Bến Tre: Chủ động điều kiện ứng phó bệnh đậu mùa khỉ

03/08/2022 - 14:28

Ngày 23-7-2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ. Gần 22,5 ngàn ca bệnh xác định tại 79 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 5 ca tử vong. Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng chưa ghi nhận trường hợp bệnh này. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh xâm nhập rất cao. Do đó, việc chủ động các điều kiện ứng phó là cần thiết.

A A

Giai đoạn toàn phát của bệnh đậu mùa khỉ do đại diện WHO báo cáo.

Tổng quan về bệnh

Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch do vi-rút đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Các triệu chứng chính của bệnh là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong. Bệnh thường tự khỏi trong vòng 2 - 4 tuần.

Tại buổi tập huấn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ do Bộ Y tế tổ chức diễn ra chiều 1-8-2022, bác sĩ Đỗ Thị Hồng Hiên - chuyên gia dịch tễ học, Trưởng nhóm đáp ứng khẩn của WHO tại Việt Nam cho hay: Giai đoạn ủ bệnh từ 6 - 13 ngày sau phơi nhiễm, có thể dao động từ 5 - 21 ngày. Giai đoạn khởi phát thường từ 1 - 5 ngày kèm các biểu hiện sốt, nhức đầu, đau lưng, đau cơ, mệt mỏi và nổi hạch. Giai đoạn toàn phát thường từ 1 - 3 ngày sau khi cơn sốt giảm với sự xuất hiện của phát ban. Phát ban biểu hiện theo các giai đoạn liên tiếp - dát, sẩn, mụn nước, mụn mủ, lõm trước khi đóng vảy và bong vảy trong khoảng thời gian từ 2 - 3 tuần.

 “Vấn đề khó khăn trong chẩn đoán lâm sàng ca bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát này là việc xuất hiện các ca bệnh có triệu chứng không điển hình. Hiện không có thuốc kháng vi-rút nào có hiệu quả đã được chứng minh cho bệnh nhân đậu mùa khỉ. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, theo dõi và điều trị tổn thương. Có 3 nhóm đối tượng, gồm: trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và người suy giảm miễn dịch cần theo dõi sát để cho nhập viện sớm, hạn chế nguy cơ tiến triển nặng”, bác sĩ Đỗ Thị Hồng Hiên cho hay.

Hướng dẫn điều trị bệnh đậu mùa khỉ, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn cho biết: Trường hợp phát hiện những ca đầu tiên sẽ đưa vào cách ly tại cơ sở y tế. Cơ sở y tế cũng là nơi giám sát, phát hiện ca bệnh đầu tiên. Hai nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa khỉ là người trực tiếp chăm sóc người bệnh và nhân viên phòng xét nghiệm làm việc với các mẫu bệnh phẩm được gửi đến để chẩn đoán đậu mùa khỉ.

Chủ động phát hiện bệnh

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tập huấn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ diễn ra chiều 1-8-2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý: “Nguy cơ dịch bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam chỉ là ngày một ngày hai. Vì thế, việc chuẩn bị tâm thế ứng phó là cần thiết. Để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh, Bộ Y tế đã kích hoạt Văn phòng đáp ứng dịch khẩn cấp và triển khai các biện pháp phòng chống dịch”.

TS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch ứng phó với 3 tình huống dịch. Tình huống 1, khi chưa có trường hợp bệnh xâm nhập, các bệnh viện kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo các giai đoạn của dịch, chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện cho phòng chống dịch. Xây dựng quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ. Thành lập đội chống dịch cơ động hỗ trợ cho tuyến dưới, tổ chức diễn tập phòng chống dịch. Điều trị các ca bệnh theo phân tuyến, thực hiện phương án điều trị tại chỗ theo chỉ đạo.

Tình huống 2, khi có các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam tổ chức khu điều trị cách ly riêng cho ca bệnh đậu mùa khỉ. Cập nhật quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ phù hợp với thực tế tại cơ sở. Tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ. Rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, hóa chất, nhân lực sẵn sàng ứng phó với dịch lan rộng. Tổ chức tập huấn bổ sung cho nhân viên y tế.

Tình huống 3, khi dịch lây lan ra cộng đồng sẽ mở rộng khu vực cách ly điều trị, tính toán phương án tự cách ly điều trị tại nhà. Huy động các khoa lâm sàng và các bộ phận hỗ trợ tham gia, trực chống dịch 24/24 giờ, sẵn sàng cử đội cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới, bệnh viện khác khi cần thiết. Phân loại người bệnh theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp, hạn chế di chuyển người bệnh. Thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác điều trị, chống nhiễm khuẩn và kiểm soát lây nhiễm, giám sát.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ cần thực hiện 6 biện pháp. Cụ thể, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Theo Báo Đồng Khởi