Để đạt được chỉ tiêu, tỉnh đã đề ra hệ thống các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp quyết liệt đưa ngành du lịch phát triển. Trước tiên là tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch tại các điểm đến trọng điểm; tập trung đầu tư phát triển Khu du lịch quốc gia núi Sam. Đẩy mạnh đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch khu vực quản lý nhà nước, khu vực cộng đồng và khu vực doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch An Giang qua các lễ hội
Tăng cường tuyên truyền chủ trương của tỉnh về ban hành quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch tỉnh An Giang; các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh phát triển du lịch, quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch An Giang đến năm 2030... Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch An Giang bằng nhiều hình thức, duy trì tổ chức thường niên “Tuần văn hóa ẩm thực An Giang” dịp Tết Nguyên đán tại TP. Long Xuyên và “Tuần lễ văn hóa ẩm thực An Giang” gắn liền lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam tại TP. Châu Đốc. Chủ động tham gia các kỳ hội chợ, sự kiện du lịch trong và ngoài nước để tạo mối liên kết với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng. Tổ chức các chuyến xúc tiến du lịch ngoài nước đến thị trường du lịch trọng điểm của An Giang để giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch An Giang. Qua đó, tạo nhiều sản phẩm du lịch mới, đa dạng, phát triển các dịch vụ hỗ trợ phát triển du lịch, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch
Ông Triều cho biết, tỉnh tăng cường tổ chức các chương trình biểu diễn lưu động để giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch An Giang đến du khách trong và ngoài nước. Lồng ghép các chương trình lễ hội, các loại hình văn hóa, giới thiệu nét văn hóa lịch sử để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương. Tổ chức các đoàn khảo sát, xúc tiến du lịch tại các thị trường quốc tế như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Malaysia, Campuchia.... nhằm thu hút, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch tại các thị trường này. Tỉnh tăng cường kêu gọi đầu tư để xây dựng các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn, hiện đại, gắn với phát triển các dịch vụ ăn uống, mua bán sản phẩm du lịch, các sản phẩm tiêu dùng cần thiết. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh để mời gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư, tạo ra các sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách.
Xã hội hóa các hoạt động xúc tiến du lịch. Khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các mô hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí... tạo nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến An Giang. "Trong hệ thống các giải pháp, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển du lịch. Nghiên cứu khai thác hợp lý các nguồn lực phát triển du lịch theo hướng bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững; đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực du lịch và đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về du lịch" - ông Triều thông tin.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị, năm 2019, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tiếp tục chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện tốt chương trình công tác năm 2019; tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản về lĩnh vực văn hóa - thể thao và du lịch, nhất là các chế độ chính sách. Triển khai thực hiện đề án đào tạo nguồn nhân lực của toàn ngành, trong đó chú trọng đào tạo cán bộ làm công tác du lịch. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa - thể thao, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU