Mô hình trữ nước ngọt phục vụ chăn nuôi và trồng trọt của gia đình ông Đào Văn Xích.
Xã có diện tích tự nhiên 2.229ha, 9 ấp, 131 tổ nhân dân tự quản (NDTQ), với 3.515 hộ dân, 15.357 nhân khẩu. Kinh tế người dân chủ yếu chăn nuôi bò, dê, heo, gà và trồng trọt (hơn 1.730ha dừa). Đến nay, UBND xã tham mưu Đảng ủy cũng như phối hợp với ban, ngành và đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động người dân xây dựng được 3.550 cống hồ chứa nước, với tổng thể tích 10 ngàn m3 để phục vụ cho sinh hoạt; trữ nước bằng những dụng cụ truyền thống như: lu, khạp, hộc hay bồn nhựa.
Hiện tại, xã Hương Mỹ đã được đầu tư xây dựng và vận hành sử dụng tốt 3 cống ngăn mặn cục bộ: Mỹ Đức, ấp Thị và Thạnh Đông. Đầu và cuối năm 2019, được sự hỗ trợ của các cấp đã lắp đặt 2 máy lọc nước mặn, công suất 3 ngàn lít/ngày tại ấp Thị. Tại nơi đặt máy lọc nước mặn có nguồn nước ngọt từ giếng, hỗ trợ địa phương từ 4 - 5m3/ngày. Đến nay, hệ thống nước sạch của nhà máy nước tư nhân được truyền từ tỉnh Tiền Giang đã đấu nối hệ thống dẫn nước ngọt; chờ thời gian lắp đặt và vận hành Trạm bơm tăng áp số 1 thì người dân địa phương sẽ được thuận tiện sử dụng nguồn nước sạch.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Phủ Đào Văn Xích, ở Tổ NDTQ số 5 chia sẻ: Ấp có 8 tổ NDTQ, với 252 hộ dân (trung bình từ 26 - 35 hộ/tổ), 1.095 nhân khẩu, 8 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Xã có 6 loa truyền thanh, hàng ngày phát thông tin tình hình hạn mặn, tuyên truyền và vận động người dân tích cực trữ nước ngọt. Ấp giao nhiệm vụ 1 tổ NDTQ hay đoàn thể ấp thực hiện từ 5 - 7 mô hình trữ nước ngọt. Người có mô hình thì kết nối cộng đồng và san sẻ với những người điều kiện khó khăn ở địa phương khi cần nguồn nước ngọt.
Phó chủ tịch UBND xã Hương Mỹ Nguyễn Văn An cho biết: Hàng năm, khi mùa hạn mặn đến gần, UBND xã thông tin, tuyên truyền và vận động người dân chủ động chứa, trữ nước ngọt hay nước mưa để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Từ năm 2020 đến nay, xã không xảy ra trường hợp thiếu nguồn nước trong sinh hoạt và sản xuất mỗi khi đến mùa hạn mặn.
Theo Báo Đồng Khởi