Một gia đình văn hóa, hạnh phúc, chăm chỉ lao động tiêu biểu ở huyện Phước Long.
Những điển hình tiêu biểu
Để thực hiện tốt phong trào, thời gian qua các địa phương đã tích cực sáng tạo, triển khai nhiều mô hình hay, hiệu quả. Điển hình là mô hình Câu lạc bộ (CLB) Gia đình phát triển bền vững, Tổ tư vấn, đường dây nóng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở TX. Giá Rai. Hàng năm, thị xã chỉ đạo củng cố Ban chỉ đạo gia đình hai cấp; củng cố, nâng chất các CLB gia đình, chú trọng cơ cấu thành viên có uy tín, nhiệt tình với công tác gia đình tại địa phương. Hiện tại, TX. Giá Rai có 6 tổ tư vấn, 10 đường dây nóng và 10 CLB Gia đình phát triển bền vững. Trong số những CLB tổ chức sinh hoạt khá đều và hiệu quả, có thể kể đến CLB Gia đình phát triển bền vững ấp 15 (xã Phong Tân). Thành tích nổi bật của CLB này là đã làm chuyển biến 2 đối tượng thường xuyên nhậu nhẹt, bạo hành vợ con. Đến nay, trên địa bàn ấp không còn tình trạng bạo lực gia đình, phụ nữ được tôn trọng, trẻ em được học hành, chăm sóc chu đáo.
Thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi) cũng là một điển hình trong phong trào bởi thành tích”, giữ vững danh hiệu “Thị trấn văn minh đô thị”. Mấu chốt trong tiến trình này là lãnh đạo địa phương quan tâm thấu đáo đến công tác quản lý kiến trúc, xây dựng đô thị theo quy hoạch; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư ngày càng đồng bộ theo hướng hiện đại. Từ đó đã tạo cho bộ mặt thị trấn Châu Hưng nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,47%; người dân ngày càng chú trọng việc chỉnh trang nhà cửa, làm đẹp khuôn viên nhà, lộ làng…
Xã Điền Hải (huyện Đông Hải) cũng nổi bật với việc xây dựng ấp văn hóa kiểu mẫu về mô hình kinh tế hộ gia đình mang lại hiệu quả. Điển hình trong xã là ấp Doanh Điền. Người dân tập trung phát triển kinh tế vườn, bảo vệ môi trường cùng nhiều hoạt động ở khu dân cư.
Người dân huyện Hồng Dân chăm sóc hàng rào cây xanh, tạo mỹ quan nông thôn. Ảnh: H.T
Nâng cao chất lượng phong trào
Năm 2021, trong bối cảnh nhiều phần việc chung tay phòng, chống dịch, nhưng nhiệm vụ duy trì và nâng cao chất lượng phong trào luôn được các địa phương quan tâm. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai sâu rộng với phương châm “thiết thực, chất lượng, hiệu quả” được nhiều tầng lớp tích cực hưởng ứng. Toàn tỉnh hiện có 2 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 49/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 200.607/213.043 gia đình đạt chuẩn văn hóa và 512/512 quy ước khu dân cư… Tại các mô hình tự quản, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã nhân rộng nhiều mô hình ở các lĩnh vực kinh tế, an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường. 512/512 ấp văn hóa trên toàn tỉnh, đạt tỷ lệ 100% đã chứng minh: ngoài việc tương trợ nhau về kinh tế, các địa bàn dân cư đã nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân…
Bài học kinh nghiệm để các địa phương duy trì và nâng cao chất lượng phong trào chính là quán triệt cũng như thực hiện đầy đủ tinh thần từ Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh và có sự phối hợp giữa các ngành. Bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trường Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh, nhấn mạnh: Việc thực hiện phong trào là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không riêng ngành Văn hóa, nên tất cả các ngành cần phải có cơ chế phối hợp hoạt động. Các xã phải chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện chứ không chờ đợi tỉnh, và phải đề xuất hoạt động phù hợp với tình hình địa phương mình. Đặc biệt, bí thư chi bộ và trưởng ấp là hai thành phần quan trọng trong phong trào. Nếu muốn phong trào đạt kết quả cao, các đồng chí này phải biết chủ động và kết hợp với nhiều ngành trong hoạt động…
Theo Báo Bạc Liêu