Tiết mục của Đoàn nghệ thuật quần chúng Khmer Bạc Liêu sẽ mang đến Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam Bộ và lễ hội Oóc-om-bóc tại Sóc Trăng.
NÉT ĐẸP VĂN HÓA, TÍN NGƯỠNG
Sản xuất nông nghiệp nói chung, nghề trồng lúa nói riêng là nguồn thu nhập chủ yếu của người dân phum sóc từ bao đời nay. Cũng vì vậy, ngay sau thời điểm kết thúc vụ mùa, đồng bào Khmer liền mở hội Oóc-om-bóc để tỏ lòng biết ơn Mặt trăng - vị thần thiên nhiên đã cho mưa thuận gió hòa để cây lúa, rau màu tốt tươi, mùa màng bội thu.
Ông Thạch Chum (ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) bày tỏ: “Năm nay, đời sống của nông dân Khmer thêm phần khởi sắc nhờ đồng lúa, rẫy rau trúng mùa. Bên cạnh kỹ thuật trồng trọt, để được mùa quả ngọt như vậy còn nhờ ơn của Thần Mặt trăng. Bởi thế những ngày này, nhà nhà đều chuẩn bị tươm tất lễ vật là các nông sản do người dân tự tay trồng trọt để dâng lên cúng trăng trong đêm Rằm tháng 10”.
Tùy theo điều kiện của mỗi nhà mà lễ vật cúng trăng nhiều hay ít. Thường thì nghi lễ này do mỗi nhà tự thực hiện, tuy nhiên để buổi lễ thêm phần trang trọng thì nhiều nhà liền kề “hùn” lại tổ chức. Sau khi cúng bái, chủ lễ sẽ đút một ít cốm dẹp vào miệng những trẻ nhỏ, thanh niên và hỏi ước nguyện điều gì trong tương lai. Đặc biệt, một trong những nghi thức không thể thiếu trong lễ cúng trăng là tục đưa Thần Nước, thả đèn trên các con kênh, dòng sông trong phum sóc. Những chiếc đèn được người dân trang trí rực rỡ sắc màu mang theo lời cầu nguyện mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an trong thời gian tới.
Sau phần lễ, đồng bào Khmer thường tập trung về chùa để bước vào phần hội. Tất cả trai gái, già trẻ đều tham gia nhảy múa, ca hát, chơi trò chơi dân gian để mừng đêm hội, tạo nên bầu không khí rộn ràng, náo nức.
Đồng bào Khmer giã cốm dẹp để tổ chức cúng trăng trong lễ hội Oóc-om-bóc. Ảnh: H.T
PHÁT HUY BẢN SẮC
Hòa vào sinh khí tưng bừng của lễ hội này, nhiều chùa Khmer trong tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Đơn cử là chùa Soryaram (chùa Cái Giá giữa, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) mở giải đua ghe Ngo thu hút hơn 20 đội trên địa bàn xã tham gia.
Thượng tọa Lý Quang Long - Trụ trì chùa Cái Giá giữa, chia sẻ: “Đua ghe Ngo là hoạt động không thể thiếu trong các dịp lễ hội Oóc-om-bóc. Thông qua giải đấu lần này, nhà chùa mong muốn thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng phật tử, cổ vũ và động viên đồng bào Khmer ra sức giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.
Đến với Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam Bộ và lễ hội Oóc-om-bóc năm 2022 sắp diễn ra tại Sóc Trăng, Đoàn nghệ thuật quần chúng Khmer Bạc Liêu đã chuẩn bị chương trình tham gia các hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Hơn 50 diễn viên quần chúng là người dân, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, các em thiếu nhi Khmer đã dành gần 1 tháng tập luyện các tiết mục.
Với hoạt động liên hoan Văn nghệ quần chúng, các diễn viên của đoàn mang đến những tiết mục múa, hát, hòa tấu nhạc cụ có nội dung ngợi ca vẻ đẹp của quê hương Bạc Liêu, phum sóc, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer qua những lễ hội. Trong phần trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, tiết mục dự thi của Bạc Liêu là những bộ trang phục được bà con Khmer sử dụng trong sinh hoạt đời thường, trong các dịp lễ hội và lễ cưới. Đặc biệt, trong phần trình diễn trích đoạn lễ hội, đoàn tái hiện lại không khí nghi thức lễ hội cầu an một cách sinh động và hấp dẫn.
Những nghi lễ đầy sắc màu, các hoạt động văn hóa, thể thao vui tươi của lễ hội Oóc-om-bóc trong những ngày này đã minh chứng rõ sự phong phú, độc đáo về đời sống tinh thần của đồng bào Khmer. Những giá trị mà lễ hội mang lại sẽ tạo động lực cho đồng bào dân tộc ra sức thi đua trong lao động sản xuất, xây dựng phum sóc đẹp giàu.
Theo Báo Bạc Liêu