Bấp bênh nghề hầm than

29/06/2023 - 09:03

Họ đều là những hộ dân không đất sản xuất, đất ở, tứ xứ về đây lập nghiệp và gọi nhau là anh em, giúp đỡ, nương tựa nhau cùng phát triển, cùng nhau xây dựng nên thương hiệu than đước của vùng đất cực Nam. Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố để vươn lên trong cuộc sống; hiện nay, 19 hộ dân của HTX Chế biến than 2/9 (ấp Nhà Hội, xã Tam Giang, huyện Năm Căn) một lần nữa đối mặt với nhiều khó khăn khi sạt lở đe doạ đến sản xuất và cuộc sống của họ.

A A

Nghề chế biến than không còn xa lạ với những người dân ở vùng đất Cà Mau. Thế nhưng, do sự phát triển kinh tế thị trường, đời sống người dân từng bước được nâng lên, đa số các gia đình sử dụng bếp gas, bếp điện thay thế cho bếp than, bếp củi. Dù vậy, ở ấp Nhà Hội vẫn còn nhiều hộ dân bám trụ với nghề làm “kim cương đen” này.

Gần 20 năm bám nghề

Bên bờ sông Tam Giang, nhiều hộ dân mưu sinh bằng nghề chế biến than, người dân địa phương hay gọi xóm này là Xóm Lò. Thông tin từ các hộ dân, nghề hầm than ban đầu chỉ làm nhỏ lẻ để nấu nướng trong nhà, dư ra thì bán cho những người dân trong vùng, lâu dần trở thành nghề truyền thống, lưu truyền cho các thế hệ.

Xóm Lò hiện có 19 hộ dân sinh sống và hành nghề chế biến than, đặc điểm chung ở các hộ dân là không đất sản xuất, người phương xa về đây lập nghiệp và chọn nơi đây là quê hương thứ hai để phát triển kinh tế. Như hộ bà Ðiểu Thị Phượng là một điển hình. Gia đình bà Phượng vốn quê ở Hộ Phòng, Bạc Liêu, cuộc sống đưa đẩy gia đình bà về tận Xóm Lò này sinh sống và lập nghiệp. Trải qua nhiều nghề, gia đình bà chọn nghề chế biến than làm kế mưu sinh. Những người con của bà khi lớn lên cũng chọn nghề chế biến than làm nghề chính.

Nghề hầm than từ lâu đã trở thành nghề truyền thống của người dân Xóm Lò.

Năm 2004, Hợp tác xã (HTX) Chế biến than 2/9 ra đời, đánh dấu bước ngoặt lớn cho những hộ dân làm than nơi đây, vừa tạo được đầu ra ổn định, vừa gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển. Than đước Cà Mau được người tiêu dùng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long biết đến và tin dùng.

Cung không đủ cầu nên những thành viên trong HTX bàn với nhau phải tìm hướng mới để tạo ra nhiều sản lượng hơn. “Ban đầu làm theo kiểu truyền thống không lời nhiều, sau nhiều lần học hỏi kinh nghiệm, các hộ dân nơi đây mới bắt đầu chuyển đổi hình thức chế biến, cho ra sản lượng gấp nhiều lần và chất lượng hơn rất nhiều”, anh Huỳnh Thanh Vũ, Kiểm soát viên HTX, cho biết.

Anh Vũ cũng là một trong những thành viên của HTX và là người tiên phong áp dụng hình thức mới. Theo anh Vũ, trước đây người dân đưa củi vào lò bằng cách chất đứng cây củi (chiều dài khoảng 1-1,2 m) thì một lò có thể chứa khoảng 9 m3 gỗ, hầm trong khoảng thời gian từ 5-10 ngày, cho ra từ 300-500 kg than.

“Hình thức hầm than mới là không chất củi đứng nữa mà cưa thành khúc ngắn chừng 5 tấc, chất ngang cho đến khi nào đầy lò thì thôi. Như vậy bình quân mỗi lò chứa khoảng 50 m3 gỗ, hầm trong thời gian lâu hơn (khoảng 30 ngày) nhưng sản lượng cao gấp nhiều lần: 7-10 tấn than. Than đẹp và có giá hơn trước rất nhiều”, anh Vũ cho biết.

Cũng theo những người trong nghề nơi đây cho biết, công đoạn đưa củi vào lò rất công phu, phải mất nhiều ngày và phải mướn thêm lao động phụ giúp chứ một người làm không nổi.

Chính vì quá kỳ công nên mỗi công đoạn đều phải thuê thêm nhân công, như chặt cây, cưa cây, chuyên chở, chất củi vào lò, lấy than ra… “Mỗi ngày trả 300 ngàn đồng tiền công cho một lao động. Riêng người cưa cây và vận chuyển thì 400 ngàn đồng/ngày, vì công việc này nặng nhọc hơn. Thế nên, dù than có giá nhưng trừ hết chi phí, mỗi hộ làm nghề lời không được bao nhiêu”, anh Huỳnh Trường Giang, Trưởng ấp Nhà Hội, cho biết.

Khâu vận chuyển cây gỗ nặng nề nên lao động làm ngày có mức thù lao 400 ngàn đồng.

Ở Xóm Lò, hộ khá giả thì được 2, 3 lò, người trung bình thì chỉ xây nổi 1 lò (chi phí cho mỗi lò khoảng 60 triệu đồng). Bình quân mỗi mẻ than lợi nhuận từ 30-40 triệu đồng, nhưng 1 tháng mới ra được 1 lần, rồi chi phí ăn uống, con cái học hành… đâu cũng vào đấy, nên hầu như các hộ dân nơi đây không ai dư dả.

Nan giải bài toán giữ nghề

Theo anh Giang, trong 19 hộ hầm than có 10 hộ là dân bản địa, nhưng ngần ấy năm làm nghề vẫn chưa dư dả, vẫn ở tạm trên bờ sông Tam Giang, làm bạn với thuỷ triều. Cuộc sống cứ ngỡ yên bình, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, thời tiết diễn biến thất thường, tình trạng sạt lở ven sông ngày một gia tăng, vùng đất rộng rãi năm xưa của Xóm Lò đang bị bào mòn bởi những con nước lớn - ròng, đời sống người dân đang bị đe doạ nghiêm trọng.

Mới gần đây, hộ anh Trung Văn Việt mất trắng tài sản do sạt lở. Anh Việt kể: “Sạt lở vào nửa đêm, tôi nghe sạt lở, chạy ra xem thì lò hầm than đã bị nhấn chìm hơn phân nửa rồi, tôi tri hô cho anh em tiếp ứng, rồi anh em bên xã qua phụ nữa. Nhưng chỉ lấy lại được phân nửa số củi trong lò, còn lại mất hết, thiệt hại gần 100 triệu đồng”.

 Căn lò của hộ anh Việt bị sụp lún hoàn toàn.

Không chỉ riêng hộ anh Việt bị nhấn chìm tài sản trong một đêm, nhiều hộ lân cận cũng cùng chung cảnh ngộ. Nhà nghèo, tích góp lắm mới xây được một lò chế biến than, nợ chưa trả hết thì tài sản không còn gì. “Giờ không còn lò để làm, tôi phải đi làm thuê, anh em ở đây mướn làm gì thì làm đó, cũng dân trong nghề nên rất thuận tiện trong công việc. Nếu hôm nào không có việc thì tôi đi đặt lú bắt cua đá dưới sông. Nhà này cũng rung rinh rồi, đêm tôi đâu dám ngủ trong nhà, ra hàng ba ngủ, để có gì còn chạy kịp”, anh Việt bộc bạch.

Người dân nơi đây kể lại, bờ sông Tam Giang ngày xưa đất rộng lắm, phía bờ sông lên tới lộ hơn 50 m, nhưng do ảnh hưởng của sạt lở, có chỗ ăn tới thân lộ nên những hộ dân nơi đây không còn đất để xây lò.

19 hộ trong HTX giờ chỉ còn 17 hộ còn lò để chế biến than, 2 hộ còn lại bị sạt lở nhấn chìm hết tài sản, phải đi làm thuê cho chủ khác để kiếm sống. Những hộ dân nơi đây chỉ mong ước có chỗ ở mới ổn định để yên tâm sản xuất.

 Nghề chế biến than vất vả, một tháng mới ra lò được mẻ than, cơ cực là vậy nhưng người lao động vẫn lạc quan.

“Về vấn đề này, xã đã đề xuất với UBND huyện cấp đất cho các hộ dân Xóm Lò. Trên địa bàn không còn quỹ đất, xã đã chọn được 2 điểm để di dời người dân, đó là tuyến cầu Bỏ Bầu (ấp Kinh 17) và tuyến sông của ấp Nhà Luận, vì 2 tuyến này còn quỹ đất, lại ven sông nên thuận lợi cho các hộ dân tiếp tục nghề chế biến than. Nhưng cái khó nhất hiện nay là cả hai tuyến này thuộc quyền sử dụng của Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển nên không thể xin cấp cho HTX được mà chỉ cấp cho hộ dân. Nhưng quyết định thu hồi đất phải được Chính phủ phê duyệt, rồi sau đó mới xin cấp cho hộ dân. Nếu như vậy thì người dân trong Xóm Lò sẽ không ở liền kề với nhau, có khả năng không duy trì được làng nghề chế biến than. Bởi đặc thù của chế biến than là phải cách khu dân cư sinh sống vì khói, bụi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân xung quanh”, bà Nguyễn Hồng Mơ, Chủ tịch UBND xã Tam Giang, cho biết.

Kế hoạch, dự kiến đã trình lên các cấp nhưng vấn đề này không thuộc quyền quyết định của tỉnh mà phải chờ Chính phủ phê duyệt nên trước mắt 19 hộ dân Xóm Lò hàng ngày vẫn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ không biết khi nào ngôi nhà của mình bị sạt lở nhấn chìm./.

Theo KIM CƯƠNG (Báo Cà Mau)