An yên, thích thú ở “rừng thuốc” giữa Đồng Tháp Mười

04/01/2019 - 14:37

Đã liên hệ trước nên khi đoàn khách chúng tôi (khoảng 30 người) vừa đến con đường nhựa phía ngoài đã có 2 chiếc tắc ráng chờ sẵn dưới mép kênh.

Thế là chúng tôi được đón vào Khu bảo tồn đa dạng sinh học cây dược liệu Đồng Tháp Mười (ĐTM), xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An bằng đường thủy.

Vào khu bảo tồn bằng đường sông

1. Từ cách thức, phương tiện đi vào như thế, được ngắm nhìn những vạt rừng tràm dài bạt ngàn, thân cây xù xì, dòng kênh tít tắp, hoa sen, hoa súng tỏa sắc, xa xa vang vọng tiếng chim rừng đã tạo cho chúng tôi sự thích thú. Nhất là với những du khách đến từ Bình Dương, Đắk Nông. Chuyến du lịch trải nghiệm hấp dẫn, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng sông nước ĐTM lại càng thêm ấn tượng.

Nằm ngay đối diện bến tắc ráng là khu hành chính, trong đó có nhà khách 5 tầng kiến trúc rất đẹp, xây dựng theo kiểu tòa tháp. Bao quanh là những tán cây sum suê, tỏa bóng mát, tạo cảm giác an lành, nhẹ nhàng, thư giãn cho người đến đây.

Càng ấn tượng khi những cơn gió mang mùi hương tràm thơm nhẹ tạo cảm giác dễ chịu, mọi sự mệt nhọc sau một chặng đường dài cả trăm cây số cũng tan biến. Ở đó còn xây dựng một gian hàng trưng bày những sản phẩm được chiết xuất từ tinh dầu tràm do nhà máy sản xuất. Cứ thế, khách đến đây có thể thoải mái tham quan, tìm hiểu sản phẩm, nếu thích thì mua về sử dụng với giá cả phải chăng.

Từ lâu, khu bảo tồn được biết đến không chỉ vì cảnh sông nước hữu tình, những cánh rừng tràm bạt ngàn, là nơi từng xuất hiện những cảnh quay trong bộ phim “Cánh đồng bất tận” mà hơn hết, đây còn là nơi có hệ sinh thái đa dạng, rừng thuốc quý, bảo tồn gen tràm. Nhưng để nơi này có được như ngày hôm nay, không thể không nhắc về cố dược sĩ Nguyễn Văn Bé - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Người dân vẫn thường gọi người anh hùng ấy một cách thân thương là ông Ba Đất Phèn.

Để xây dựng, phát triển vùng này, ông Ba Đất Phèn đã dành gần cả cuộc đời mình để thực hiện. Thế nhưng, tháng 9-2016, ông đột ngột mất, để lại nhiều trăn trở, dự định. Thế rồi, dược sĩ Bùi Đắc Thắng và nhiều người khác đã được giao trọng trách gánh vác nhiệm vụ phát triển tiềm năng khu bảo tồn.

Tổng Giám đốc Bùi Đắc Thắng cũng là người có cơ duyên với khu bảo tồn này. 35 năm trước, ông Thắng là một trong những sinh viên cùng ông Ba Đất Phèn về đây thực tập. “Sau đó, anh Ba bám lại vùng đất này, còn tôi ở lại TP.HCM làm việc. Đến năm 2009, trong một lần về thăm anh Ba và nhận được lời rủ rê cùng làm việc. Thế là, tôi cũng quyết định ở lại đây cùng anh phát triển vùng đất này” - ông Bùi Đắc Thắng kể.

Ông Bùi Đắc Thắng - Tổng Giám đốc Khu bảo tồn, kể về quá trình phát triển vùng đất này

Sau khi ông Ba Đất Phèn ra đi, ghi nhớ công lao của ông, bên khu nhà hành chính, dịch vụ, những người tại đây đã xây dựng một tấm bia tưởng niệm để tưởng nhớ. Trên tấm bia vẫn còn ghi rõ những dòng tri ân đầy xúc động về ông Ba Đất Phèn: “Năm 1983, Anh - một thương binh - dược sĩ đại học, một chiến sĩ cộng sản đã gác lại những hứa hẹn tương lai xán lạn nơi thành phố tiện nghi, tạm xa người vợ và hai con bé bỏng thương yêu để về đây với hành trang duy nhất là niềm đam mê thiên nhiên. Anh đã biến vùng đất phèn hoang vắng thành kho báu sinh thái của ĐTM.

Với rừng tràm bát ngát hương thơm, với nhiều giống thảo dược lạ, xanh ngút ngàn, những loài chim hiếm thấy đất lành cũng về đây trú ngụ. Anh đã cung cấp cho ngành dược những sản phẩm giá trị từ công trình nghiên cứu đầy gian nan, từ những cỏ cây được lớn lên bằng mồ hôi nước mắt của chính mình. Anh đã vĩnh viễn nằm xuống nhưng trái tim và dòng máu nhiệt thành của anh vẫn tiếp tục chăm bồi cho vùng đất anh yêu thương".

2. Trước khi chúng tôi tiếp tục đi tham quan những vùng lõi, Giám đốc Bùi Đắc Thắng đã giới thiệu cho khách tham quan sơ lược về khu bảo tồn trên bản đồ. Chỉ theo từng đường nét uốn lượn, ông Thắng bảo, nơi đây được chia ra các khu: Khu bảo vệ nghiêm ngặt, khu phục hồi sinh thái, khu thực nghiệm khoa học và nơi chúng ta đang ngồi là khu hành chính dịch vụ...

Khu rừng có diện tích 1.029ha, trong đó có hơn 965ha rừng nguyên sinh. Đây là đặc trưng của hệ sinh thái ngập nước vùng ĐTM với hệ sinh cảnh thay đổi theo từng mùa. Hệ sinh thái đặc trưng nơi đây vô cùng đa dạng với nhiều cây dược liệu quý: Cây tràm gió nguyên sinh (loài đặc hữu); một số cây bản địa như sen trắng, súng ma… Một số cây di thực trong nước: Dành dành, mù u, ô môi, vối… Một số cây di thực nước ngoài: Tràm trà, bạch đàn chanh, sả Java,...

Sau ít phút giới thiệu, chúng tôi được Phó Giám đốc Dương Văn Toản điều khiển tắc ráng dẫn vào tham quan khu Sao Mai - nơi chuyên trồng thảo dược bằng đường kênh. Trên đường vào, vị Phó Giám đốc 39 tuổi nhiệt tình kể cho chúng tôi rất nhiều điều về vùng đất này và cả những cán bộ, nhân viên đang làm việc tại đây. Như bản thân anh Toản, quê ở tỉnh Bến Tre nhưng về gắn bó với khu bảo tồn đã 17 năm.

Cũng vì nhiều năm bươn chải ở mảnh đất này, nhìn anh già trước tuổi. Qua lời anh kể và bằng hình ảnh thực của vị phó giám đốc ăn mặc đơn giản, đầu đội mũ tai bèo, chân đi dép và lộ rõ làn da bàn chân bị ngấm phèn đã nói lên tất cả sự nhiệt huyết, lăn lộn của những người đang làm việc ở đây.

“Cán bộ, nhân viên ở đây đều rất tâm huyết để xây dựng, phát triển khu bảo tồn. Ngày trước, nơi đây là Xí nghiệp Dầu tràm Mộc Hóa Long An thành lập từ năm 1983 theo quyết định của Bộ Y tế, rồi sau đó sang Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu ĐTM nhưng từ năm 2002 đến nay đã được cổ phần hóa”, anh Toản cho biết.

Ông Dương Văn Toản - Phó Giám đốc Khu bảo tồn, giới thiệu về những cây tràm Úc

Tiếng máy nổ của chiếc tắc ráng kêu xình xịch làm những chú chim gần đó giật mình bay lên ngọn tràm, những con sóng nhỏ cũng dập dồn đập nhẹ vào bờ làm lay động những thảm thực vật, bông súng, bông sen, còn xung quanh là cả một rừng tràm bạt ngàn, ngọn lung lay nhẹ theo cơn gió. Những hình ảnh đó, chúng tôi cứ ngỡ như đang được nhìn thấy trong phim ảnh.

Ở khu bảo tồn có hệ thống kênh, rạch dài hơn 140km giúp giữ nước, rửa phèn, ngăn mặn, phòng cháy, chữa cháy. Ở giữa khu rừng còn có hồ nước tự nhiên rộng khoảng 100ha càng làm cho hệ sinh thái ở đây thêm phong phú. Nhìn những con đường nhô lên chạy bao quanh để ngăn cách khu rừng với bên ngoài, anh Toản bảo tổng chiều dài các con đường đã được con người bồi đắp ở đây dài hơn 40km. Từ sức người, những tuyến đường đã kết nối với nhau tạo thành một hệ thống giao thông liên hoàn. Ngoài đường sông, bây giờ còn đi vào đây bằng đường bộ.

“Thế nhưng khách đến tham quan, chúng tôi chủ yếu đưa đi tham quan bằng tắc ráng hoặc xuồng. Như thế mới cảm nhận được nét đặc trưng, vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình và hoang sơ ở vùng sông nước ĐTM. Còn bình thường nhân viên làm việc tại đây, mỗi lần đi kiểm tra trong khu rừng thường sử dụng xe Honda chạy dọc theo những tuyến đường được bồi đắp” - anh Toản nói.

Trong 1.029ha đất của Công ty, có 65,5ha trồng, lưu giữ, bảo tồn nguồn gen của hơn 80 loại cây dược liệu quý. Chỉ tay về khu vực bên phải, anh Toản cho biết, đó là khu vực trồng khoảng 20.000 cây bạch đàn chanh, có xuất xứ từ Brazil. Ngắt một chiếc lá vò nát trên bàn tay, anh nói: “Tinh dầu chiết xuất từ bạch đàn chanh có thể làm nhiều thứ như kẹo the, nước rửa chén, nước lau nhà, ngừa muỗi”.

Trong khi đó, phía bên trái có một rừng cây cao, to như cây lấy gỗ, vỏ cây thì sù sì đang được nhiều người chú ý là những cây tràm Úc. “Từ 20 năm trước, cây tràm Úc được đưa về trồng tại đây, hiện có khoảng 500 cây. Tinh dầu tràm Úc được chiết xuất trị lở loét, ong đốt, bệnh ngoài da rất hữu hiệu” - anh Toản hào hứng giới thiệu.

Khách tham quan khu vực trồng, bảo tồn gen tràm trong khu bảo tồn

Để chiết xuất tinh dầu, ở đây đã có một nhà máy sản xuất đông dược mang tên Mộc Hoa Tràm đi vào hoạt động và đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 80 công nhân. Từ đây, tinh dầu đã được chiết xuất làm đông dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và các sản phẩm đa dạng từ thiên nhiên như nước rửa chén, lau nhà cung cấp ra thị trường.

Với đặc trưng đa dạng sinh học, có nhiều loại dược liệu thiên nhiên quý, những năm gần đây, khu bảo tồn không chỉ là khu rừng thuốc quý giá, nơi hệ thực vật, sinh học đa dạng mà đã trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách xa, gần.

Đến đây, khách có thể được tham quan rừng tràm nguyên sinh, thưởng thức các món sản vật thiên nhiên đặc trưng vùng đất ngập nước như sen, cá lóc nướng, thư giãn vật lý trị liệu, tham quan và trải nghiệm trực tiếp các sản phẩm dược liệu từ tự nhiên, tắm rừng... Tất cả những trải nghiệm, hệ sinh thái đa dạng và những nét đặc trưng ĐTM mang đến cảm giác an yên, nhẹ nhàng, thích thú cho du khách.

Theo Báo Long An