Bến Tre mong muốn doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến dừa công nghiệp

19/11/2020 - 09:34

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre mong muốn các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ để nâng cao tỷ lệ khai thác, sản xuất chế biến lượng dừa công nghiệp không chỉ của tỉnh.

Thu hoạch dừa xiêm xanh ở Bến Tre. Ảnh: Công Trí - TTXVN

Theo ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, do biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn với cường độ ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng đến phát triển cây dừa.

Vì vậy, cần có giải pháp thiết thực để thực hiện có hiệu quả quy hoạch vùng trồng; tập trung nghiên cứu và chuyển giao giống đảm bảo chất lượng, các quy trình kỹ thuật canh tác thích hợp trong điều kiện bất lợi của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; tiếp tục liên kết với nông dân để phát triển và mở rộng vườn dừa hữu cơ.

Đây là hướng đi tất yếu trong tương lai giúp nông dân có thu nhập bền vững trên cây dừa.

Với tổng công suất đã đầu tư có khả năng khai thác, chế biến hơn 1,25 tỷ trái/năm, nhưng số lượng sản phẩm chế biến chỉ tương đương khoảng 600 triệu trái, ông Nguyễn Hữu Lập mong muốn các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ để nâng cao tỷ lệ khai thác công suất đã đầu tư, sản xuất chế biến lượng dừa công nghiệp không chỉ của tỉnh mà cần liên kết để tiêu thụ dừa trái của các tỉnh lân cận.

Ông Trần Văn Đức, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (BEINCO) cho biết, cần có chính sách khuyến khích người dân chuyển sang canh tác dừa theo hướng hữu cơ vì lợi ích mang lại rất lớn.

Theo ông Đức giá dừa hữu cơ lúc nào cũng cao hơn 10.000-15.000 đồng/chục(12 trái) so với dừa trồng thông thường. Bên cạnh đó, dừa trồng theo hướng hữu cơ sẽ ít bị tác động do biến đổi khí hậu, dừa ít bị nhỏ trái, năng suất ổn định quanh năm.

Ngoài nhu cầu các thị trường ngoài nước về các sản phẩm hữu cơ rất lớn nhưng chưa đáp ứng đủ. Do vậy, ngành chức năng cần hỗ trợ người dân thay đổi thói quen canh tác truyền thống chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ. Từ đó đưa ngành dừa bến Tre ngày càng phát triển hơn.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, diện tích dừa của tỉnh Bến Tre hiện có hơn 72,7 nghìn ha. Năng suất 9,5 nghìn trái/ha/năm. Sản lượng năm 2020 ước đạt 630 triệu trái; trong đó, dừa công nghiệp (nguyên liệu chế biến) chiếm 80-85% và dừa tươi uống nước khoảng 15-20%.

Giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa năm 2020 ước đạt 5.880 tỷ đồng, chiếm 17,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 18,86%/năm. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa ước thực hiện năm 2020 đạt 346,91 triệu USD, chiếm 26,69% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Ngoài ra, tổng diện tích dừa công nghiệp đang chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và được chứng nhận hữu cơ là hơn 8,6 nghìn ha, trong đó diện tích đạt chứng nhận là hơn 3,7 nghìn ha. Các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất theo 3 tiêu chuẩn chứng nhận của Nhật, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU),… Tất cả các vườn dừa sau khi đạt chứng nhận hữu cơ được doanh nghiệp bao tiêu thu mua với giá tăng thêm từ 10-20% so với giá dừa thường.

Ông Châu Văn Bình, Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre cho biết, Bến Tre xác định ngành dừa là ngành chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh, là cây thích ứng với biến đổi khí hậu, có khả năng chịu hạn mặn tốt giúp người dân có thu nhập kinh tế bền vững. Do vậy, Bến Tre từng bước hỗ trợ người dân phát triển cây dừa thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay; trong đó, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị cho cây dừa, từng bước chuyển đổi sản xuất dừa theo hướng hữu cơ để tăng giá trị sản phẩm cho người dân trồng dừa.

Ông Châu Văn Bình cho hay, Bến Tre có 182 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau. Hiện tại ngành công nghiệp chế biến dừa của Bến Tre phát triển mạnh, công nghệ chế biến đã vươn ra tầm khu vực và thế giới.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung phát triển chế biến dừa đi vào chiều sâu, sử dụng công nghệ hiện đại, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm và sản xuất các sản phẩm mới. Bên cạnh đó, Bến Tre tăng cường liên kết vùng để xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ, sản xuất...

Theo HUỲNH PHÚC HẬU (TTXVN)