Đối tượng lừa đảo vẫn liên tục gọi điện thoại yêu cầu anh H chuyển 10 triệu đồng. Qua cuộc trao đổi điện thoại, bản chất lừa đảo của các đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đã hiện rõ khi anh H giả vờ kì kèo trả giá từ 10 triệu xuống 5 triệu, 3 triệu đồng mà bọn chúng vẫn đồng ý nhận tiền.

Anh L.M.N trình báo sự việc với cơ quan Công an. Ảnh Trung Quân
Mới đây, anh L.M.N (xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre) cũng bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Anh N cho biết, đầu tháng 3-2023, do có nhu cầu vay 10 triệu đồng, anh kết bạn với tài khoản Zalo tên Đoàn Mạnh Trung. Sau khi cung cấp đầy đủ thông tin, đối tượng nêu nhiều lý do phí làm hồ sơ, sai thông tin cá nhân… yêu cầu anh N chuyển tiền để khắc phục và sẽ hoàn trả sau khi giải ngân. Tin lời, anh N đã 5 lần chuyển tiền với hơn 10 triệu đồng, nhiều hơn số tiền anh muốn vay. Anh N cho biết: “Tôi đã chuyển tổng cộng 12 triệu đồng. Mỗi lần chúng yêu cầu chuyển một vài triệu đồng nên mình không cảnh giác, cứ nghĩ là giải quyết xong vướng mắc thì sẽ nhận được tiền vay và tiền đã chuyển”.
Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2022 đến nay, Công an Bến Tre đã tiếp nhận 9 trường hợp đến trình báo, với tổng số tiền bị chiếm đoạt 1,66 tỷ đồng với các thủ đoạn tương tự như đã nêu trên.
Trung tá Lưu Gia Hiến - Đội trưởng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh khuyến cáo và hướng dẫn người dân nhận diện tội phạm lừa đảo qua hình thức vay tiền online như sau: Khi yêu cầu người vay nhập các thông tin có liên quan đến các dãy chữ số như số căn cước công dân, số điện thoại… đối tượng thường lấy lý do đã nhập sai, yêu cầu người vay chuyển tiền để khắc phục (thường khoảng 10 - 20% số tiền vay). Nếu không cảnh giác, chuyển nhiều lần vì những lý do khác do bọn chúng đưa ra thì số tiền thiệt hại ngày càng lớn. Một điểm cần chú ý là lúc tư vấn cho vay đối tượng giới thiệu tên A nhưng khi yêu cầu chuyển tiền thì tài khoản tên B, do bọn chúng sử dụng tên giả và tài khoản không chính chủ.
Thông tin của ngành chức năng, hiện tại, các ngân hàng, công ty tài chính cho vay uy tín không yêu cầu nộp tiền ứng trước khi làm hồ sơ, thủ tục cho vay. Khi có nhu cầu vay vốn, người dân cần tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng, công ty tài chính để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ các trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.
Hầu hết tài khoản các đối tượng lừa đảo sử dụng để yêu cầu bị hại chuyển tiền vào đều không chính chủ. Sau khi nhận được tiền, bọn chúng sẽ tiếp tục chuyển qua nhiều tài khoản khác. Do đó, việc xác minh, thu hồi tài sản của bị hại rất khó thực hiện. Vì vậy, phòng ngừa bằng việc nhận diện và cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo với hình thức vay tiền online là biện pháp thiết thực, hiệu quả nhất để không bị mất tiền oan uổng.
Theo TRUNG QUÂN (Báo Đồng Khởi)