Bến Tre: Hạn mặn đe dọa vùng cây ăn trái đặc sản

01/04/2020 - 10:10

Xã Tân Phú, huyện Châu Thành (Bến Tre), vốn nổi danh là vùng đất của cây lành trái ngọt như: sầu riêng, chôm chôm và có dịch vụ du lịch vườn cây ăn trái phát triển rất mạnh. Thời điểm này, nơi đây đã không còn màu xanh ngút ngàn của các loại cây ăn trái trù phú như trước, thay vào đó là những vườn cây xơ xác lá do thiếu nước tưới kéo dài trong mùa hạn mặn.

Nhiều cây ăn  trái buộc phải đốn bỏ vì chết do thiếu nước.

Sầu riêng, chôm chôm thiệt hại 70 - 80%

Ông Lê Phước Linh, ấp Tân Tây, xã Tân Phú cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, do không có nước tưới, hơn 6ha vườn trồng chôm chôm và sầu riêng của ông một số đã chết và một số suy kiệt. Nhìn về phía vườn cây hơn 10 năm tuổi đã chết lá, khô quéo, ông tiếc nuối: “Rễ cây mất nước nên không thể nuôi thân dẫn đến cây chết. So với năm 2016, năm nay hạn mặn kéo dài nên chống chịu không nổi”.

Vườn trồng được trang bị hệ thống ống tưới nước tiết kiệm. Tuy nhiên, cả vườn cây đã chết, được đốn hạ để bán củi, với giá 100 ngàn đồng/m3, vì nước trong mương vườn đã không còn. Ông Linh cho biết, diện tích phần đất đã đốn hạ là 6 công (trong đó có 2 công sầu riêng và 4 công chôm chôm). Hàng năm, gia đình ông thu nhập từ vườn này ít nhất khoảng 200 triệu đồng. “Vườn này có nhiều ân tình với gia đình vì giúp tôi nuôi 2 đứa con ăn học, nay đã ra trường”, ông Linh buồn bã nói.

Các loại cây trồng này chịu mặn rất thấp, chôm chôm 0,5%o, sầu riêng 0,3%o. Từ khi hạn mặn đến nay, tưới nước tiết kiệm. Tuy nhiên, hạn kéo dài nên nước trữ trong đập cũng không thấm thía. Ngoài biện pháp tiết kiệm, ông Linh mua xe nước về để tưới với giá 100 ngàn đồng/m3 nhưng vẫn chẳng thấm vào đâu. Tuy nhiên, hướng tới sẽ tập trung “o bế” những cây sầu riêng con mới lớn, chứ cây lớn thì xem như hết hy vọng.

Không chỉ khu vườn trồng cây ăn trái đặc sản của ông Linh, những vườn xung quanh lá cũng rụng xơ xác, cây đã bị hụt nước ở chân. Một số ít hộ có tiền đầu tư đổi nước ngọt tưới như hộ ông Cao Đình Nhu, ấp Hàm Luông đã chi gần 200 triệu đồng để giữ 3ha sầu riêng.

Cũng theo ông Lê Phước Linh, tuy những vườn có cây hiện đang còn sống nhưng cũng chưa nói lên được điều gì. Vì nỗi lo khi mưa xuống, khả năng cây đang khô hạn sẽ bị sốc nước đột ngột, ảnh hưởng đến sức khỏe của cây trồng. Ông Lê Sanh Tùng Linh, cũng ở ấp Tân Tây đã gần như mất trắng 40 triệu đồng tiền phân bón để dưỡng 1,5ha vườn chôm chôm của gia đình. Nhiều hộ ước tính, nếu giữ được vườn qua mùa hạn mặn này, thì phải mất thêm 2 năm nữa mới có thu hoạch trở lại.

Theo ông Phạm Hoàng Khôi - Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú, toàn xã Tân Phú có trên 1.200ha trồng cây ăn trái đang cho thu hoạch. Đến nay, toàn xã đã có gần 5,2ha sầu riêng và chôm chôm chết hẳn do thiếu nước, khoảng 80% diện tích cây ăn trái đang đổ lá.

Một số loại trái cây đặc sản bị thay thế

Người dân Bến Tre hiện đang đối mặt với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn chưa từng có. Nếu như đợt hạn mặn 2015-2016, chỉ ảnh hưởng tới khu vực sản xuất trái cây đặc sản của huyện Châu Thành trong khoảng thời gian rất ngắn, thì năm nay hạn mặn kéo dài đã trở thành nỗi lo thường trực của người dân. Trước tình hình này, người dân đang tìm kiếm những loại cây trồng chịu mặn cao để thay thế cho chôm chôm và sầu riêng vốn là cây trồng đặc sản chuyên canh của vùng cây trái Tân Phú.

Theo ước tính, với 1ha chôm chôm nhà vườn có thể đạt thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Sầu riêng có thể đạt thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm. Nếu như trước đây, diện tích đất trồng cây ăn trái từng là niềm tự hào của người dân Tân Phú, thì nay đã trở thành mối lo.

Qua đợt hạn mặn này, vợ chồng ông Linh dự tính sẽ trồng cây nhãn để thay thế vào 6 công đất vừa đốn hạ vì thực tế qua mùa hạn mặn này đã chứng minh cây nhãn có sức chống chịu, thích nghi với hạn mặn nổi trội hơn so với chôm chôm và sầu riêng.

Hiện nay, nước sông độ mặn rất cao. Nhà vườn không thể bơm lên để tưới cho cây ăn trái, nhất là các loại cây nhạy cảm như chôm chôm, sầu riêng. Một số hộ dân ở Tân Phú phải thuê chở nước ngọt từ nơi khác về để tưới cho cây nhưng giá rất cao, khoảng 100 ngàn đồng/m3. Khoảng 2 tháng trở lại đây, từ khi các ao hồ trữ nước cạn kiệt, nhiều hộ ở ấp Hàm Luông đã phải chi đến gần 50 triệu đồng để có nước tưới cho 1ha sầu riêng.

Tại xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tình hình cũng không khả quan hơn. Thông tin từ UBND xã Tiên Long, độ mặn đo được trên các sông chảy qua địa bàn xã đang ở mức rất cao, từ 7 - 8‰. Tương tự, để ứng phó với tình hình hiện tại, những hộ dân có điều kiện khá của xã không có giải pháp nào hơn ngoài việc chở nước ngọt từ những nơi khác về để tưới tiêu và sinh hoạt. Phần lớn các hộ còn lại thì chấp nhận để cho cây trồng chết khô, không để chết vì nước mặn, bởi tưới nước mặn đất trồng cũng sẽ nhiễm mặn, rất khó trồng lại cây khác sau này.

Hiện UBND xã Tiên Long đã đề nghị UBND tỉnh, huyện có giải pháp hỗ trợ người dân trên địa bàn ấp cồn Tiên Lợi, bởi tình hình xâm nhập mặn đã vượt quá khả năng xử lý của xã.

Theo CẨM TRÚC (Báo Đồng Khởi)