Bảo tồn, phát huy giá trị cây quýt hồng

31/01/2023 - 09:33

Cây quýt hồng Lai Vung (tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) được trồng và gắn bó với nông dân huyện Lai Vung đã gần 100 năm nay. Quýt hồng là cây đặc sản nổi tiếng nhờ khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp đã khiến cho cây quýt hồng Lai Vung cho trái to, ít hạt, vỏ mỏng, màu sắc vàng cam bắt mắt, mọng nước, thơm dịu và có vị ngọt, chua nhẹ đặc biệt ít nơi nào bì kịp.

Quýt hồng trái to, ít hạt là đặc sản của Lai Vung.

Huyện Lai Vung hiện có hơn 300ha quýt hồng, trong đó, diện tích đang cho trái là hơn 200ha. Nhớ lại cách đây sáu năm, cứ mỗi năm, diện tích trồng quýt hồng tăng bình quân gần 100ha.

Đi cùng với đà tăng ấy là dịch bệnh trên cây cũng phát triển theo, khiến cho nhiều nông dân điêu đứng. Thế nhưng, với sự vào cuộc của các ngành, các cấp, cây quýt hồng đã được “cứu” và loài cây có múi này đang ngày phát huy giá trị.

Khôi phục vườn quýt hồng

Quýt hồng là cây đặc sản của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhằm giúp cho cây quýt hồng phát triển, sau năm 2000, huyện Lai Vung đã cho xây dựng và thực hiện Đề án liên kết chống lũ cho vườn cây ăn trái. Từ đó, diện tích trồng quýt hồng tăng liên tục hằng năm. Điều kiện tự nhiên phù hợp và giá tiêu thụ luôn ở mức có lãi cao cho nên đã nhanh chóng thu hút nông dân chuyển đổi sang trồng quýt hồng. Đỉnh điểm phát triển từ khoảng năm 2010 đến 2016, mỗi năm tăng bình quân gần 100ha, nâng tổng diện tích lên gần 1.000ha, với sản lượng bình quân khoảng hơn 30 nghìn tấn, mang lại giá trị gần 1.000 tỷ đồng hằng năm.

Tuy nhiên, đi kèm theo sự thâm canh tăng năng suất thì sâu bệnh cũng phát triển theo. Các vùng trồng quýt hồng truyền thống xuất hiện hiện tượng vàng lá, thối rễ, héo xanh, tỷ lệ bệnh tăng dần qua các năm và đến năm 2017 thì số diện tích cây quýt nhiễm bệnh tăng vọt về mức độ, dẫn tới diện tích quýt hồng của huyện giảm liên tục và còn không đầy 200ha vào năm 2019, khiến nhiều người trồng quýt hồng Lai Vung rơi vào khó khăn.

“Không chấp nhận để cho cây quýt hồng, đặc sản của địa phương, ngành hàng từng một thời đóng góp lớn cho kinh tế của huyện bị mất đi, huyện đã quyết tâm xây dựng Đề án bảo tồn cây quýt hồng. Đến nay, gần 200ha bị nhiễm bệnh nay đã hồi phục và dần cho năng suất cao trở lại”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lai Vung Nguyễn Hữu Hiền phấn khởi cho biết.

Một số vườn cây bệnh nặng bị đốn bỏ, nay đã bắt đầu trồng lại và đang sinh trưởng tốt. Mảnh vườn của anh Nguyễn Văn Đầy, ngụ ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung từng có 1.300m2 trồng quýt hồng được sáu năm tuổi có biểu hiện kém phát triển, xuất hiện bệnh vàng lá, thối rễ khá nặng với hơn 50% số cây, có nguy cơ đốn bỏ. Anh Đầy cho biết, lúc vườn quýt bị bệnh, cả gia đình đứng ngồi không yên, bởi kinh tế gia đình phụ thuộc vào đó.

Được sự quan tâm của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, chính quyền xã Long Hậu đã giúp anh khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây quýt hồng, trong đó chú trọng giải pháp cải thiện đất và quản lý bệnh. Chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và địa phương, không chỉ mảnh vườn của anh Đầy, mà nhiều vườn cây quýt hồng ở huyện Lai Vung đã được cứu sống.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thành Tài cho biết, đối với đề tài “Khắc phục hiện tượng cây bị chết xanh và rạn vỏ quả trên cây quýt hồng tại huyện Lai Vung-Đồng Tháp” đã xây dựng được quy trình khắc phục hiện tượng chết xanh trên cây quýt hồng và quy trình khắc phục hiện tượng rạn vỏ trái quýt hồng. Giai đoạn từ năm 2019-2021, các đơn vị tiếp nhận chuyển giao đã phối hợp thực hiện năm mô hình ứng dụng quy trình quản lý hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cũng đã tổ chức bốn lớp tập huấn chuyển giao giải pháp kỹ thuật khắc phục hiện tượng nêu trên cho nông dân.

Hướng đến phát huy giá trị

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng cây có múi là 8.056ha, trong đó, huyện Lai Vung có diện tích là 5.776ha, chiếm 72% diện tích trồng toàn tỉnh, chủ yếu là quýt hồng, quýt đường và cam xoàn. Đây là những loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế rất cao đối với người dân và tạo nên thế mạnh đặc trưng cho phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Năm 2018, huyện Lai Vung có hơn 2.000ha quýt, trong đó, có hơn 840ha quýt hồng, tập trung nhiều nhất ở ba xã Long Hậu, Tân Thành và Tân Phước, bình quân cho năng suất từ 30 đến 50 tấn trái/ha. Từ lâu, quýt Hồng Lai Vung là loại trái cây đặc sản có tiếng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và là niềm tự hào của người dân Ðồng Tháp khi thương hiệu quýt Lai Vung đã “phủ sóng” tại nhiều thị trường trong nước. Quýt hồng được ưa chuộng nhờ mầu sắc và phẩm chất đặc trưng.

Tuy nhiên, theo nông dân, yếu tố này lại lệ thuộc nhiều vào thời tiết và canh tác. Thời tiết bất lợi khiến mầu sắc trái không đẹp, kém bắt mắt. Mầu sắc trái cũng bị ảnh hưởng bởi mật độ trồng dày. Ngoài ra, việc lạm dụng phân bón hóa học dẫn đến đất thoái hóa, ảnh hưởng chất lượng trái và mau hư thối. Hiện nay, nhiều vườn quýt đã già cỗi, năng suất, chất lượng đều giảm. Cây quýt hơn 20 năm tuổi có thể giảm khoảng 30% năng suất, trái nhỏ, mầu sắc không đẹp, do vậy, giá bán không cao.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nhan Minh Trí, giảng viên Khoa Nông nghiệp, Trường đại học Cần Thơ cho biết, việc áp dụng công nghệ chế biến và tận dụng phụ phẩm từ quýt hồng giúp giải quyết đầu ra cho trái quýt hồng là điều quan trọng nhằm bảo đảm sản xuất được bền vững, an toàn và hiệu quả kinh tế. Các kỹ thuật sơ chế và bảo quản hợp lý sẽ giúp tồn trữ sản phẩm quýt chất lượng tốt trong thời gian vận chuyển đến các thị trường trong và ngoài nước.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thành Tài cho rằng, hoạt động khoa học và công nghệ cần xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật canh tác bền vững cây có múi cho sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng theo đề án:

Bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung giai đoạn 2020-2024 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phê duyệt. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục triển khai giai đoạn hai của đề tài “Cải thiện phẩm chất trái quýt hồng huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp” do Viện Cây ăn quả miền Nam chủ trì. Qua đó, đưa vào sản xuất giống quýt hồng mới mà vẫn giữ được những đặc tính tốt hiện có.

Để cây quýt tỉnh Đồng Tháp giữ vững được thương hiệu, vị thế trong thời kỳ kinh tế hội nhập, cần có những định hướng, chiến lược lâu dài trong việc quy hoạch, tổ chức lại sản xuất cho nông dân, nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm để hỗ trợ đầu ra, từng bước xây dựng được thị trường tiêu thụ quýt ổn định và đạt hiệu quả kinh tế cao, từ đó tăng thu nhập cho người nông dân ■

Theo HỮU NGHĨA (Nhân dân)