Bến Tre: Đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu

20/03/2023 - 14:18

Hiện nay, đoàn viên, thanh niên (ĐV, TN) huyện Mỏ Cày Bắc đang tích cực thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp (KN) và phát triển doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2021 - 2025 trên nền tảng thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy về Đồng khởi KN và phát triển DN giai đoạn 2016 - 2020 đạt nhiều thành quả tốt đẹp. Huyện đoàn Mỏ Cày Bắc có 4 tổ hợp tác (THT), 17 tổ liên kết với hàng trăm ĐV, TN tham gia chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

A A

Đoàn viên Nguyễn Duy Khanh nuôi ong mật.

Khởi nghiệp chăn nuôi

Tại xã Tân Thanh Tây, có mô hình nuôi dê của TN Nguyễn Phương Tâm, ấp Thanh Nam. Nguyễn Phương Tâm cho biết: “Tôi nuôi dê từ năm 2018 đến nay. Hiện có 40 con dê boer (1 con đực, 13 con nái, 3 dê thịt, còn lại dê con, từ 1 - 3 tháng tuổi). Dê boer thịt từ nhỏ đến 8 - 9 tháng tuổi, thịt nạc khá nhiều, nặng 40kg/con là bán được. Giá dê thịt có lúc lên đến 150 ngàn đồng/kg. Nhà có 5 công vườn dừa trồng xen cỏ để nuôi dê (không cho ăn thức ăn). Nuôi vậy mới có lời nhiều. Phân dê thì bán 35 ngàn đồng/bao (cỡ bao thức ăn) cho các hộ trồng hoa màu. Sàn chuồng dê cách mặt đất 1m, tránh ẩm thấp. Mỗi tháng, tôi bán dê thịt, dê con khoảng 25 triệu đồng”.

Đoàn viên Nguyễn Duy Khanh cũng ở ấp Thanh Nam, xã Tân Thanh Tây, với mô hình nuôi ong mật. Tháng 6-2018, Nguyễn Duy Khanh tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ về nhà KN nghề nuôi ong mật trong vườn dừa. Duy Khanh chia sẻ: “Tốt nghiệp ra trường, tôi KN nghề nuôi ong mật. Tôi đang nuôi ong nội địa (có tên khoa học là Apis Cerana Indica) thuộc loài ong châu Á. Đầu tiên, tôi nuôi 20 thùng vào giữa năm 2018. Đến nay, có tất cả 170 thùng ong ở 4 trại thuộc 3 xã: Tân Thanh Tây, Khánh Thạnh Tân và Nhuận Phú Tân, mỗi thùng ong có 6 - 7 kèo. Vào mùa nắng, mỗi tháng 2 lần lấy mật (được 45 - 50 lít/tháng); mùa mưa 3 tuần mới lấy mật 1 lần. Mật bán với giá từ 300 - 350 ngàn đồng/lít. 1 năm thu về ít nhất 95 triệu đồng. Thương lái đến tận nhà để thu mua mật ong”.

Thủ công mỹ nghệ

Theo Bí thư Huyện đoàn Mỏ Cày Bắc Nguyễn Chí Hữu, huyện có cơ sở thủ công mỹ nghệ của ĐV Lê Thị Thư ở xã Phú Mỹ rất hiệu quả.

Đoàn viên Lê Thị Thư làm bình và hoa bằng sợi len. 

Lê Thị Thư cho biết: “Lúc còn là sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, TP. Hồ Chí Minh, ở chung ký túc xá thấy các chị em bạn cùng phòng (quê ở Đà Lạt) móc áo, khăn, giỏ xách… bằng sợi len, thích quá học theo rồi biết nghề này. Không ngờ bây giờ sống bằng nghề này và học thêm các kiểu móc len trên Google chỉ dẫn. Từ năm 2018, tôi bắt đầu KN với nghề móc len. Tháng 6-2018, tôi đạt giải ba tại cuộc thi “Ý tưởng KN dành cho ĐV, TN và học sinh huyện Mỏ Cày Bắc lần thứ I”.

 Tuy là giải ba, nhưng giờ đây Thư khá giả cũng nhờ ý tưởng này. Móc len sợi thành các sản phẩm: áo, khăn, giỏ xách, thú cưng, bình và hoa… Có những khách hàng yêu cầu móc hình chân dung bé yêu của họ lên áo (càng giống càng tốt) họ trả tiền khá cao. Ở đây, có 2 loại len: len phục vụ mùa Đông và len phục vụ mùa Hè. Sản phẩm làm ra chủ yếu xuất đi Nhật Bản theo đơn đặt hàng.

Vốn đầu tư của ĐV Lê Thị Thư vào cơ sở móc len đã hơn 200 triệu đồng. Mỗi năm xuất sản phẩm đi thu về khoảng 420 triệu đồng. Cơ sở này đang tạo việc làm cho khoảng 200 ĐV, TN là nữ trong tỉnh. Trong đó, Mỏ Cày Bắc có khoảng 60 nữ ĐV, TN tham gia.

“Nhờ chị Thư dạy móc len, tôi tham gia được 4 tháng, mỗi tháng thu về 5 triệu đồng. Bây giờ, tôi thấy rất thích nghề này vì nhẹ nhàng, thu nhập cao. Mấy chị kia theo nghề này trước tôi khoảng 2 năm bây giờ thu về khoảng 10 triệu đồng/tháng”, ĐV Phạm Thị Anh Thư, ở xã Phú Mỹ cho hay.

“Huyện đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh phát huy Chương trình Đồng khởi KN và phát triển DN trong ĐV,  TN. Chương trình đã tạo ra nhiều ý tưởng, sáng kiến hay trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình. Thường xuyên tổ chức các buổi “Tập huấn KN cho ĐV, TN. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Đồng khởi KN và phát triển DN giai đoạn 2021 - 2025”- Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Trung Nghiệp

Theo Báo Đồng Khởi