Song, nhìn trên diện rộng, cùng với những nỗ lực của địa phương và nông dân, ĐBSCL giành thắng lợi trong vụ sản xuất lúa đông xuân với 1,5 triệu ha, sản lượng trên 10 triệu tấn. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng đe dọa nhiều quốc gia. Vấn đề đảm bảo an ninh lương thực được đặt lên hàng đầu.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 ngày 23-3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Đảm bảo an ninh lương thực là nhiệm vụ hết sức quan trọng của đất nước và không được để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả leo thang, ảnh hưởng tới đời sống của người dân, tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Để chủ động đảm bảo lương thực cho chế biến, tiêu dùng và dự trữ trong nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN-PTNT tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, tình hình sâu bệnh để tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm năng suất, chất lượng, đủ nguồn cung lương thực theo kế hoạch sản xuất.
Vựa lúa miền Tây đang là vùng đất dễ tổn thương: hạn mặn xâm nhập, phải chắt chiu từng giọt nước ngọt sinh hoạt và tưới cho vườn cây; sạt lở, sụp lún đường giao thông, đê biển ở khu vực bán đảo Cà Mau. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi cây trồng hiện nay là vô cùng cấp bách. Trong đó, cần hạn chế trồng lúa ở những vùng có nguy cơ rủi ro cao. Nông dân miền Tây cần những giải pháp hỗ trợ đồng bộ từ Chính phủ và các địa phương, đó là hoàn chỉnh các hệ thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho từng vùng sản xuất; triển khai nhanh và rộng các mô hình sản xuất tiên tiến như trồng lúa thông minh (gắn thiết bị thông minh đo mực nước trên mặt ruộng, hệ thống điều khiển bơm nước tự động) mà nhiều nông dân Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang áp dụng; nhân rộng các giống lúa thích nghi, chống chịu mặn.
Quan trọng là tìm mọi cách lưu giữ và hấp thụ nguồn nước mùa mưa lũ, đặc biệt tập trung cho 2 vùng trũng lớn nhất ĐBSCL là vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười. Bộ NN-PTNT và lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, An Giang cần có quyết sách giảm hoặc tốt nhất là bỏ làm lúa vụ 3 (mùa mưa lũ), tháo khoán cho nước vào vùng đê bao để tích nước ngọt mùa mưa, điều tiết lại mùa khô.
Theo CAO PHONG (Sài Gòn Giải Phóng)