Bến Tre: Chính sách tri ân, đền ơn đáp nghĩa

25/07/2022 - 09:11

Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc. Đây là dịp thể hiện sự tiếp nối truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc cũng như thể hiện sự biết ơn, trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Thăm, tặng quà gia đình chính sách xã Châu Bình (Giồng Trôm). Ảnh: Ánh Nguyệt

Chủ trương ý nghĩa

Đảng và Nhà nước luôn khẳng định việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương binh cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Việc kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 hàng năm là hoạt động góp phần giáo dục truyền thống cách mạng. Qua đó, phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Sau 75 năm thực hiện, các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng đã được nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Các chế độ ưu đãi được thực hiện đa dạng, gồm: trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác (hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế).

Đến nay, toàn quốc đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Người có công tùy từng đối tượng có các chính sách chăm sóc đặc thù như: chính sách trợ cấp người phục vụ đối với mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như: thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình... và được chăm sóc với nhiều hình thức như: tại gia đình, cộng đồng, các cơ sở y tế và các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.

Nhiều hoạt động thiết thực từ cơ sở

Xác định công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công  với cách mạng là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực bằng những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình.

Huyện Giồng Trôm là một trong những địa phương có nhiều người có công với cách mạng. Theo thống kê, toàn huyện hiện có hơn 18 ngàn người có công được ghi nhận. Cùng với toàn tỉnh, UBND huyện Giồng Trôm đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022).  Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Võ Văn Niêm cho biết: Huyện đã tập trung rà soát và thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, nhất là đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vật chất cho người có công, chỉnh trang, tu sửa, nâng cấp đền thờ liệt sĩ các xã, thị trấn đảm bảo thật trang nghiêm, sạch sẽ. Huyện đã và đang tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân các văn bản, quy định về chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng; ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sĩ; công lao to lớn, sự hy sinh cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Tại huyện Mỏ Cày Bắc, người thực hiện nhiệm vụ thương binh xã hội luôn xem công tác đền ơn đáp nghĩa là đạo lý, nét văn hóa cao đẹp. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Mỏ Cày Bắc Nguyễn Trường Linh cho biết: “Đền ơn đáp nghĩa là trách nhiệm của thế hệ đi sau đối với những người đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chúng tôi luôn dành những tình cảm thiêng liêng và việc làm thiết thực để tỏ lòng ghi nhớ, tri ân những thương binh, liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Các dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 hàng năm, đơn vị đều tham mưu UBND huyện tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng”.

Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, huyện đã chuẩn bị các điều kiện và phục vụ lãnh đạo thăm, tặng quà các gia đình chính sách. Các hoạt động tri ân thiết thực của Đảng, chính quyền các cấp trong huyện đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần động viên, cải thiện cuộc sống đối với các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng. Những việc làm nghĩa tình, thể hiện lòng tri ân ấy sẽ tiếp tục được chính quyền các cấp duy trì thực hiện nhằm nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Nâng cao nhận thức về việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, biến nhận thức thành hành động thiết thực, cụ thể, tích cực góp phần vào việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Theo tài liệu từ Ban Tuyên giáo Trung ương, trong giai đoạn từ năm 2017 - 2021, số xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ liên tục tăng dần từ 96,6 -  99% (năm 2017: 96,6%, năm 2018: 98,11%, năm 2019: 98,37%, năm 2020 : 98,7%, năm 2021: 99%); chỉ tiêu mức sống của người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú tăng dần từ 98 - 98,6% (năm 2017: 98%; năm 2018: 98,42%, năm 2019: 98,63%, năm 2020: 99%, năm 2021: 98,6%).

Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cả nước vận động được hơn 4.900 tỷ đồng. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” như: tặng sổ tiết kiệm cho gia đình người có công, xây dựng nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng. Dịp lễ, Tết, kỷ niệm ngày 27-7 hàng năm, ngoài quà của Chủ tịch nước, ở tất cả các địa phương đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các gia đinh chính sách.

Theo Báo Đồng Khởi