Bến Tre: Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng khá

14/11/2022 - 13:04

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, kết quả phục hồi kinh tế của tỉnh khá rõ, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh 9 tháng năm 2022 đạt 9,95%, xếp thứ 4/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó là kết quả thực hiện giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) cũng khả quan, với trên 1.263 triệu USD, tương đương tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 84,2% so với kế hoạch năm 2022.

A A

Giới thiệu sản phẩm thủy sản xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Gò Đàng Bến Tre.   

Kim ngạch xuất khẩu tăng 24%

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho hay, tổng KNXK giai đoạn 2016 - 2021 đạt 6,53 tỷ USD và tăng trưởng đều hàng năm. Cơ cấu xuất khẩu (XK) có sự chuyển biến theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng hàng công nghiệp (CN) chế biến tinh, chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao; giảm tỷ trọng hàng thô và gia công. Chủ thể XK không ngừng tăng lên, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ trọng các mặt hàng nông, thủy sản XK ngày càng gia tăng, riêng sản phẩm từ dừa năm 2021 XK chiếm xấp xỉ 30%, thủy sản XK chiếm xấp xỉ 6% KNXK toàn tỉnh.

Năm 2022, chỉ tiêu tổng KNXK của tỉnh là 1.500 triệu USD. Theo báo cáo của Sở Công Thương, kết quả thực hiện trong tháng 10 ước 125 triệu USD; lũy kế 10 tháng ước đạt trên 1.263 triệu USD, tăng trên 24% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 84,2% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó, khối doanh nghiệp (DN) FDI chiếm 75% tổng KNXK. Các mặt hàng XK chủ yếu bao gồm thủy sản các loại, cơm dừa nạo sấy, nước cốt dừa, nước dừa đóng lon, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, dệt may, túi xách, điện tử và linh kiện… Hầu hết các sản phẩm đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021, trong đó tăng mạnh nhất là hàng dệt may, tăng 100%; kế đến là túi xách tăng 86%; thủy sản các loại và nước dừa đóng lon tăng từ 33 - 36%.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 150 DN tham gia XK; thị trường ngày càng được mở rộng, hiện tại các sản phẩm từ Bến Tre đã XK sang hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thị trường XK chủ lực là châu Á: 607 triệu USD, châu Mỹ: 453 triệu USD, châu Âu: 143 triệu USD, còn lại là châu Đại Dương, châu Phi.

Liên quan đến những tín hiệu của hoạt động XK, ông Trần Văn Đức - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre khẳng định rằng, cộng đồng DN trong tỉnh đang kết nối lại các chuỗi cung ứng ngành hàng, thủy hải sản, ngành dừa, nông sản. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cơ bản đã có sự ổn định, tăng trưởng, doanh thu tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. KNXK hiện nay của các ngành đều tăng cao.

Mặc dù kết quả XK tháng 10-2022 có giảm nhẹ, tương đương khoảng 0,5% so với tháng 9, tuy nhiên có tăng 16,6% so với cùng kỳ (theo báo cáo kết quả thực hiện tháng 10 và lũy kế 10 tháng của Sở Công Thương).

KNXK của tỉnh có tín hiệu đáng mừng cho thấy kinh tế của tỉnh có bước phục hồi khá rõ. Tỉnh cần tăng tốc phát triển hơn nữa trong thời gian tới vì KNXK của tỉnh chỉ xếp hạng trung bình so với cả nước nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Với khoảng cách còn khá xa so với các tỉnh, thành phố lớn (đạt từ 10 - 40 tỷ USD).

Phát triển công nghiệp chủ lực

Để phát triển sản xuất, đẩy mạnh XK, trong năm 2022, Sở Công Thương đã tập trung triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển CN chủ lực, lực lượng DN của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Với các ngành chủ lực là chế biến dừa, thủy sản, CN hỗ trợ.

Kết quả, giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa năm 2022 ước đạt 3.650 tỷ đồng, tăng 14,06% so với cùng kỳ, chiếm 10% so với giá trị sản xuất CN toàn tỉnh. KNXK dừa ước đạt 400 triệu USD, tăng 17,34% so với cùng kỳ, chiếm 27,82% KNXK toàn tỉnh.

Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Khu CN An Hiệp, huyện Châu Thành) là một trong những DN dẫn đầu trong ngành dừa nói riêng và của tỉnh Bến Tre nói chung đã có nhiều đóng góp vào sự phục hồi tăng trưởng của tỉnh, xếp vào top 500 DN lớn nhất Việt Nam, nhóm 100 DN có tốc độ tăng trưởng tốt trong năm 2022. Doanh thu XK năm 2022 ước đạt trên 50 triệu USD.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Cù Văn Thành, một trong những giải pháp đẩy mạnh XK của DN trong thời gian tới là tiếp tục cải tiến công nghệ, xem đây là mục tiêu tiên quyết vừa để cắt giảm chi phí trung gian, vừa nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại thị trường trong và ngoài nước, kể cả các thị trường truyền thống và thị trường mới.

Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến thủy sản năm 2022 ước đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 14,29% so với cùng kỳ, chiếm 13,15% so với giá trị sản xuất CN toàn tỉnh. KNXK thủy sản ước đạt 82,73 triệu USD, tăng 43,37% so với cùng kỳ, chiếm 5,48% KNXK toàn tỉnh. Giá trị sản xuất CN hỗ trợ năm 2022 ước đạt 3.450 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, chiếm 9,45% so với giá trị sản xuất CN toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đẩy mạnh xúc tiến đối với thị trường trong và ngoài nước thông qua các hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại; các hội nghị trực tuyến, trực tiếp; tham gia các đoàn công tác xúc tiến thương mại ngoài nước; các kênh thương mại điện tử…

Nhằm đẩy mạnh XK trong thời gian tới, cần tận dụng, khai thác 17 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước hàng đầu khu vực, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Đây là những yếu tố thuận lợi để Bến Tre có thể phát triển và đưa các sản phẩm từ nông sản, thủy sản của tỉnh đến các thị trường thế giới. Cụ thể, nhóm hàng CN, bên cạnh sản phẩm chủ lực là các sản phẩm chế biến từ dừa còn có các sản phẩm từ hàng dệt may, túi xách da và bộ dây điện dùng cho ô tô. Thị trường XK là các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông và châu Phi. Nhóm hàng rau quả: tập trung các sản phẩm trái cây như bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn và trái dừa tươi. Thị trường xuất khẩu là các nước Liên minh châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông, châu Phi và Trung Quốc. Nhóm hàng thủy hải sản chế biến: gồm các mặt hàng cá, nghêu, tôm. Thị trường là các nước Liên minh châu Âu, Trung Đông, châu Phi và Trung Quốc. Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là thủ công mỹ nghệ từ dừa. Thị trường chủ yếu là các nước Liên minh châu Âu, châu Mỹ- Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu

Theo Báo Đồng Khởi