Bảo vệ và phát huy giá trị đờn ca tài tử

12/09/2022 - 09:58

Sau thành công của Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2015-2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đề xuất UBND tỉnh xây dựng đề án cùng tên của giai đoạn 2022-2025, với mục tiêu đưa nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa sâu rộng...

ĐCTT tiếp tục được quan tâm, phát huy bằng một đề án cho giai đoạn 2022-2025.

Giữ gìn và truyền lửa đờn ca tài tử

Là đơn vị trực tiếp xây dựng đề án, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khảo sát, đánh giá những hiệu quả, hạn chế khi triển khai thực hiện đề án giai đoạn 2015-2020. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ: “Qua thời gian triển khai thực hiện đề án, đã góp phần định hình, nâng chất loại hình ĐCTT một cách thiết thực. Chúng tôi đã triển khai thực hiện đồng bộ, bằng việc xây dựng và nâng chất đồng loạt các câu lạc bộ ĐCTT từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức tập huấn đờn, ca tài tử, để các nghệ nhân có cơ hội gặp gỡ những người có trình độ chuyên môn cao, trau dồi kỹ năng, duy trì tổ chức hội thi, hội diễn, là cơ hội để giao lưu, phát hiện những nhân tố mới; nâng tầm các câu lạc bộ ĐCTT, đặc biệt là các câu lạc bộ trong hệ thống trung tâm văn hóa”.

Những năm qua, hàng chục lớp tập huấn về nghệ thuật ĐCTT được tổ chức. Được chọn tham gia là những nghệ nhân tiêu biểu ở địa phương, hiểu biết tương đối về loại hình này và đủ khả năng, kỹ năng truyền nghề. Họ đã được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, giúp tự tin hơn trong những buổi sinh hoạt ở địa phương, trong những cuộc thi…, góp phần phát hiện, chăm bồi, thắp truyền tình yêu với nghệ thuật ĐCTT.

Tham gia tập huấn đờn ca tài tử tại Hậu Giang vừa qua, NSƯT Huỳnh Khải nhận xét: “Tôi mừng vì các nghệ nhân đờn, ca ở đây có nghiệp vụ chuyên môn khá và có tình yêu lớn với ĐCTT. Họ ca và đờn khá tốt. Đây chính là những người truyền nghề để phát huy loại hình nghệ thuật này ở địa phương. Điều mà Hậu Giang cần chú ý trong thời gian tới là phải tiếp tục phát huy lại hình này với lớp trẻ, nhất là trong hệ thống trường học, giúp các em tiếp cận, hiểu về nghệ thuật độc đáo này để cùng phát huy”.

Tiếp tục nâng tầm

Thành công khi triển khai thực hiện Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2015-2020, chính là tiền đề để ngành văn hóa đề xuất tiếp tục xây dựng đề án này ở giai đoạn tiếp theo.

 Sau 5 năm thực hiện, dù có những thành quả nhưng vẫn còn nhiều điều phải làm, khắc phục những điều còn hạn chế, dù số lượng câu lạc bộ, thành viên có tăng, từ 80 câu lạc bộ với hơn 800 nghệ nhân vào năm 2015, lên hơn 130 câu lạc bộ với hơn 1.000 nghệ nhân vào thời điểm hiện tại, nhưng việc duy trì hoạt động thường xuyên và chất lượng vẫn chưa cao. Đa phần các nghệ nhân đã lớn tuổi và để tổ chức một buổi sinh hoạt đúng chất tài tử vẫn còn ít. Ông Lê Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, cho biết: “Những gì hỗ trợ được trong khả năng của cơ quan chuyên môn chúng tôi đã làm. Ngoài việc nâng chất câu lạc bộ ĐCTT trong hệ thống trung tâm văn hóa, chúng tôi tổ chức giao lưu giữa các câu lạc bộ cấp tỉnh, huyện với cơ sở, tạo điều kiện cho các nghệ nhân giao lưu học hỏi, tạo sân chơi và phát hiện, chăm bồi những nhân tố mới. Tuy nhiên, việc hỗ trợ các nghệ nhân vẫn chưa nhiều, đa phần chỉ là chuyên môn”.

Thực tế, tại nhiều câu lạc bộ ĐCTT trên địa bàn tỉnh hoạt động chưa đồng bộ và thường xuyên. Sinh hoạt dưới hình thức câu lạc bộ, nên hoàn toàn là tự nguyện. Đa phần những nghệ nhân tự góp kinh phí để sinh hoạt và chủ động về thời gian, địa điểm tụ họp khi có nhu cầu. Mọi người ở nhiều ngành nghề khác nhau, phải làm nhiều việc để mưu sinh, người lớn tuổi đông…, nên sinh hoạt định kỳ rất khó. Còn lực lượng trẻ trong các câu lạc bộ đã ít, do nhu cầu công việc, học tập chiếm nhiều thời gian, nên việc sinh hoạt lại càng ít hơn.

Đó là những lý do để Hậu Giang tiếp tục xây dựng đề án phát huy loại hình nghệ thuật này trong giai đoạn 2022-2025, với mục đích tạo thêm nhiều điều kiện, tiếp sức giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Trong đề án mới đang xây dựng, một số nhiệm vụ trọng tâm đề ra là tiếp tục kiểm kê di sản; tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức; tổ chức triển lãm, liên hoan, nâng chất câu lạc bộ, xây dựng những chương trình ĐCTT để tổ chức trình diễn, giao lưu tại các thiết chế văn hóa ở cơ sở để phục vụ Nhân dân. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp tổ chức những chuyên đề về ĐCTT trong hệ thống trường học...

Ông Lê Công Khanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh: “Trong đề án được chúng tôi đang tập trung hoàn thành, ngoài việc khắc phục những khó khăn, hạn chế để tiếp tục đưa ĐCTT phát triển sâu rộng, còn đặc biệt quan tâm phát huy ĐCTT để phục vụ du lịch, xem đây là cách giới thiệu hữu hiệu và sâu rộng, tạo sức lan tỏa mới cho nghệ thuật đặc sắc của dân tộc trong thời gian tới”.

Theo Báo Hậu Giang