Biểu diễn nghệ thuật tái hiện phong trào Đồng khởi năm 1960.
Quê hương Đồng Khởi trong thi ca
Thời gian qua, bên cạnh các đề tài về tình yêu, đất nước, con người thì đề tài về truyền thống “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy” vẫn luôn được các tác giả, lực lượng sáng tác thơ văn của tỉnh quan tâm. Trong đó, nhiều tác phẩm thơ đã được chọn lọc đăng tải trong các tuyển tập thơ, trên tạp chí Văn nghệ Hàm Luông và trên các diễn đàn văn học nghệ thuật của tỉnh.
Trong tuyển tập thơ “Khúc tự tình của dòng sông” của nhà thơ Võ Thành Hạo có tác phẩm “Viết cho mùa dừa năm ấy” được ông cảm tác nhân kỷ niệm Ngày Bến Tre Đồng khởi 1982. Mộc mạc, chứa chan tình cảm và sâu sắc trong từng vần thơ, ý thơ. “… Năm tháng theo con thuyền tiễn đưa/ Một mùa dừa đi, nhớ những mùa dừa ngã xuống/ Dòng nước Hàm Luông cuồn cuộn/ Vẫn âm ba những đợt sóng hào hùng/ Đâu chỉ một bài thơ/ Tôi có thể hóa thành người lớn/ Nhưng từ cơn sóng gợn/ Mùa dừa năm xưa thành lửa tim mình”.
Từ chủ đề phong trào Đồng khởi, tác giả Trần Nguyền cũng đã sáng tác bài thơ “Đuốc lá dừa” mang cả niềm tự hào truyền thống quê hương. “…Ngọn lửa đồng lòng, đồng loạt/ Khắp thôn cùng, xóm vắng/ Phước Hiệp, Bình Khánh/ Định Thủy tràn về/ Cuộn trào sông lửa/ Cuốn trôi đồn bót/ Quét sạch cường quyền/ Cho bóng dừa quê ngoại chảy đầy trăng… Hơn mấy mươi năm/ Giữ gìn ngọn lửa/ Thắp sáng những công trình lộng gió/ Thành phố Bến Tre ngọt ngào hoa cỏ/ Cầu Rạch Miễu - Hàm Luông - Cổ Chiên/ Đôi cánh diệu kỳ sông nước/ Nâng ba đảo bay lên cùng dân tộc/ Đuốc lá dừa vẫn tiếp lửa mẹ ơi!”.
Đưa truyền thống Đồng Khởi vào âm nhạc
Nhắc đến âm nhạc với chủ đề quê hương Đồng khởi, không thể không nói đến tác phẩm lừng danh “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng và trở nên quen thuộc với bao người. “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió. Có phải người còn đó, là con gái của Bến Tre. Con gái của Bến Tre, năm xưa đi trong đạn lửa, đi như nước lũ tràn về. Ơi những con người làm nên Đồng khởi. Ơi những cây dừa để lại cho ta bóng quê. Ơi tóc ai dài, để lại dáng đứng Bến Tre…”.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng có những tác phẩm nổi tiếng về Bến Tre, trong đó có bài “Bến Tre xanh biếc quê dừa” với những ca từ gần gũi, như chuyện kể qua âm nhạc, đưa thính giả nhớ về những tháng ngày lịch sử của quê hương. “…Nhớ những ngày xưa khi quê hương Đồng khởi, cùng đốt lá dừa làm đuốc soi đường. Hàm Luông vang tiếng bước chân đội quân tóc dài. Bầy ong cũng bay đi tìm giết giặc với rừng chông tre súng ngựa trời, mà làm nên chiến công huy hoàng, vang lừng đi mọi nơi. Mà ở đâu cứ trông cây dừa, lại nhớ Bến Tre dạt dào”.
Cũng là một trong những nhạc sĩ đã có nhiều sáng tác về quê hương Bến Tre với nhiều chủ đề khác nhau, trong đó có tác phẩm “Tiếng hát xứ Dừa” được Nhạc sĩ Võ Đăng Tín lấy nguồn cảm hứng sáng tác từ lịch sử Đồng khởi, bài hát cũng đã được nhiều ca sĩ, nghệ sĩ lựa chọn trình bày phục vụ khán, thính giả. “…Xứ Dừa ơi! Đồng khởi năm xưa quê mình đứng dậy, ngọn đuốc lá dừa soi sáng đêm thâu. Xứ Dừa ơi! Đồng khởi hôm nay tương lai bừng vẫy gọi. Có Đảng soi đường hạnh phúc ở trong tay. Ơi dừa ơi! Từ phù sa dừa thơm trái ngọt, như Bến Tre mình trong gian khổ đi lên”.
Có thể nói, lịch sử về phong trào Đồng khởi, về cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương của Đảng bộ, quân và dân Bến Tre vẫn mãi là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho lực lượng văn nghệ sĩ cả trong và ngoài tỉnh (cả về văn thơ, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh...). Qua đó, các tác giả góp phần tuyên truyền, chuyển tải những giá trị lịch sử vẻ vang của quê hương Đồng khởi Bến Tre, hun đúc niềm tự hào dân tộc và động viên các lực lượng, các tầng lớp nhân dân giữ gìn và phát huy truyền thống anh hùng, góp sức xây dựng tỉnh ngày càng phát triển trên các lĩnh vực. Kỷ niệm 64 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2024), cùng với lực lượng sáng tác, nhiều hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã được các ngành, cấp cấp, các địa phương tổ chức, tạo không khí vui tươi, sôi nổi cho ngày kỷ niệm.
Theo ÁNH NGUYỆT (Báo Đồng Khởi)