Làng Chăm này có 3 hộ dân mở cơ sở dệt thổ cẩm. Mỗi nơi có nét đặc biệt riêng, tùy theo cảm nhận của du khách. Tại cơ sở của ông Mahamad (sinh năm 1958), các khung dệt chiếm phần lớn diện tích. Mỗi khung đều có tuổi đời mấy chục năm, phần gỗ được ma sát nhiều với bàn tay con người trở nên sáng bóng. Khung dệt cũng biết quyến luyến con người, nên cần cù làm việc, bền bỉ theo năm tháng. Chỉ có điều, chất liệu gỗ tốt đến mấy, theo thời gian sẽ hư hao dần. Vậy nên, thi thoảng vợ, chồng ông Mahamad phải sửa chỗ này, đóng lại chỗ kia.
Đồng bào dân tộc thiểu số Chăm rất tự hào với tay nghề dệt, thêu thổ cẩm của mình. Hình ảnh thiếu nữ Chăm dịu dàng giấu mái tóc sau làn khăn mattơra, thoăn thoắt bên khung dệt hay tỉ mẩn với khung thêu in hằn trong tâm trí người đối diện. Thổ cẩm ra đời từ bàn tay tài hoa của họ luôn mang đậm nét văn hóa chân phương, mộc mạc và đầy màu sắc. Bà Saymah (sinh năm 1965) “thấm” nghề dệt, thêu từ nhỏ, do ông bà, cha mẹ truyền lại. Mấy chục năm nay, bà vẫn gắn bó với nghề, như một chuyện tất yếu, không hề nghĩ đến việc xa rời. “Hồi xưa, nam nữ đều có thể theo nghề. Đàn ông phụ trách chuyện nặng nhọc, như: nhuộm sợi, phơi… Phụ nữ chỉ tập trung dệt, thêu, làm chuyện nhà. Sau này, người theo nghề ít dần, chỉ sợi có thể mua từ công ty phân phối, nên công đoạn nhuộm, phơi không còn nữa. Việc truyền nghề cho tụi nhỏ vẫn được thực hiện, nhưng chúng không chịu nổi cách làm tỉ mỉ, phức tạp. Học xong, chúng chọn nghề khác để làm. Thấy vậy, tôi buồn lắm. Khi duy trì cơ sở dệt, tôi vừa muốn giữ lại nét văn hóa riêng, vừa có thể làm công việc mình yêu thích” - bà Saymah chia sẻ. Nghe bà Saymah diễn tả sơ bộ về cách bắt sợi, thêu thành chiếc khăn và hoa văn đơn giản nhất, chúng tôi đã cảm thấy phức tạp, kỳ công vô cùng. Điều quan trọng nhất nằm ở chỗ, chẳng có bất kỳ công thức cố định nào trong chuyện thêu hoa văn cả, đều do tài hoa và trí óc sáng tạo của người thêu tạo nên. Có khi, học cả đời chẳng thành thục, huống chi người học lại thiếu đam mê, yêu thích!
Từ một cơ sở nhỏ lẻ, ít ai biết đến, vợ, chồng bà Saymah nhận được hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành chức năng, sự yêu thích mặt hàng thổ cẩm của khách du lịch xa gần nên cơ sở dần được phát triển. Mặt hàng bày bán nhiều hơn trước, lượng khách đến tham quan tăng dần. Không dừng lại ở việc dệt- bán đơn giản, vợ, chồng bà còn muốn chuyển tải nét đặc sắc của nền văn hóa dân tộc đến cộng đồng xã hội. Vì thế, bất kỳ du khách nào ghé lại cơ sở tham quan, sẽ được bà Saymah chia sẻ nhiều điều về bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm; ý nghĩa và cách đội những chiếc nón của đàn ông, chiếc khăn mattơra của phụ nữ; cách tạo nên hoa văn tỉ mẩn trên món hàng lưu niệm thổ cẩm… Vợ, chồng chị Huỳnh Ngọc Trúc Phương (sinh năm 1993, ngụ TP. Long Xuyên) tình cờ đến thăm cơ sở dệt này, không ngờ bị cuốn hút với những gì được trải nghiệm. Chúng tôi đặc biệt ngưỡng mộ những phụ nữ ngồi bên khung dệt vì sự khéo léo, chuyên nghiệp của họ. Suốt thời gian ghé thăm, chúng tôi được họ tiếp đón rất nhiệt tình, sẵn lòng chia sẻ về cuộc sống, công việc, văn hóa, phong tục của họ. Sự thân thiện và cởi mở ấy khiến chúng tôi cảm thấy rất vui. Đặc biệt nhất, họ vẽ cho chúng tôi những hoa văn trên tay, gọi là henna, thật sự thú vị” - chị Phương hào hứng kể lại.
Vẽ henna là cách làm đẹp cho bàn tay mềm mại của người phụ nữ Chăm- giống như sơn móng tay - cả tuần mới bay mất. Chị SaY (sinh năm 1984) là thợ thêu hoa văn, khéo tay nên học được cách vẽ henna. Mỗi khi có đoàn khách đến tham quan, chị ngồi vẽ “mệt xỉu”. Đổi lại, khách thích thú mang “kỷ niệm” ấy rời đi, văn hóa của dân tộc thiểu số Chăm sẽ được nhiều người biết đến hơn nữa. |
VẠN LỘC