Hiện người dân nhiều địa phương vẫn cố tình vi phạm, lén lút đào ao nuôi tôm, trong khi đó ngành chức năng tỉnh chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho hay, việc quản lý nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn do các văn bản quản lý còn chồng chéo, chưa thống nhất giữa bộ, ngành hoặc xử phạt được nhưng tính răn đe không cao, do mức xử phạt thấp.
Hiện hành vi nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch chỉ áp dụng xử lý theo hướng sai mục đích sử dụng đất và khoan giếng trái quy định. Sắp tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản xử lý nuôi tôm biển ngoài quy hoạch theo Nghị định số 102 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre Lê Văn Đáo cho hay, việc xử lý, trám lấp giếng khoan được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 72 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời gian qua, Sở đã thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương trong việc xử lý, trám lấp giếng; quá trình thanh tra, kiểm tra của các địa phương. Bên cạnh đó, Sở thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về quy định của pháp luật về tài nguyên nước; nguy cơ sụt lún đất khi khai thác quá mức.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập yêu cầu, thời gian tới, để ngăn chặn tình trạng nuôi tôm ngoài quy hoạch, ngành chức tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân ở các địa phương thực hiện nghiêm quy hoạch nuôi tôm biển.
Tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện quy định của cấp trên liên quan đến xử lý nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch. Các địa phương tiến hành nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp vùng ngọt hóa để thay thế con tôm biển.
Theo ông Nguyễn Văn Buội, toàn tỉnh hiện có khoảng 650 ha nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch với 2.377 hộ nuôi, tập trung ở huyện Ba Tri, Bình Đại và một phần của huyện Thạnh Phú. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã thí điểm tổ chức nhiều mô hình chuyển đổi trong vùng ngọt hóa như nuôi tôm càng xanh toàn đực, cá sặc rằn, nuôi lươn, cá chạch lấu nhưng hiệu quả chưa cao... Nguyên nhân là do thời gian nuôi kéo dài, giá bán không ổn định, đầu ra tiêu thụ khó khăn, chỉ bán nội địa nên chưa thuyết phục người dân chuyển đổi từ con tôm chân trắng sang nuôi các đối tượng khác.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương cho biết, toàn huyện hiện có hơn 44 ha diện tích nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch với 280 hộ nuôi. Huyện có 2.285 giếng khoan; trong đó, 1.754 giếng sử dụng cho trồng hoa màu, lấy nước sinh hoạt và 531 giếng sử dụng nuôi tôm. Đến nay, huyện đã trám lấp 290 giếng gồm: 110 giếng trong vùng ngọt hóa, 180 giếng trong vùng nước mặn có quy hoạch nuôi tôm biển. Hiện còn khoảng 241 giếng khoan, qua kiểm tra, các hộ này chỉ sử dụng cho mục đích lấy nước ngọt tầng mặt để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
UBND huyện Ba Tri cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực, cá sặc rằn, nuôi lươn, cá chạch lấu...; tiếp tục mở cao điểm tuyên truyền, vận động thuyết phục bằng nhiều hình thức để người dân thấy rõ tác hại của việc nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa - ông Chương nhấn mạnh.
Theo TTXVN