Bánh nghệ Gò Công

09/12/2021 - 09:38

Không biết có tự bao giờ, trong các đám tiệc ở vùng Gò Công người ta thường thấy một món ăn rất lạ mà không thấy ở các nơi khác, đó là bánh nghệ.

Bánh nghệ Gò Công hoàn toàn được làm thủ công, khi thành phẩm thì từng sợi bột đan nhau trên từng tấm lá chuối cắt nhỏ như một tác phẩm với đầy sự cần mẫn của những nghệ nhân làm ra chiếc bánh.

Quy trình chế biến loại bánh này rất khắt khe, nước dùng làm bánh phải là nước mưa, nếp mới, gạo thơm ngon và bột khóm rấm (bột nếp ngâm với nước khóm). Kỹ thuật chế biến bánh nghệ cũng lắm công phu. Muốn có "con" bánh được mịn và mềm, người ta phải ngâm gạo từ nhiều ngày trước rồi tẻ dần để có được thứ bột dẻo mịn, không lợn cợn để sợi bánh có hậu ngon ngọt. Để làm ra một chiếc bánh nghệ đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề khéo léo, điêu luyện để nhồi bột thật kỹ thì sợi bánh mới dai, vừa nhồi bột vừa tha dầu để se sợi bột không bị đứt đoạn, không dính vào nhau và phải biết khi nào bột vừa đủ ráo để mang đi hấp, vì nếu sớm sẽ làm bột nhão, chảy, còn nếu trễ quá thì bột sẽ khô gãy, bột hấp thì không được để chín quá tuy nhiên cũng không để bột sống.

Màu sắc của bánh nghệ tùy theo cách pha chế của người làm bánh. Thông thường bánh có màu lá dứa hoặc có màu xám tro. Trước khi bày ra dĩa, từng "con" bánh được quấn ống tròn như bánh hỏi. Bánh nghệ Gò Công là món ăn khai vị được ăn kèm với thịt heo quay, bì và chả lụa. Chả lụa được thái sợi bằng đầu đũa trộn với bì da heo và có thêm đậu phộng rang giã nhỏ. Rau ghém ăn kèm với bánh nghệ là giá và rau thơm xắt nhỏ. Nước chấm ăn với bánh là loại nước chấm được pha chế đặc biệt có đầy đủ chua cay mặn ngọt.

Hương vị dẻo thơm của bánh nghệ cộng với cái giòn của giá, mùi thơm của rau, hòa quyện với vị ngọt ngon đằm thắm của chả lụa, cái dai của bì, cái béo của đậu phộng phối hợp với các vị tổng hợp của nước mắm tỏi ớt khi thưởng thức qua một lần chắc sẽ làm người ăn nhớ mãi món ăn đặc biệt trong văn hóa ẩm thực xứ Gò Công. 

Theo LÊ HỒNG QUÂN (tiengiang.gov.vn)