Bác Sáu Dân trong lòng dân

27/01/2023 - 10:13

Những ngày cuối năm, tìm về Ấp 6, xã Khánh Hoà, huyện U Minh, đâu đâu cũng nghe nói về "Khu di tích lịch sử Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt". Mặc dù thời gian ông ở đây không lâu (từ năm 1972-1974), nhưng bấy nhiêu cũng đủ để làm nên một di tích lịch sử, gắn liền với thời kỳ đấu tranh gian khổ và là niềm tự hào của người dân nơi đây.

A A

Phần đất đồng chí Võ Văn Kiệt (còn được gọi với bí danh Sáu Dân) ở, nay thuộc sở hữu của gia đình ông Ðỗ Minh Thuần, Ấp 6, xã Khánh Hoà, huyện U Minh. Ông Thuần nhớ lại, những năm bác Sáu Dân về đây chỉ đạo kháng chiến, ông Thuần chỉ khoảng 8 tuổi. Ngày đó, khu bác Sáu ở chỉ là những căn chòi nhỏ, xây dựng dọc theo bờ đìa. Hàng ngày, ông Thuần và đám bạn vẫn hay chạy vào chơi cùng với các chú cảnh vệ. Có đôi lần, ông được gặp bác Sáu Dân với dáng người hiền từ, trong bộ đồ bà ba đen. Ông cũng không biết đó là cán bộ cấp cao, chỉ biết là các chú ấy phục vụ cho cách mạng. Mãi sau này, khi hoà bình lập lại, ông và nhiều người dân địa phương mới biết đó là đồng chí Võ Văn Kiệt (lúc ấy là Bí thư Khu uỷ Khu Tây Nam Bộ) ở đây để chỉ đạo cuộc kháng chiến.

Khu di tích lịch sử Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt là niềm tự hào của người dân địa phương.

Ông Lê Minh Tuấn, Bí thư Chi bộ Ấp 6, xã Khánh Hoà, tiếp lời: "Do hoạt động bí mật nên hầu như không ai biết các anh, các chú ấy đến đây làm gì. Mãi sau này, khi mọi người hiểu ra, thì ai nấy đều rất vui, rất đỗi tự hào. Bởi lẽ nơi đây đã từng là cái nôi che chở cho các đồng chí lãnh đạo cách mạng. Người dân nơi đây đã góp công, góp của để cống hiến cho cách mạng. Và càng tự hào hơn, khi hiện nay nơi đây được Nhà nước đầu tư xây dựng một khu di tích khang trang, ý nghĩa".

Ðể xây dựng khu di tích, ông Ðỗ Minh Thuần đã không ngần ngại hiến gần 2.000 m2 đất. Theo ông Thuần, làm được việc này ông thấy rất vui mừng, không chỉ ở góc độ gia đình mà còn ở góc độ địa phương. Bởi vì có được khu di tích là nơi giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ; là sự tri ân của người dân U Minh nói riêng và Cà Mau nói chung, đối với các vị tiền bối cách mạng, đã cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu với đồng bào trong những thời khắc chiến tranh khốc liệt.

Các ngành, đoàn thể và Nhân dân chăm sóc cây cảnh xung quanh khu di tích.

Càng tự hào hơn, khi sau này, đồng chí Võ Văn Kiệt trở thành Thủ tướng Chính phủ, một vị Thủ tướng có nhiều quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, đem lại ấm no, sự đổi mới cho đất nước. Ông Thuần cho biết, điều mà ông ấn tượng nhất đối với Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là quyết định xây dựng đường điện Bắc - Nam. Từ đó, điện được kéo dọc khắp đất nước, phục vụ sản xuất và đời sống cho Nhân dân. Ngoài ra, còn có Công trình Khí - Ðiện - Ðạm ngay trên vùng đất U Minh này.

Là người ở cạnh và thường hay lui tới trong những ngày khu di tích được xây dựng, ông Lý Quốc Khánh (Ấp 6, xã Khánh Hoà, huyện U Minh) bộc bạch: "Tôi thấy vui lắm. Ấp 6 bây giờ khang trang hơn. Có con lộ lớn, có đèn đường, giờ có thêm khu di tích... ai ai cũng phấn khởi. Chúng tôi tích cực góp chút công sức trồng hoa, cây cảnh, hàng rào cây xanh để điểm tô cho xóm làng và khu di tích được sạch đẹp hơn, khang trang hơn, để mọi người đến đây viếng thăm sẽ có ấn tượng tốt đẹp".

Khu công nghiệp Khí - Ðiện - Ðạm Cà Mau, công trình mang đậm dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: THANH DŨNG

Chị Danh Thị Mị, Bí thư Xã đoàn Khánh Hoà, huyện U Minh, chia sẻ: "Thế hệ trẻ được sinh ra, lớn lên trong thời bình nên có được khu di tích này sẽ là một minh chứng sinh động để tổ chức Ðoàn làm địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng. Thông qua những hình ảnh được phục dựng lại, thế hệ trẻ sẽ hiểu thêm về những hy sinh, gian khổ của thế hệ đi trước, đặc biệt là của bác Sáu trong những năm tháng đã sống, chiến đấu ở đây. Lực lượng đoàn viên, thanh niên sẽ lấy đó làm động lực học tập, phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng với công lao của thế hệ đi trước đã dày công gầy dựng"./.

Theo Báo Cà Mau