An Giang phát huy tính chủ động của người dân trong xây dựng nông thôn mới

25/06/2019 - 08:35

Tỉnh An Giang hiện có 50 trong tổng số 119 xã đạt chuẩn nông thôn mới; ba đơn vị là TP Long Xuyên, TP Châu Ðốc và huyện Thoại Sơn có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Song song với xây dựng các xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, tỉnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội tại các xã khó khăn, biên giới, vùng núi, sớm nâng thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 1,8 lần so với năm 2015; giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) quan tâm công tác giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, tạo thu nhập ổn định giúp người dân thoát nghèo. Ảnh: TRUNG HIẾU

Cùng với tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến khích, vận động, phát huy vai trò chủ thể, tính chủ động của người dân và cộng đồng tích cực tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn các kỹ năng phát triển cộng đồng và thực hiện xây dựng nông thôn mới cho đối tượng trong Ban phát triển ấp, Bí thư Chi bộ ấp, Trưởng ấp và người có uy tín trong ấp. Các sở, ngành và địa phương tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng của các ấp theo bộ tiêu chí của tỉnh ban hành, trên cơ sở đó xây dựng và ban hành quy trình xét công nhận, công bố ấp đạt chuẩn "ấp nông thôn mới". Ðào tạo và nâng cao kỹ năng phát triển cộng đồng; đào tạo nghề cho lao động ở ấp gắn với các mô hình, dự án phát triển sản xuất cụ thể, chú trọng phát triển những nghề truyền thống, những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả gắn với liên kết vùng nguyên liệu, mô hình phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng, mô hình mỗi xã một sản phẩm.

* Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 283.000 ha rừng (212.000 ha rừng tự nhiên và 71.000 ha rừng trồng) trong tổng số gần 349.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được 13.000 ha rừng trồng gỗ lớn; trong đó có 5.200 ha được cấp chứng chỉ rừng FSC-Forest Stewardship Council (Hội đồng quản trị rừng Quốc tế công nhận). Ðể đạt mục tiêu này, tỉnh đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhân rộng mô hình sản xuất cây con phục vụ việc trồng rừng bằng phương pháp nuôi cấy mô. Tỉnh đã tổ chức được 56 mô hình nguồn giống lâm nghiệp với gần 45 ha; trong đó, chủ yếu nhân giống truyền thống như gieo hạt, vườn cung cấp hom và nhân giống hữu tính. Hầu hết các nguồn giống đã và đang được sử dụng hiệu quả, bảo đảm nguồn cung chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu trồng rừng theo hướng bền vững, thân thiện môi trường. Cùng với đó, tỉnh thành lập Hội chủ rừng phát triển bền vững (FOSDA) với chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ rừng hộ gia đình quy mô nhỏ trong hoạt động kinh doanh rừng bền vững; thúc đẩy các chủ rừng tích cực hưởng ứng tham gia vào hoạt động quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn được Hội đồng quản trị rừng Quốc tế công nhận (tiêu chuẩn FSC).

Theo TTXVN