An Giang: Phát triển kinh tế từ trồng cây ăn trái kết hợp du lịch

28/05/2019 - 08:23

 - Kết hợp khai thác vườn cây ăn trái, mương nuôi cá với các món ngon bình dị miền quê và đờn ca tài tử... nông dân Nguyễn Văn Cưng (ấp Cây Châm, xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) đã phát triển vườn du lịch sinh thái, thu hút rất đông du khách đến tham quan và nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo lời giới thiệu của người dân địa phương về điểm thu hút khá đông du khách thời gian gần đây, chúng tôi tìm đến vườn sinh thái Út Cưng. Hướng dẫn chúng tôi dạo quanh khu vườn với diện tích hơn 4ha, ông Cưng cho biết, vùng đất này trước đây là vùng phèn trũng, rất khó canh tác hay phát triển sản xuất. Là con nhà nông, ông đã gắn bó với cây lúa mấy chục năm, tuy nhiên năng suất và hiệu quả kinh tế cây lúa ngày càng thấp. Nhận thấy du lịch sinh thái đang là xu hướng của nhiều người, nhất là với những du khách ở chốn thành thị, ông Cưng quyết định chuyển hết đất trồng lúa để lên liếp trồng cây ăn trái. Sau nhiều năm cải tạo, đến nay vườn của ông Cưng đã trồng gần 1.400 gốc xoài Đài Loan và xoài Úc, hơn 100 gốc mít không hạt và các loại cây ăn trái khác, như: mận Tam Hoa, dừa xiêm lùn, dừa dứa, mãng cầu… kèm theo đó là hệ thống kênh mương bao quanh vườn với mục đích rửa phèn và chủ động nguồn nước tưới. Ông Cưng cho biết: “Năm vừa rồi, vườn xoài của tôi đã thu hoạch hơn 13 tấn trái, bán cho thương lái với giá từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lời hơn 100 triệu đồng. Chưa kể dừa và mít đã cho trái lai rai”.

Bơi xuồng tham quan vườn cây ăn trái

Với quyết tâm và đam mê xây dựng vườn cây ăn trái kết hợp điểm tham quan sinh thái, ngay từ đầu, ông Cưng đã bắt tay vào việc xây dựng hệ thống đường đi, tạo cảnh quan, thiết chế văn hóa và điểm ăn uống trong vườn cây ăn trái của mình theo hướng khu du lịch sinh thái dân dã, đậm chất miệt vườn của người miền Tây. “Để đưa vườn cây ăn trái vào phục vụ du lịch, cần phải có thời gian để các loại cây lớn và cho trái ổn định. Thời gian đầu rất khó khăn, vừa phải cải tạo đất, trồng và chăm sóc vườn cây, vừa phải đầu tư xây dựng các công trình. Nếu không bền chí chắc đã thất bại…” - ông Cưng chia sẻ.

Khung cảnh thoáng mát của vườn cây

Chính thức đưa vào khai thác từ đầu tháng 6-2018, vườn du lịch sinh thái Út Cưng đã trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách vào dịp cuối tuần, dịp lễ, Tết. Ngoài khám phá vườn trái cây bằng đường bộ, hệ thống kênh, mương bao quanh vườn để rửa phèn và tưới nước đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo để du khách có thể tham quan vườn cây trái bằng xuồng. Với nhiều du khách, đây là trải nghiệm khá lý thú. Bên cạnh đó, dưới kênh, mương, ông Cưng thả nuôi nhiều loại cá, như: cá tra, cá chép, cá tai tượng… Bên cạnh đó, ông Cưng còn khai thác loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của du khách. “Hiện nay, tuy hoạt động dịch vụ du lịch đã ổn định, nhưng tôi vẫn sản xuất - kinh doanh xoài. So về giá trị, việc phát triển kinh tế vườn kết hợp du lịch sinh thái hiệu quả mang lại sẽ cao hơn. Nhưng quan trọng nhất là phải bảo vệ và chăm sóc vườn của mình mới có thể phát triển bền vững” - ông Cưng chia sẻ.

TRỌNG TÍN