Đại biểu thấp hương tại phần mộ Đốc binh Phan Ngọc Tòng.
Đến tham dự lễ có Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bàn; nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh - Chủ tịch Hội Di sản tỉnh Nguyễn Quang Trị.
Đốc binh Phan Ngọc Tòng (sinh năm 1818 và mất năm 1867) ở làng An Bình Đông, Tổng Bảo An (nay thuộc thị trấn Ba Tri). Khi Pháp chiếm Bến Tre, phong trào chống giặc nổi lên khắp nơi trong tỉnh. Mặc dù chỉ là hương giáo làng, mẹ vừa mới mất, trên đầu còn chít khăn tang nhưng với tinh thần yêu nước, Phan Ngọc Tòng đứng lên chống Pháp và được đề cử chức Đốc binh. Ông chiêu mộ nghĩa binh, mọi người theo ông rất đông với vũ khí thô sơ chỉ có gươm giáo, mã tấu. Khi giặc Pháp chiếm đóng Ba Tri, đêm đến chúng co cụm lại đóng quân trên gò cát có địa danh là Gò Trụi (thuộc ấp Giồng Gạch, xã An Hiệp ngày nay). Nơi đây vốn có một miếu thờ thần dưới gốc một cây trôm lớn, xung quanh hoang vu, cây cối um tùm.
Đêm 21-10-1867, Phan Ngọc Tòng chỉ huy nghĩa quân tấn công đánh giáp lá cà với địch bằng khẩu lệnh xung phong là “hè hè” để uy hiếp tinh thần địch. Dù nghĩa quân có tinh thần yêu nước quật cường nhưng chỉ bằng vũ khí thô sơ không thể chống nổi với súng ống của quân Pháp. Ông và nhiều nghĩa quân đã hy sinh, nên dân làng thường gọi trận đánh này là trận “giặc hè”. Về sau, vào ngày này hàng năm, dân làng An Bình Đông đều tổ chức ngày giỗ hội và lễ cầu hồn để tưởng nhớ những nghĩa quân đã hy sinh.
Vào ngày 21-10 âm lịch hàng năm, chính quyền địa phương và nhân dân xã An Hiệp tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm ngày mất của ông để tưởng nhớ, ghi nhận những đóng góp, hy sinh của người anh hùng dân tộc Phan Ngọc Tòng, đồng thời để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông, của dân tộc Việt Nam
Theo Báo Đồng Khởi