Bến Tre: Làm kẹo chăm lo cuộc sống gia đình

20/04/2022 - 10:03

Bắt đầu khởi nghiệp làm kẹo (dẻo, chuối, gừng) từ năm 2008 đến nay, bà Nguyễn Thị Đào (50 tuổi, quê gốc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) và ông Phạm Văn Bé (62 tuổi, ngụ ấp Chợ Mới, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc) có thu nhập dần ổn định để chăm lo cuộc sống gia đình.

A A

Bà Nguyễn Thị Đào cắt kẹo trước khi đóng gói.

Bà Nguyễn Thị Đào và ông Phạm Văn Bé đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động nữ ở địa phương. Dịp Tết, gia đình bà Đào làm trung bình 300kg kẹo/ngày để giao cho khách. “Trước kia, tôi làm vườn tại nhà và có thời gian làm thuê tại cơ sở sản xuất kẹo ở TP. Bến Tre. Nhiều năm, tôi tích lũy được chút kinh nghiệm sản xuất. Đi làm cho người ta hoài cũng không bằng tự thân làm chủ và giúp được phụ nữ địa phương có thêm thu nhập. Lúc đầu, tôi gặp nhiều khó khăn như kẹo hư hao nhiều, nhất là việc lợi đường làm kẹo bị cứng. Qua thời gian, nghề dạy nghề, từ gói bằng tay nay đã áp dụng đóng gói sản phẩm bằng máy”, bà Đào chia sẻ.

Thông thường, kẹo được hoàn thành sẽ trải qua các công đoạn: Lột chuối hay cắt gừng, quậy, xắt thành miếng và đóng gói. Hiện tại, bà Đào đang làm kẹo dẻo, gừng và chuối được gói theo kiểu vuông hoặc tròn. Kẹo được khách ở địa phương và TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và người quen đặt hàng. Bà Đào giao 1 - 2 chỗ ở chợ Trường Thịnh (xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc) hay có khách hàng quen đặt rồi đến nhà nhận.

“Tôi phụ trách công đoạn rắc mè và xắt kẹo bằng máy trước khi đem qua khâu gói. Đôi khi bận công việc, cháu trai tôi luân phiên phụ làm. Khách đặt nhiều thì làm nhiều, bây giờ 2 - 4 ngày sẽ làm một lần. Ở địa phương làm kẹo rất nhiều, chỗ làm kẹo khác vào thời gian này cũng ít làm, còn ở đây thì làm xuyên suốt. Người đứng xắt cần phải kỹ lưỡng, có tính cẩn thận mới làm nên sản phẩm hoàn chỉnh”, ông Bé (chồng bà Đào) bộc bạch.

Lúc trước, bà Đào cùng mọi người gói kẹo bằng tay và tích lũy qua nhiều năm, khách hàng yêu cầu nên bà quyết định trang bị máy móc: 2 máy xắt tròn và vuông cùng 2 máy quậy với giá 15 triệu đồng/cái do cơ sở cơ khí địa phương thiết kế. Máy đóng gói mua ở TP. Hồ Chí Minh với giá 70 triệu đồng/cái. Hiện tại, xưởng có 2 chảo lớn dùng lửa thuận tiện cho quậy nguyên liệu và dự tính thêm 1 chảo sên
kẹo me.

Tháng 12-2021, bà Đào vay Quỹ giúp phụ nữ phát triển kinh tế của Hội Liên hiệp Phụ nữ 30 triệu đồng làm vốn đầu tư nguyên liệu để sản xuất kẹo. Theo dự tính, bà sẽ sửa chữa lại nhà dưới để mở rộng không gian đầu tư cho việc làm kẹo me đang được hình thành ý tưởng.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Ngãi Lê Thị Hồng Cúc cho biết: Bà Nguyễn Thị Đào sản xuất kẹo quanh năm, giúp nhiều phụ nữ địa phương có việc làm. Nhờ sản xuất kẹo, bà Đào có nguồn thu nhập ổn định chăm lo cho gia đình và xây dựng ngôi nhà khang trang. Gia đình bà Đào đã tự lực vươn lên trong việc gầy dựng và phát triển sự nghiệp. Kỳ vọng mô hình này ngày càng phát triển để giúp thêm nhiều phụ nữ. Nguồn vốn của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã sẽ tiếp thêm động lực để phụ nữ địa phương phát triển kinh tế.

Theo Báo Đồng Khởi