Bến Tre: Các hợp tác xã liên kết điển hình trên địa bàn tỉnh

26/07/2023 - 09:44

Canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ là bước đi có hiệu quả của thành viên hợp tác xã (HTX) và người nông dân. Đây là sự khác biệt giữa HTX với doanh nghiệp và thương lái bên ngoài.

Tham quan chuỗi liên kết tiêu thụ dừa hữu cơ tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh (Thạnh Phú). Ảnh: Cẩm Trúc

HTX Nông nghiệp Thới Thạnh (huyện Thạnh Phú) xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ dừa hữu cơ và tiếp cận chính sách sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hiện HTX có 85 hộ dân đang thực hiện canh tác hữu cơ, với diện tích 149,5ha, tổng sản lượng 181 ngàn trái. Doanh thu năm 2022 hơn 11,256 tỷ đồng, lợi nhuận từ dịch vụ 92,167 triệu đồng. Ước tính lợi nhuận của nông dân canh tác dừa hữu cơ so với hộ không tham gia hữu cơ 12 triệu đồng/ha/năm. Ngoài giá trị về kinh tế, canh tác dừa hữu cơ còn mang lại giá trị về sức khỏe cho người nông dân và người tiêu dùng. Đặc biệt, môi trường được bảo vệ trong lành, phù hợp với sự phát triển xanh, bền vững, tự nhiên.

Bên cạnh phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, HTX Nông nghiệp Thới Thạnh còn thực hiện dịch vụ sơ chế cơm dừa từ nguồn nguyên liệu dừa hữu cơ của người dân, được Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Khu công nghiệp An Hiệp) giao cho HTX sơ chế gia công. Qua hoạt động sơ chế cơm dừa đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 35 lao động địa phương, với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng. Hoạt động sơ chế cơm dừa góp phần hỗ trợ nhà máy chế biến giải quyết dừa không để tồn đọng. Sản phẩm từ dừa luôn đảm bảo chất lượng cao, hạn chế hao hụt do dừa để lâu mà không được sơ chế, chế biến.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Công bằng Hưng Lễ (huyện Giồng Trôm) đã thực hiện ký kết 1 hợp đồng đầu ra với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) mua bán dừa trái tiêu chuẩn Fairtrade; 1 hợp đồng đầu vào với Công ty TNHH Sao vàng MEKONG về phân hữu cơ vi sinh trùng đỏ bán lại cho thành viên bón cho vườn dừa hữu cơ. Sản xuất, kinh doanh chính của HTX là chăm sóc vườn dừa theo hướng hữu cơ, thu mua dừa trái (khô) bán phân hữu cơ vi sinh trùng đỏ và ủ phân hữu cơ. HTX đã liên kết trên 95% thành viên tham gia các dịch vụ HTX, bán dừa trái và mua phân hữu cơ vi sinh trùng đỏ bón vườn dừa. Hiện tại, có 436,42ha dừa đạt chứng nhận tiêu chuẩn Fairtrade (thương mại công bằng).

HTX Cây giống và hoa kiểng Cái Mơn (huyện Chợ Lách) có 175 thành viên. Vốn điều lệ đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký HTX là 145,25 triệu đồng. Vốn điều lệ thực góp 218 triệu đồng. Doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm.

HTX thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ cây giống, hoa kiểng. Hỗ trợ thành viên xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất, giám sát quy trình sản xuất, xác định nguồn giống và tạo niềm tin cho khách hàng vấn đề kiểm tra chất lượng và gắn nhãn hiệu tập thể cho thành viên 200 ngàn tem sản phẩm/năm. Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên 30 ngàn sản phẩm/năm. HTX cung ứng phân hữu cơ và phân gà Nhật cho thành viên. Kinh doanh cây giống, hoa kiểng.

HTX đã đăng ký nhãn hiệu tập thể Cái Mơn năm 2004, thực hiện tốt việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của thành viên. HTX tổ chức liên kết được 17 đại lý ở miền Trung, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Hàng năm, các đại lý đã tiêu thụ khoảng 150 ngàn cây các loại. Ngoài ra, HTX còn quan hệ ký hợp đồng để tiêu thụ cây giống cho bà con thành viên 40 ngàn cây các loại.

Từ năm 2020 đến nay, HTX đã ký hợp đồng dài hạn cung cấp cây giống cho Trung tâm Giáo dục hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam. Hàng năm, HTX vận động các thành viên đăng ký và trồng vườn cây đầu dòng. Vừa qua, HTX được chứng nhận 11 vườn cây đầu dòng cho 11 loại cây, nhằm hỗ trợ nguồn mắt ghép cho hộ thành viên.

Hàng năm, HTX được xếp loại khá. HTX được Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh phê duyệt tham gia danh sách các HTX đang có chiều hướng hoạt động tốt để xây dựng, phát triển thành HTX hiệu quả toàn diện giai đoạn 2022 - 2025.

Theo TRẦN QUỐC (Báo Đồng Khởi)