Bến Tre: Chủ động phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển

07/08/2023 - 09:31

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, tình hình thiên tai những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 diễn biến phức tạp, khó lường. Vừa qua, đoàn công tác Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã khảo sát công tác PCTT ở các địa phương, chỉ đạo rà soát, chủ động trong các tình huống.

Đoàn công tác Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khảo sát sạt lở bờ sông Cổ Chiên tại khu vực Tổ 14, ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách.

Sạt lở nghiêm trọng

Vấn đề đáng quan ngại nhất hiện nay là tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển. Theo báo cáo, trên địa bàn TP. Bến Tre hiện xuất hiện một số vị trí bờ sông có nguy cơ sạt lở, trong đó có khu vực bờ sông Bến Tre, khu vực Ấp 4, xã Nhơn Thạnh, khu vực dọc sông Cái Sơn. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP. Bến Tre cũng đã có kiến nghị tỉnh bố trí nguồn vốn để tiếp tục xây dựng dự án chống sạt lở bờ sông Bến Tre đoạn từ K0+986 đến K1+340 và hỗ trợ khắc phục khẩn cấp khu vực sạt lở mới phát sinh để hạn chế ảnh hưởng đến tuyến đường An Dương Vương, xã Nhơn Thạnh.

Tại huyện Chợ Lách, sạt lở bờ sông diễn ra nghiêm trọng và phức tạp với trên 12 điểm sạt lở cần được gia cố. Huyện đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ khẩn cấp để khắc phục 5 điểm sạt lở ven sông lớn, gia cố 350m sạt lở, đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các hộ di dời sạt lở bờ sông.

Khảo sát thực tế tại Tổ 14, ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Bình, nhận thấy đê bao ven sông Cổ Chiên đã sạt lở một đoạn dài khoảng 9m, đe dọa đến nhà ở và vườn cây ăn trái của người dân địa phương. Gia đình ông Nguyễn Tấn Tới, hộ dân ở Tổ 14 hiện đã di dời sang khu vực khác ở tạm gần 1 năm nay, ngôi nhà gạch cũ dùng làm chuồng trại nuôi dê cùng 2 công đất vườn chôm chôm đang cho trái hiện chỉ còn cách mép sạt lở khoảng 1m, phập phồng không biết sẽ sụp xuống sông bất cứ lúc nào. Ông Tới lo lắng nói: “Sáng nào tôi cũng qua đây thăm con nước triều cường, lo quá không ăn ngủ được. Đất đai không nhiều, mỗi năm trông chờ vụ trái cây này, lỡ nước tràn vô là mệt lắm. Mỗi ngày mưa to là thấy đất lại sụp xuống thêm một chút”.

Bà con địa phương cho biết, khu vực đê bao này đã từng sạt lở rất nhiều lần chứ không phải mới đây. Mỗi lần như vậy, địa phương lại gia cố, khắc phục bằng các biện pháp như đóng cừ dừa, chèn rọ đá nhưng tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục; vị trí sạt lở ngày càng ăn sâu vào trong, ngoài khả năng xử lý của người dân. Gia đình ông Nguyễn Hữu Thi ở cách đó không xa cũng đã bị mất khoảng 500m2 đất từ những lần sạt lở trước đây cho biết: “Người dân ở đây rất lo lắng, không biết sạt lở thêm lúc nào. Mùa này nông dân đang làm cây ăn trái, nếu vỡ đê, nước tràn vào thì sẽ gây thiệt hại lớn”.

Theo ông Nguyễn Trường Giang - công chức môi trường xã Vĩnh Bình cho biết: Địa bàn xã Vĩnh Bình, khu vực cập sông Cổ Chiên thuộc 3 ấp Phú Hiệp, Hòa Thuận, Phú Hòa là khu vực sạt lở rất nghiêm trọng. Các điểm sạt lở trước hiện đã được địa phương khắc phục tạm thời. Trước đây, khu vực này được Nhà nước gia cố kiên cố nhưng do con sông thay đổi dòng chảy nên bờ sông bị xói sâu, dẫn đến sạt lở. Hiện trường sạt lở ở địa bàn Tổ 14, ấp Hòa Thuận nếu đê vỡ thì sẽ gây thiệt hại khoảng 70ha cây ăn trái sầu riêng, chôm chôm của người dân. Chỗ sạt lở mới nhất vừa diễn ra cách nay 4 ngày. Chính quyền địa phương đã vận động người dân di dời tài sản, vật chất vào ở nơi an toàn và báo cáo về huyện vì tình hình vượt khả năng của địa phương.

Bên cạnh đó, tình hình mưa giông thời gian qua cũng gây thiệt hại cho người dân. Từ đầu năm đến nay, địa bàn TP. Bến Tre ghi nhận 2 đợt mưa giông gây thiệt hại làm tốc mái nhà của hộ dân ở phường Phú Khương và ngã đổ cây xanh ở một số địa bàn. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP. Bến Tre đã phối hợp khắc phục ngay sự cố. Hay tại huyện Chợ Lách, tình hình lốc xoáy vừa qua cũng gây thiệt hại làm tốc mái 25 căn nhà và khoảng 1,2ha vườn cây ăn trái.

“4 tại chỗ” khắc phục sự cố

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh đánh giá: “Qua kiểm tra các điểm sạt lở ở Chợ Lách có thể thấy rõ khả năng vỡ đê là rất cao, thiệt hại rất lớn đến đời sống kinh tế của người dân. Điều này đòi hỏi địa phương phải chủ động trong vấn đề khắc phục khẩn cấp các điểm sạt lở này. Trước mắt, địa phương tạm ứng kinh phí và chủ động trong đắp đê ở những nơi xung yếu để khắc phục, hạn chế việc sạt lở đê, sau đó có tờ trình để xin hỗ trợ của tỉnh, bù đắp lại kinh phí đã khắc phục”.

Nhằm chủ động ứng phó thiên tai những tháng cuối năm 2023, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các ngành, đơn vị, địa phương triển khai rà soát, cập nhật các kế hoạch về phòng chống, ứng phó với thiên tai. Chú trọng đến nội dung về sơ tán, di dời dân tại các khu vực xung yếu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi có tình huống thiên tai xảy ra. Đồng thời duy trì, củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, kịp thời huy động lực lượng khi có tình huống đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về PCTT&TKCN tại địa phương.

Chủ động thực hiện công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển theo quy định. Các ngành có liên quan và địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở. Đồng thời vận động các hộ dân có nhà ở nằm trong khu vực đã, đang hoặc có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở di dời đến nơi an toàn, thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực sạt lở để tránh xảy ra tai nạn. Chú trọng thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư… để gia cố tạm thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.

Các địa phương cần thường xuyên, rà soát kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương, kiểm tra công tác PCTT tại cơ sở để kịp thời chấn chỉnh, làm tốt nhiệm vụ trong thời điểm tình hình thiên tai có nhiều diễn biến khó lường. Tập trung cho công tác thông tin tuyên truyền, dự báo, cảnh báo cho người dân để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai cuối năm 2023 và mùa khô 2023-2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại bởi thiên tai.

Theo dự báo, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì và có khả năng kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024. Mùa mưa năm 2023 được dự báo kết thúc sớm hơn trung bình nhiều năm (khoảng vào nửa cuối tháng 10-2023), lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, nhiệt độ trung bình tại các khu vực cao hơn. Bên cạnh đó, tình hình triều cường sẽ lên nhanh từ đầu tháng 9, đỉnh triều cao nhất xuất hiện trong cuối tháng 10, đầu tháng 11, một số trạm đạt mức cao xấp xỉ đỉnh triều lịch sử. Vì vậy, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015-2016 và không loại trừ trường hợp cực đoan, kéo dài và đạt lịch sử như mùa khô năm 2019-2020 do tác động của công trình cống, đập giữ nước tại thượng nguồn tỉnh và tại các địa phương giáp ranh tỉnh, mặn có khả năng sẽ xâm nhập sớm vào các sông trên địa bàn tỉnh từ nửa cuối tháng 11-2023.

Theo THANH ĐỒNG (Báo Đồng Khởi)