An Giang: Đột phá nông nghiệp

14/08/2020 - 08:51

 - Việc khởi công Dự án trang trại chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH tại xã Vĩnh Gia (Tri Tôn, An Giang) là một trong những điểm nhấn trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp của An Giang. Dự án không chỉ đơn thuần là tạo thêm việc làm, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, mà còn là đột phá mới cho địa phương còn nhiều tiềm năng như Tri Tôn.

Hỗ trợ tích cực

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cùng đoàn công tác huyện vừa tiến hành khảo sát thực tế và làm việc với các ngành có liên quan để chuẩn bị cho lễ khởi công Dự án trang trại chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh An Giang của Tập đoàn TH tại xã Vĩnh Gia. Dự kiến, lễ khởi công sẽ được tổ chức cuối tháng 9-2020, gần thời điểm diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), cũng là một trong chuỗi các hoạt động quan trọng chào mừng Đại hội Đảng.

Tri Tôn còn dư địa lớn phát triển nông nghiệp

Lễ khởi công dự án trang trại chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh An Giang của Tập đoàn TH là sự kiện đặc biệt, dự kiến có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng. Để chuẩn bị tốt lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Công an huyện tiến hành giải tỏa và đảm bảo điều kiện giao thông đi lại, đảm bảo an toàn khu vực diễn ra sự kiện, đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy.

Trong khi đó, Xí nghiệp Điện nước Tri Tôn tiến hành khảo sát lắp đặt hệ thống điện, nước phục vụ sự kiện. Đối với UBND xã Vĩnh Gia, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm để phục vụ tốt cho buổi lễ. UBND huyện yêu cầu lễ khởi công phải được tổ chức chu đáo, trang trọng, an toàn nhưng đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả, tạo ấn tượng tốt cho khách hàng, đối tác, cộng đồng, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước khi đến huyện Tri Tôn nói riêng, tỉnh An Giang nói chung tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Đến nay, Tập đoàn TH (TH True Milk) đã thuê lại đất của Công ty TNHH DV TM XNK Hoàng Vĩnh Gia tại xã Vĩnh Gia với diện tích 178ha, đầu tư trang trại bò sữa quy mô 20.000 con và xây dựng vùng nguyên liệu. Tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 4.300 tỷ đồng. Dự kiến, Tập đoàn TH sẽ tiếp tục thuê thêm khoảng 300ha để mở rộng quy mô, đồng thời liên kết với các hợp tác xã (HTX) để tạo vùng nguyên liệu. Dự án này kế thừa thành tựu chăn nuôi bò sữa trang trại chăn nuôi tập trung công nghệ cao mà Tập đoàn TH đã thực hiện trong hơn 10 năm qua tại Nghệ An cũng như các dự án tại Phú Yên, Hà Giang, Thanh Hóa, Sóc Trăng… với sự chăm chút hoàn mỹ để tạo ra ly sữa đạt chuẩn quốc tế.

Phát huy thế mạnh

Trong khi nhiều địa phương đã chạm trần về diện tích sản xuất nông nghiệp thì dư địa phát triển của huyện Tri Tôn vẫn còn khá lớn. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn Trần Văn Cường cho biết, 5 năm qua, diện tích sản xuất lúa tăng thêm 5,04% (108.596ha/103.385ha), chuyển đổi cơ cấu cây màu thay thế cây lúa kém hiệu quả đạt 4.190ha (kế hoạch 2.552ha), diện tích sản xuất lúa giống, liên kết tiêu thụ theo mô hình “Cánh đồng lớn” tăng 4.164ha (hiện đạt 10.629ha).

Trong đó, diện tích áp dụng các mô hình “3 giảm, 3 tăng” chiếm 85% diện tích (đạt 70.865ha), mô hình “1 phải, 5 giảm” chiếm 30,3% (đạt 25.256ha). Huyện đã chuyển đổi diện tích trồng cây ăn trái và từng bước hình thành vùng chuyên canh chuối cấy mô, xoài, nhãn và cây có múi (1.400ha). Đến nay, có 4 DN đầu tư mô hình chuối cấy mô (diện tích 364ha); hình thành vùng trồng xoài cát Hòa Lộc 54ha (HTX Bến Bà Chi, xã Lê Trì), được cấp giấy chứng nhận VietGAP và cấp mã CODE để xuất khẩu. Huyện còn phát triển được vùng dược liệu 131,03ha, gồm: tần dày lá, đinh lăng, nghệ, sâm đất, thiềng liềng đen, ngải, cà gai leo…

Cùng với mở rộng diện tích, Tri Tôn còn chú trọng phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tập trung thu hút nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế, phát huy mạnh mẽ tiềm lực kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng chủ đạo làm cơ sở cho các ngành thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển nhanh, bền vững.

Ông Cường cho biết, huyện sẽ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển ngành chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo mô hình trang trại; phát triển kinh tế hợp tác, HTX hoạt động thực chất, hiệu quả... Dự án trang trại chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh An Giang của Tập đoàn TH, các nhà máy chế biến gạo xuất khẩu chất lượng cao của Tân Long, Lộc Trời, Sunrice, Angimex-Kitoku… là những điểm nhấn trong định hướng phát triển này.

Theo ông Cường, những năm tới, Tri Tôn sẽ tập trung đầu tư tạo bước đột phá về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với cơ cấu lại nền nông nghiệp và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng sản xuất hàng hóa gắn chặt với ngành công nghiệp chế biến. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh đến các công ty, DN và người dân…

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN