhận được những bữa ăn "0 đồng", là động lực lớn nhất để mình cũng như anh, chị, em trong tổ cố gắng duy trì và nhân rộng mô hình có ý nghĩa thiết thực này”- chị Ngân chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN