Bến Tre: Giữ chữ “đồng” để phát triển nông nghiệp xanh, nhanh, danh tiếng và bền vững

13/02/2023 - 15:15

Giữ đúng nguyên tắc 9 chữ “đồng” đầu vào và 6 chữ “đồng” đầu ra nông nghiệp (NN) của địa phương để phát triển xanh, nhanh, danh tiếng và bền vững.

Sản phẩm cây giống, hoa kiểng Bến Tre đang được nâng tầm quốc gia.

9 chữ “đồng” đầu vào

Các cấp, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và toàn thể nông dân tỉnh nhà đồng tâm hiệp lực thực hiện Chương trình số 30-CTr/TU ngày 8-11-2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về NN, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 378/KH-UBND ngày 24-1-2023 của UBND tỉnh có cùng nội dung nói trên.

Các cấp, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân quyết tâm xây dựng nền NN tỉnh nhà phát triển xanh, hội nhập nhanh, danh tiếng và bền vững; đến năm 2030, giá trị sản xuất 1ha đất sản xuất NN từ 400 - 430 triệu đồng, lợi nhuận trên 1ha đất NN từ 150 - 260 triệu đồng.

Từng nông dân, nông gia, gia trại, trang trại tự nguyện, đồng lòng tập hợp, quy tụ lại thành một đầu mối thống nhất làm cơ sở vững chắc hình thành tổ chức kinh tế tập thể hoạt động theo các hình thức phù hợp với năng lực thực tế cùng phát triển chung một hướng. Đến nay, toàn tỉnh có 50 tổ hợp tác (THT), 59 hợp tác xã (HTX) NN tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm NN chủ lực.

Các doanh nghiệp cung ứng, sản xuất, chế biến, phân phối các sản phẩm NN đồng thuận liên kết với nông dân thông qua các tổ chức kinh tế tập thể bằng hợp đồng theo chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm, ngành hàng do lợi thế của mỗi bên mang lại. Chuỗi dừa hình thành 32 THT, 28 HTX với vùng sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ tập trung 16.563,66ha. Chuỗi bưởi da xanh hình thành 7 THT, 12 HTX, 19 liên kết với các doanh nghiệp, diện tích khoảng 374,03ha. Chuỗi chôm chôm có 3 HTX, diện tích khoảng 32ha. Chuỗi sầu riêng hình thành 1 HTX, 8 THT, diện tích 130,98ha, 3 liên kết với 1 HTX, 7 THT với diện tích 113,45ha. Chuỗi con heo có 2 THT, 3 HTX, có 184 hộ tham gia với khoảng 12 ngàn con. Chuỗi con bò có 1 THT, 4 HTX tham gia liên kết với các doanh nghiệp có quy mô 2.140 con, chiếm 0,7% tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh. Chuỗi tôm biển thành lập 1 HTX với 30 thành viên phát triển vùng sản xuất tập trung tại 3 huyện biển.

Tỉnh đã và đang tiếp tục phát triển vùng sản xuất hữu cơ, sản xuất xanh. Đến nay, có 18.185,59ha cây ăn trái, thủy sản và dừa được công nhận GAP và hữu cơ (dừa 9.736,83ha, cây ăn trái 509,56ha, thủy sản 7.939,2ha) nhằm thực hiện nền sản xuất NN cộng đồng trách nhiệm.

Đồng xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến phù hợp với thông lệ quốc tế, cấp mã số vùng trồng, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng. Trong đó, tỉnh đã tiến hành cấp 186 ngàn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm bưởi da xanh, cấp 25 mã số vùng trồng cây chôm chôm và 95 ngàn tem truy xuất nguồn gốc, cấp 2 mã số vùng trồng và 2 mã đóng gói sầu riêng.

Nhờ có sự đồng tình ủng hộ của các cơ quan có liên quan nên Sở Khoa học và Công nghệ đã đồng tạo lập được 46 nhãn hiệu cộng đồng, trong đó có 31 nhãn hiệu tập thể, 9 nhãn hiệu chứng nhận và 6 nhãn hiệu mang chỉ dẫn địa lý, gồm: Chỉ dẫn địa lý ”Bến Tre” cho sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh, bưởi da xanh, xoài tứ quý, tôm càng xanh, cua biển và “Cái Mơn” cho sản phẩm sầu riêng.

6 chữ “đồng” đầu ra

Khi hoạt động sản xuất NN được thực hiện bằng các hợp đồng đã được ký kết với các cam kết đúng theo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn là đồng nghĩa với việc sản xuất ra các sản phẩm đầu ra đồng màu sắc, đồng hình dạng và đồng kích cỡ.

Áp dụng và đồng duy trì thường xuyên, liên tục hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và các công cụ cải tiến năng suất vào hoạt động sản xuất NN giúp phát hiện và khắc phục ngay các khuyết tật của sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm tạo ra được sản phẩm đồng nhất về mặt chất lượng.

Với quy mô sản xuất liên kết, tập trung cùng sự điều hành sản xuất của tổ chức kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX hình thành số lượng sản phẩm đầu ra một cách đồng loạt nhất theo đơn hàng.

Thực hiện được 15 chữ đồng này vừa giúp NN địa phương tăng trưởng xanh, hội nhập nhanh, có nhiều sản phẩm danh tiếng trên thị trường trong và ngoài nước và bền vững, vừa có thể tạo được chuyển dịch từ sản xuất NN sang kinh tế NN.

Theo Báo Đồng Khởi