Giờ học tại Trường FPT Polytechnic (Cần Thơ).
Theo số liệu thống kê báo cáo kinh tế thường niên năm 2022, với số dân 17,3 triệu người, đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ nhập cư thấp nhất nhưng xuất cư lại cao nhất cả nước. Khu vực hiện có hơn 10 triệu lao động trong độ tuổi, chiếm gần 20% số lao động trong độ tuổi của cả nước. Tuy nhiên, số lao động đang làm việc tại địa phương thấp hơn nhiều so với con số này.
Thiếu nhân lực, khó tuyển lao động
Thiếu nhân lực, khó tuyển lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao là thực trạng đang diễn ra tại khá nhiều địa phương, đơn vị ở đồng bằng sông Cửu Long. Là một trong các đơn vị ủy quyền của hãng xe Ford tại khu vực Tây Nam Bộ, Cần Thơ Ford đang tìm kiếm các ứng viên ngoài trình độ chuyên môn được đào tạo trên ghế nhà trường ở lĩnh vực kinh doanh cần đòi hỏi khả năng thực tế, đưa những kiến thức, tư duy vào công việc, có kỹ năng giao tiếp, đàm phán tốt để thuyết phục khách hàng.
Ở bộ phận kỹ thuật, vị trí kỹ sư sửa chữa yêu cầu các ứng viên có chuyên môn cao, đào tạo chuyên sâu. Giám đốc Nhân sự Cần Thơ Ford Nguyễn Thị Kim Chi là người miền tây, từng hoạt động trong lĩnh vực nhân sự hơn 10 năm, cho biết, nguồn nhân lực tại đồng bằng sông Cửu Long không thiếu, nhưng nhân lực chất lượng cao đang gặp khó khăn trong thu hút và giữ chân họ.
Bà Cao Thị Ngọc Cưng - Nhà sáng lập, Giám đốc Ðiều hành Công ty TNHH thương mại dịch vụ CanThoWork.vn (đơn vị tiên phong khu vực đồng bằng sông Cửu Long về tư vấn giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tuyển dụng nhân sự chất lượng cao) phân tích: xu hướng tuyển dụng hiện nay có nhiều thay đổi do các nguyên nhân như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành thương mại dịch vụ đang phát triển mạnh, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tìm về đồng bằng sông Cửu Long làm điểm đến, công ty nội tại cũng đẩy mạnh xuất khẩu,…
Bà Cưng chia sẻ: Còn nhân sự đã qua đào tạo của vùng lại chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường, do đó giữa cung và cầu nhân sự chưa có điểm chung. “Với xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long 3 năm trở lại đây, tôi nhận thấy nhu cầu tuyển dụng cho các vị trí chuyên gia, quản lý cấp trung và cấp cao tiêu chuẩn đầu vào khá cao vì ngoài năng lực chuyên môn còn đòi hỏi cả về ngoại ngữ. Vì vậy rất khó khăn trong tìm kiếm ứng viên tại khu vực mà phải tuyển các nhân sự có nhu cầu chuyển về gần nhà từ các tỉnh, thành phố khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Ðồng Nai…
Mới đây, tại Diễn đàn quốc tế Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long - SDMD 2022 chủ đề "Khoa học và công nghệ - động lực cho đổi mới và phát triển" GS, TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ phân tích về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực của vùng này. Theo ông, với diện tích tự nhiên khoảng 40.000km2, dân số 18 triệu người, trước đây vùng đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 25% GDP cả nước, nhưng gần đây do "đi rất chậm" nên sụt giảm chỉ còn khoảng 18%. Lao động tại đồng bằng sông Cửu Long hiện nay phần lớn chưa qua đào tạo, chỉ khoảng 7% trên tổng số dân ở bậc đại học, so với cả nước là 63%; cho thấy vấn đề đào tạo và trình độ nguồn nhân lực của khu vực rất thấp.
Thêm nữa là có sự dịch chuyển lớn khi vừa qua xảy ra dịch Covid-19, khoảng 1,3 triệu người ở Thành phố Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp phía nam trở về, gây khó khăn thêm cho nhân lực tại đồng bằng sông Cửu Long. Và một số nguyên nhân như quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đô thị hóa khu vực phát triển khá nhanh; các yếu tố về sinh thái, xã hội, thu nhập thấp nên hạn chế trong vấn đề con em đi học… Trước năm 2000, đồng bằng sông Cửu Long chỉ có duy nhất Trường đại học Cần Thơ. Sau năm 2000 tới nay có thêm hơn 10 trường đại học, nhưng nguồn nhân lực các trường này còn yếu, do đó chưa thu hút được người theo học, dẫn tới nguồn tốt nghiệp cũng hạn chế về chất lượng.
Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam nêu thực tế: Một thời gian dài đồng bằng sông Cửu Long không thu hút được nhiều nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực có trình độ cao; dường như hình thành thói quen chỉ có những ngành sản xuất sử dụng lao động trình độ giản đơn. Do vậy thị trường lao động chưa có sự định hướng và đầu tư để tương thích với sự phát triển. Tỷ lệ lao động được đào tạo trên tổng số lao động của các tỉnh trong khu vực thuộc loại thấp nhất nước (chiếm 11 trong tổng số 20 tỉnh thấp nhất nước); đặc biệt có 6 tỉnh đứng cuối cùng cả nước với tỷ lệ đào tạo chỉ từ 3-6%.
Đào tạo cần gắn liền thực tiễn
Trong công bố quy hoạch phát triển đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ nêu rõ mục tiêu đưa vùng này trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới; có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,5%/năm cùng mức ngân sách đầu tư 45 nghìn tỷ đồng. Với làn sóng đầu tư nhất là các doanh nghiệp nước ngoài được mời gọi cùng sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp nội tại, nguồn nhân lực ở đồng bằng sông Cửu Long cần được xem là vấn đề cấp bách; chính sách nguồn nhân lực phải là chiến lược cho cả vùng chứ không riêng một tỉnh, thành phố nào.
Theo Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam, lợi thế, ưu điểm của bảng quy hoạch mới nhất về đồng bằng sông Cửu Long là sắp đặt lại ngành kinh tế mũi nhọn ở từng địa phương. Thí dụ Cần Thơ là thương mại-dịch vụ, Tứ giác Long Xuyên là trồng trọt chế biến, một số địa phương ven biển tập trung nuôi trồng thủy, hải sản… Khi các địa phương có chiến lược phát triển kinh tế, lúc đó sẽ kèm theo chiến lược nhân sự đáp ứng.
Công tác đào tạo luôn là vấn đề chiến lược, quan trọng và cấp thiết. Ðào tạo cần gắn với yêu cầu phát triển của địa phương; đặc biệt chú trọng đào tạo, thu hút các chuyên gia đang sinh sống lâu dài tại chỗ, hiểu rõ, bám sát thực tiễn. Nội dung đào tạo cần thực tế, phù hợp xu thế phát triển hiện đại. Bà Cao Thị Ngọc Cưng cho rằng, vấn đề yêu cầu cấp thiết hiện nay là nhà trường cần có nhiều khảo sát thực tế, cập nhật các chương trình đào tạo hơn nữa để phù hợp nhu cầu, xu hướng của thị trường lao động hiện tại và tương lai.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường, cùng xây dựng các hoạt động trải nghiệm thực tế tạo sân chơi vừa học vừa làm giúp sinh viên sớm làm quen với môi trường làm việc tại doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng và ứng dụng kiến thức chuyên môn vào công việc.
GS, TS Hà Thanh Toàn đặt vấn đề phải đổi mới chương trình đào tạo thích ứng trong điều kiện mới, ứng phó với biến đổi khí hậu, với hội nhập quốc tế; ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin. Tiếp đến là đào tạo, phân luồng tốt hơn vì hiện nay phân luồng đào tạo nghề và đào tạo trình độ đại học chưa hiệu quả. Ngoài ra, nguồn nhân lực đã tốt nghiệp một thời gian khá dài cần đào tạo lại để nâng cao trình độ, đáp ứng điều kiện mới.
Ðồng hành sự phát triển của thị trường lao động, hiện nay một số trường ở đồng bằng sông Cửu Long cập nhật xu hướng đưa ra các giáo trình phù hợp và có nhiều hoạt động để sinh viên tiếp cận thực tiễn nhiều hơn, như Trường phổ thông cao đẳng FPT Cần Thơ với cố gắng đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, xây dựng hơn 1.500 dự án sinh viên tốt nghiệp ra trường, hợp đồng đào tạo với hơn 300 doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ, 500 doanh nghiệp trong cả nước và phấn đấu năm 2023 đạt 1.000 doanh nghiệp. Và bên cạnh việc nâng cao nguồn nhân lực, các đơn vị, doanh nghiệp cũng cần có những chính sách phù hợp nhằm thu hút, giữ chân “nhân tài” để họ gắn bó lâu dài.
Ðồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tình trạng hạn chế về nguồn nhân lực rất cần được ưu tiên giải quyết nhằm tạo động lực quan trọng để góp phần giúp vùng châu thổ bứt phá trong tương lai.
Theo nhandan.vn