Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam (bìa phải), Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn (thứ hai, trái sang) tại lễ khánh thành công trình xây dựng, chỉnh trang khu mộ tập thể 21 người tại xã Thạnh Hải. Ảnh: Trần Sẳn
Sự kiện năm 1964
Di tích sự kiện 21 người dân vô tội bị bom Mỹ sát hại năm 1964 ở xã Thạnh Hải nằm trên thửa đất gồm 1 ngôi mộ tập thể 21 người và 2 ngôi mộ khác. Công trình xây dựng, chỉnh trang khu mộ tập thể 21 người do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vận động Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai (DONACOOP) tài trợ chính, được khánh thành và đưa vào sử dụng vào ngày 31-3-2019.
Sự kiện này liên quan đến chiến dịch “Phượng Hoàng TG1” do Bộ Tổng Tham mưu ngụy mở từ ngày 31-12-1963 đến ngày 22-1-1964, với quy mô lớn, đánh vào xã Thạnh Phong để ngăn chặn sự tiếp tế vũ khí của miền Bắc vào bãi biển Thạnh Phú. Đây là cuộc hành quân càn quét lớn nhất, đông quân nhất, ác liệt nhất và dài ngày nhất của địch kể từ sau cuộc phản kích thất bại của 10 ngàn lính thủy quân lục chiến vào cao trào Đồng khởi ở Bến Tre.
Trong cuộc hành quân này, địch sử dụng 4 chiến đoàn thủy quân lục chiến gồm 16 tiểu đoàn (hơn 6 ngàn quân), một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 đóng sẵn tại huyện, 6 đại đội biệt kích. Mở đầu cuộc càn quét, địch dùng phi cơ và pháo binh cho trút bom đạn mù mịt để hủy diệt địa hình mà chúng gọi là “sa mù trận”. Tiếp đó, chúng cho máy bay trực thăng, tàu chiến đổ quân xuống Cái Cát, Khâu Băng hình thành 2 cánh quân bao vây chặt hai xã Thạnh Phong và Giao Thạnh. Đồng thời, chúng đổ nhiều tiểu đoàn, hình thành những cụm quân chốt từng khu vực ở Cồn Rừng, Doi Đước. Sau đó, địch sử dụng máy bay trực thăng đổ một chiến đoàn xuống chợ Hồ Cỏ, nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta. Trong vòng nửa ngày 31-12-1963, địch đã chiếm 3 xã: An Qui, An Nhơn, Giao Thạnh và bắt đầu bao vây xã Thạnh Phong. Các tiểu đoàn địch ở Khâu Băng và Giao Thạnh tiến công vào khu vực trọng điểm của ta từ Cồn Chim đến Hồ Cỏ, nhưng hai mũi tiến quân này bị lực lượng du kích và trinh sát của ta chặn đánh liên tục. Mãi đến 12 giờ trưa, quân giặc mới vào được trận địa, liền bị Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 263 của ta đánh bật ra. Nhiều lần địch cho pháo bắn phá dữ dội.
Đến 14 giờ cùng ngày, sở chỉ huy hành quân của địch cho một tiểu đoàn dùng trực thăng đổ xuống Hồ Cỏ, với ý định đánh vào bên sườn Đại đội 1 của ta. Tiếp đó, địch lại cho máy bay ném bom liên tục vào đội hình Tiểu đoàn 263 của ta. Chúng còn dùng cả bom Napan thiêu hủy nhiều nhà cửa của nhân dân, trong đó, có 1 quả bom rơi trúng hầm trú ẩn làm chết cùng lúc 19 người (có 2 người đang mang thai). Nơi đây cũng trở thành mồ chôn tập thể của những nạn nhân bị thảm sát.
Qua 21 ngày đêm chiến đấu ác liệt, ta đã đánh bại cuộc càn quét với quy mô lớn của địch, bảo vệ được lực lượng, vùng căn cứ và bảo vệ tuyệt đối an toàn kho vũ khí (trên 300 tấn). Bộ đội ta đã diệt và làm bị thương 1.200 tên địch, trong đó có tên đại tá quân đội Hoàng gia Anh; bắn rơi, bắn cháy 47 máy bay; thu 200 khẩu súng. Về phía ta, có 9 đồng chí hy sinh, 57 bị thương, 62 đồng bào bị chết vì bom pháo địch.
Bình luận về trận đánh này, Hãng Thông tấn AFP đã đưa tin và thú nhận rằng: “Trận đánh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh trực thăng vận của Mỹ trở thành tồi tệ nhất của chiến thuật này”. Chiến thắng ở Thạnh Phong đã tạo ra một bước ngoặt, tạo niềm tin lớn cho quân dân trong huyện, trong tỉnh. Từ đây, nhân dân Bến Tre nói chung, huyện Thạnh Phú nói riêng bước vào đợt tiến công và nổi dậy tiêu diệt hàng loạt ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng ra khắp các nơi trong tỉnh.
Sự kiện năm 1969
Trước đó không lâu, do có tin tình báo là bí thư xã của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ về làng, nên nhóm của Kerrey đã đến đây, tụ tập người dân lại tra khảo nhưng không tìm ra manh mối gì, rồi cho về. Sau đó ít lâu, lại có tin tình báo là bí thư xã sẽ về làng tổ chức 1 cuộc họp, lần này có cả chỉ huy quân giải phóng. Đêm 25-2-1969, nhóm của Kerrey lặng lẽ quay trở lại đây theo đường kênh rạch trên một tàu tuần tra. Địa điểm đã được khảo sát trước và vị trí nghi tổ chức cuộc họp được đánh dấu. Lần này, chúng muốn thực hiện nhiệm vụ một cách bất ngờ, không có người Việt dẫn đường hay phiên dịch đi kèm.
Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Nguyễn Ngọc Tân trao quyết định công nhận di tích và bằng khen của UBND tỉnh cho các đơn vị. Ảnh: Cẩm Trúc
Lên bờ đi được 1 đoạn, nhóm lính gặp 1 căn nhà tranh. Có 5 người nằm trong đó. Cho rằng, nếu bỏ qua thì những người trong căn nhà này sẽ báo động vào trong làng, đám lính giết toàn bộ. Chúng dùng dao để không gây động. Tuy vậy, tiếng kêu khóc của các nạn nhân làm vài tên lính lo bị lộ và muốn hủy kế hoạch. Nhưng rồi cả nhóm vẫn quyết định tiếp tục. Lần mò đi sâu vào xóm, chừng 15 phút sau, đám lính bắt gặp 1 cụm nhà tranh khác, ánh đèn dầu le lói bên trong. Tại đây, chúng xả súng bắn chết 16 người nữa, tất cả là phụ nữ và trẻ em. Sau đó chúng rời đi, không tìm thấy “cán bộ Việt Cộng” hay vũ khí gì.
Bia tưởng niệm được khởi công xây dựng vào ngày 26-8-2010 và hoàn thành vào ngày 17-10-2011, ghi lại tội ác chiến tranh đã xảy ra vào đêm 24 rạng sáng 25-2-1969, tại ấp Thạnh Hòa, lực lượng biệt kích SEAL của quân đội Mỹ, do Bob Kerrey chỉ huy, đã giết 21 thường dân vô tội.
Đình Thạnh Phú
Đình Thạnh Phú được xây dựng từ năm 1892, do các vị tiền nhân trong buổi đầu khai khẩn đất hoang xây dựng. Đình là nơi hội tụ các giá trị đáng quý về mặt lịch sử, văn hóa cũng như thẩm mỹ. Đình Thạnh Phú đã gắn liền với dòng lịch sử của tỉnh, chứng kiến những thăng trầm của sự nghiệp đấu tranh bảo vệ quê hương của người Bến Tre nói chung, nhân dân Thạnh Phú nói riêng.
Theo tương truyền của người dân địa phương, các vị tiền nhân trong buổi đầu khai khẩn đất hoang đã đốn các thân tràm rừng mang về ấp Thạnh Lợi để cất ngôi đình. Tuy nhiên, vào nửa đêm, cả gia đình ông Cả Cọp (Thần Hổ) kéo các thân gỗ tràm về vị trí hiện tại của ngôi đình. Phần ngọn quay về hướng Nam. Từ đó, các cụ đã xây ngôi đình theo hướng ngọn tràm. Đến năm 1876, thời vua Tự Đức, đình làng Thạnh Phú đã được ban sắc thần. Tuy nhiên, trong giai đoạn chiến tranh loạn lạc, sắc thần của đình bị mất.
Đến năm 1936, người dân địa phương gia cố xây dựng lại gian chánh điện; đến năm 1937, tiếp tục xây dựng gian vỏ quy. Theo lời kể của các vị cao niên, năm 1945, khi quân Pháp triển khai tấn công đã dùng trực thăng thả bom đạn xuống khu vực quanh đình. Một quả bom đã rơi trúng tòa chánh điện, làm gãy các đuôi kèo, xé nát đầu cột. Nhưng điều kỳ lạ là trái bom đã không phát nổ ngay mà văng ra khỏi tòa chánh điện sau đó mới phát nổ. Nhờ đó, ngôi đình không bị phá hủy.
Xét về giá trị văn hóa thẩm mỹ, Đình Thạnh Phú còn giữ được nét truyền thống của một nền kiến trúc nghệ thuật về tín ngưỡng dân gian. Hơn nữa, xét về mặt tín ngưỡng, Đình Thạnh Phú vẫn giữ được một vị trí quan trọng và là nơi thờ tự của người dân nơi đây. Do đó, việc công nhận di tích nhằm bảo tồn và giữ gìn ngôi đình là cách để các thế hệ có cơ hội tiếp cận với nền văn hóa của dân tộc cũng như duy trì được sự gắn bó, tri ân đối với cha ông đi trước.
Bí thư Huyện ủy Lê Văn Khê cho hay: “Hiện nay, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, đình vẫn có khả năng thay thế, sửa chữa phần cột bị hư hại nhưng vì muốn giữ lại một chứng tích kỳ diệu cho con cháu đời sau nên các vị trong Ban Khánh tiết đình quyết tâm giữ lại thân cột đó”.
Có thể nói, có được những thắng lợi vẻ vang trong 75 năm qua, đất nước ta, dân tộc ta đã đổ biết bao xương máu. Trong đó, có sự cống hiến và hy sinh to lớn của nhân dân trên địa bàn huyện Thạnh Phú. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm sâu sắc đến công tác “Đền ơn đáp nghĩa” tri ân những công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của những anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với nước, đặc biệt là quý mẹ Việt Nam anh hùng.
Theo CẨM TRÚC (Báo Đồng Khởi)