Bến Tre: Giồng Trôm tăng cường cải cách chế độ công vụ trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức

27/01/2023 - 18:18

Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện Giồng Trôm đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 2 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm: “Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ (CB) có tâm, có tầm, có khát vọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới”. Huyện ủy đã đề ra Chương trình số 03-CTr/HU về xây dựng đội ngũ CB huyện Giồng Trôm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025 với 2 nhiệm vụ và 7 nhóm giải pháp thực hiện; trong đó, việc tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách chế độ công vụ nói riêng đóng vai trò quan trọng.

A A

Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm.

Các nhiệm vụ, giải pháp

Huyện tập trung thực hiện cải cách chế độ công vụ với mục tiêu xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, năng động và thực tài; xây dựng được đội ngũ CB, công chức, viên chức (CC, VC) có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định. Tổ chức thực hiện bằng các nhiệm vụ, giải pháp:

Một là, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý đội ngũ CB, CC, VC; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng tuyển dụng, nâng ngạch CC, thăng hạng VC.

Hai là, cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ CB, CC, VC các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu.

Ba là, triển khai các phương pháp, quy trình mới trong đánh giá, phân loại CB, CC, VC; triển khai các quy định về quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với VC tại các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi hoạt động theo hướng đẩy mạnh tự chủ.

Bốn là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ; triển khai thực hiện các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác CB và quản lý CB.

Năm là, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng và phẩm chất cho đội ngũ CB, CC, VC gắn với vị trí việc làm; đổi mới cơ chế quản lý và chế độ, chính sách đối với đội ngũ CB, CC ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Một số kết quả

Qua gần 2 năm thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trên, huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Các văn bản pháp luật về xây dựng, quản lý đội ngũ CB, CC, VC được triển khai đầy đủ, kịp thời từ huyện đến cơ sở; việc ứng dụng công nghệ thông tin mang lại hiệu quả tích cực, nhất là trong thực hiện chế độ chính sách, quản lý tiền lương của từng CB, CC, VC thông qua thiết lập chương trình theo dõi diễn biến lương, công tác chuyển đổi số trong quản lý hồ sơ CB, CC, chất lượng thi tuyển CC cấp xã (đã tổ chức thi tuyển, xét tuyển cạnh tranh, tuyển dụng 19 CC, VC)

Đội ngũ CB, CC, VC các cấp, các ngành đã được cơ cấu, sắp xếp lại đúng theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu với 93 biên chế CC cho 11 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện; 48 biên chế VC các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính, các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác CB và quản lý CB được tăng cường thực hiện; công tác đánh giá CB, CC, VC được đổi mới theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, đúng quy định pháp luật.

Chất lượng đội ngũ CB, CC, VC từ huyện đến cơ sở không ngừng được nâng lên cả về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Trong tổng số 85/93 biên chế hiện có, trình độ chuyên môn 12 thạc sĩ, 71 đại học; lý luận chính trị 54 cao cấp, trung cấp. Có 40/46 VC có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng; 11 VC được đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị. Đối với cấp xã, có 377/416 CB, CC có trình độ chuyên môn đại học, sau đại học; 339/412 được đào tạo trung cấp, cao cấp lý luận chính trị; 233/412 được bồi dưỡng quản lý nhà nước.

Để thực hiện được mục tiêu cho cả nhiệm kỳ, đòi hỏi các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở phải tiếp tục phấn đấu, ra sức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp cấp huyện, đội ngũ CB, CC, người hoạt động không chuyên trách các xã, thị trấn đảm bảo đủ số lượng, từng bước nâng cao chất lượng theo vị trí việc làm, chức danh CB, CC. Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với những CB, CC chưa đạt chuẩn chuyên môn, chính trị, quản lý nhà nước; chú trọng thực hiện công tác quy hoạch, tạo nguồn CB trẻ, kế thừa để không bị động trong sắp xếp, bố trí. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo CB, CC, VC thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý.

Theo Báo Đồng Khởi