An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới

18/08/2020 - 08:16

 - Thời gian qua, phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” ngày càng lan tỏa và đạt được kết quả đáng khích lệ. Toàn tỉnh hiện có 1 huyện NTM (Thoại Sơn), 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên) được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Có 61/119 xã được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 51,26%); có 6 xã đạt 15-18 tiêu chí, 48 xã đạt 10-14 tiêu chí và 4 xã đạt 9 tiêu chí. Bình quân toàn tỉnh đạt 15,5 tiêu chí/xã.

Sau 7 năm được công nhận xã NTM, đến nay, xã Vĩnh Châu (TP. Châu Đốc) đã khoác lên mình chiếc áo mới. “Nhờ xây dựng NTM, Vĩnh Châu - từ xã khó khăn của TP. Châu Đốc ngày nào, giờ đã có những đổi thay mạnh mẽ, với những khu dân cư nhộn nhịp; trường học, điện, nước sạch, nhà ở dân cư... được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) địa phương” - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu Lữ Anh Đào chia sẻ.

Đến nay, kết cấu hạ tầng nông thôn của xã cơ bản đáp ứng nhu cầu thông thương, đi lại của người dân. Các tuyến đường trục chính nội đồng được đầu tư, xây dựng bảo đảm vận chuyển hàng hóa. Hệ thống kênh, mương, thủy lợi ngày càng hoàn thiện; đời sống của người dân không ngừng được nâng lên nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý; thu nhập bình quân đầu người tăng…

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền An Giang đã xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Trong công tác chỉ đạo điều hành, tỉnh đã quan tâm tập trung cho xây dựng NTM, chọn giải pháp tối ưu nhất, phù hợp với xuất phát điểm của địa phương. Theo đó, tỉnh đã chọn xã điểm, huyện điểm chỉ đạo thực hiện để rút kinh nghiệm và nhân rộng cho các địa phương khác.

Đồng thời, chọn các giải pháp ưu tiên thực hiện, như: tập trung phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, tạo sự ổn định khu vực nông thôn và tạo nguồn lực cho đầu tư xây dựng NTM trước mắt và lâu dài.

Xây dựng nông thôn mới góp phần đổi mới diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân

Chú Nguyễn Văn Bé (xã Vĩnh Châu) cho biết: “Từ khi tham gia hợp tác xã, liên kết sản xuất, tôi và những nông dân trong xã đã học tập, trao đổi và ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng (từ trồng lúa chuyển sang trồng xoài), góp phần tăng lợi nhuận trên diện tích sản xuất. Cuộc sống khá, tôi và bà con trong xã đóng góp tiền, ngày công xây dựng 3 cầu nông thôn. Cầu, đường rộng rãi, khang trang, đi lại thuận lợi, tôi cảm thấy rất vui”.

Để đảm bảo xây dựng NTM đạt theo lộ trình, kế hoạch đề ra, UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể; tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách tập trung cho Chương trình xây dựng NTM. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các giải pháp về nguồn vốn và thủ tục đầu tư để thực hiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội môi trường, an ninh trật tự của địa phương.

Nhiều địa phương đã tập trung phát triển NTM gắn với việc khai thác triệt để thế mạnh của địa phương, như: phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh; phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển mới các khu, cụm công nghiệp, nhất là các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương từ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, KTXH được quan tâm; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của huyện, thị xã, thành phố chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp; tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm; hệ thống giáo dục và đào tạo phát triển về quy mô và chất lượng...

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM và nhiều chương trình khác ngày càng đi vào chiều sâu. Các thiết chế văn hóa tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh được quy hoạch, đầu tư nâng cấp, tôn tạo và đưa vào khai thác. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ…

Kết quả đạt được trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh thời gian qua là biểu hiện sinh động nhất từ sự chung sức của các cấp, ngành và nhân dân trong xây dựng NTM. Thực tế, sau nhiều năm thực hiện phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng NTM” đã tạo chuyển biến lớn trong phát triển KTXH ở nông thôn, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, diện mạo nông thôn được đổi mới khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

THU THẢO