Mái hiên có chiếc giường tre do ba đóng, qua thời gian ánh lên màu nâu bóng. Những buổi chiều mùa nước nổi, cả nhà quây quần bên hiên trong bữa cơm với tô canh chua bông điên điển thơm lừng, vàng ươm. Những buổi trưa hè, mẹ kê chiếc võng ra hiên đong đưa từng nhịp, thi thoảng cất lên một câu vọng cổ. Tôi vẫn nhớ những ngày thơ bé nằm trong vòng tay mẹ, bên nhịp võng và lời hát ru có cánh cò cánh vạc hiền hòa. Hàng hiên cũng là nơi tôi cùng bạn chung xóm chơi năm mười, những tiếng cười hồn nhiên tan vào gió.
Ngày giáp Tết, dưới mái hiên nhà, trên chiếc giường tre, tôi cùng bà và mẹ gọt từng củ kiệu, củ hành rồi rửa sạch đem ra hong trên chiếc nia ngoài sân vàng nắng. Từng cơn gió mơn man ùa vào làn tóc đã nhuốm màu mây trời của bà. Tôi nhớ đôi tay bà ép từng trái chuối, phần để phơi khô ăn dần, phần để dùng làm mứt. Cũng dưới hàng hiên ấy, nhà tôi cùng các dì, các chị trong xóm gói bánh tét. Để có được những tấm lá chuối phẳng phiu gói bánh, bà tôi đã dày công chăm sóc hàng chuối trong vườn từ khi chúng còn ngang người tôi, múc từng thùng nước tưới vào những ngày nắng gắt. Đến khi cây lớn, những đêm gió to, tôi nghe tiếng bà lo lắng: “Không biết gió lớn có làm rách mấy tàu chuối không đây”. Tôi vẫn nhớ thương những tỉ mỉ, chăm chút như thế để đến Tết chúng tôi có những tàu lá bản rộng, xanh ươm để gói bánh tét. Chuối để làm nhân cũng là thành quả mà bà chăm bón bao ngày trong vườn nhà. Những quả chuối đủ nước tròn ú, căng mình dưới lớp vỏ vàng mịn, tỏa mật ngọt đậm đà. Lạt để buộc bánh do ông tôi tự chẻ, đậu xanh và nếp mua ngoài rẫy của cô hàng xóm. Bên hiên nhà, những người gói bánh kể những câu chuyện kể vui buồn năm cũ, hỏi thăm nhau mùa Tết an lành.
Hạnh phúc trong tôi là những phút giây bình dị của ngày Tết đoàn viên bên gia đình, làng xóm. Ngã đầu vào vai mẹ, ngắm mưa xuân lất phất qua mái hiên nhà, tôi thấy lòng an yên.
Theo PHONG DƯƠNG (Báo Cần Thơ)