An Giang: Phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của Khu du lịch Núi Sam

26/08/2019 - 08:57

 - Khu du lịch (KDL) núi Sam (TP. Châu Đốc) hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên độc đáo, có giá trị văn hóa tâm linh tín ngưỡng gắn với lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam lớn nhất vùng ĐBSCL. Đặc biệt, nơi đây có quần thể di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia (chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang, Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam), hàng năm đạt trên 4 triệu lượt khách, tỷ trọng của KDL núi Sam đóng góp cho GRDP TP. Châu Đốc trên 7%. Qua đó cho thấy, hoạt động KDL núi Sam đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư, việc triển khai thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển KDL quốc gia núi Sam theo Quyết định 2098/QĐ-TTg ngày 27-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa núi Sam trở thành điểm đến du lịch (DL) hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao, tạo nên sự khác biệt, đặc trưng về sản phẩm DL, góp phần tạo dựng thương hiệu của KDL. Tập trung phát huy mọi nguồn lực đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về DL; xây dựng và phát triển sản phẩm DL phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, tạo nên những sản phẩm DL đặc thù, cạnh tranh trong khu vực, quốc gia và quốc tế. Đồng thời, huy động các nguồn lực gắn với chuyển đổi và sử dụng hiệu quả lao động địa phương để phát triển KDL quốc gia một cách bền vững, hài hòa với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái…

Đường vào Khu du lịch quốc gia núi Sam

Phấn đấu đến trước năm 2025, phát triển KDL núi Sam đáp ứng các tiêu chí của KDL quốc gia; đến năm 2030, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm DL đa dạng, phong phú; có chất lượng, có thương hiệu, trở thành trung tâm DL đặc sắc về văn hóa tâm linh của vùng ĐBSCL và các điểm DL lân cận trở thành một điểm đến quan trọng của miền Tây Nam Bộ. Về chỉ tiêu khách DL, phấn đấu đến năm 2025, đón khoảng 6 triệu lượt khách (trong đó có 800.000 lượt khách lưu trú); đến năm 2030 đón khoảng 7 triệu lượt khách (có trên 1 triệu lượt khách lưu trú). Phấn đấu tổng thu từ du khách, đến năm 2025, đạt trên 2.600 tỷ đồng; đến năm 2030 trên 6.000 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2025 tạo việc làm cho trên 5.000 lao động trực tiếp; đến năm 2030, tạo việc làm cho gần 9.000 lao động trực tiếp.

Từ trên đỉnh núi Sam, du khách có thể ngắm toàn cảnh TP. Châu Đốc

Theo đó, thực hiện tốt công tác tổ chức bộ máy và xây dựng cơ chế chính sách, nhất là công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và tổ chức không gian phát triển DL, triển khai lập quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng trong KDL quốc gia núi Sam theo thứ tự ưu tiên trong năm 2019-2020 từ nguồn vốn ngân sách. Cụ thể, phân khu KDL sinh thái kết hợp dịch vụ (phân khu số 4); phân khu KDL nghỉ dưỡng sinh thái (số 6), là khu dịch vụ, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, ẩm thực…phục vụ du khách. Phân khu nghỉ dưỡng kết hợp nông nghiệp sạch Eco Farm (số 7), kết hợp sản xuất nông nghiệp và DL sinh thái. Phân khu cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng (số 5), quy mô 73,74 ha, là khu biệt thự cao cấp phục vụ nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng của du khách. Phân khu công viên văn hóa DL, vui chơi giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng (số 3), quy mô 233,09ha, là khu vui chơi giải trí, thể dục - thể thao, nghỉ dưỡng phục vụ du khách… Đồng thời, khai thác hợp lý giá trị và sự phân bố của hệ thống di tích, các điểm cảnh quan; hình thành mối liên hệ giữa các phân khu chức năng, giữa các điểm DL trong không gian quy hoạch nhằm tạo không gian kiến trúc, cảnh quan hài hòa; có liên kết với các điểm DL lân cận; hạn chế tối đa chuyển đổi đất nông nghiệp và di chuyển dân cư; giảm thiểu tác động đến cảnh quan môi trường, đời sống của người dân trong khu vực quy hoạch. Tổ chức lập mới hoặc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành hiện tại không còn phù hợp với yêu cầu thực tế. Tổ chức công bố quy họach chi tiết theo quy định.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm

Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển, nhằm mở rộng thị trường khách DL, xây dựng thương hiệu DL An Giang trên bản đồ DL quốc gia, quốc tế. Xây dựng lộ trình hợp lý, đề xuất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư để đến năm 2030, KDL quốc gia núi Sam trở thành trung tâm DL đặc sắc về văn hóa tâm linh, vui chơi giải trí, DL cộng đồng và DL sinh thái của vùng ĐBSCL và cả nước... Hiện đại hóa công tác quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ du khách hướng đến phát triển DL thông minh.

Thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong thu hút đầu tư cho KDL quốc gia và thực hiện đồng bộ các mục tiêu, quy hoạch về phát triển KDL quốc gia đề ra. Phát triển các sản phẩm DL trên cơ sở khai thác những lợi thế cạnh tranh, những đặc trưng khác biệt với các khu, điểm DL trong vùng. Việc phát triển DL gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và truyền thống của vùng đất, con người An Giang. Phát triển KDL quốc gia núi Sam gắn với bảo tồn nghiêm ngặt và phát huy giá trị hệ thống di tích và thắng cảnh; bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh- trật tự an toàn xã hội… Qua đó, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng chọn DL là ngành kinh tế mũi nhọn, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm, góp phần tăng trưởng GRDP bền vững trong thời gian tới.

THU THẢO